Hội nghị tổng kết hoạt động của Chương trình quốc gia chống thất thoát thất thu nước sạch giai đoạn 2011-2015

Thứ tư, 27/01/2016 16:08
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 27/01/2016 tại trụ sở cơ quan Bộ Xây dựng đã diễn ra Hội nghị tổng kết hoạt động giai đoạn 2011 - 2015 và kế hoạch triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2016 -2020 của Chương trình quốc gia chống thất thoát, thất thu nước sạch đến năm 2025. Tham dự hội nghị có các thành viên của Tổ chuyên gia liên ngành và đại diện các Bộ: Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Hội Cấp thoát nước Việt Nam, Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng - cơ quan đầu mối thực hiện Chương trình chủ trì Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị

Theo báo cáo của Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng, Chương trình quốc gia chống thất thoát, thất thu nước sạch đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2147/QĐ-TTg ngày 24/11/2010 với mục tiêu giảm tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch trên phạm vi cả nước. Sau khi kiện toàn về tổ chức của Ban Chỉ đạo và Tổ chuyên gia liên ngành, việc triển khai thực hiện Chương trình đã bám sát kế hoạch được duyệt, và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Sự vào cuộc tích cực, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp đã giúp cho Chương trình đạt được mục tiêu đề ra là giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch xuống còn 25% vào năm 2015.

Trong giai đoạn 2011-2015, các Bộ, ngành Trung ương đã tích cực hoàn thiện cơ chế chính sách cho việc thực hiện Chương trình, cụ thể đã ban hành Thông tư liên lịch số 75/2012/TTLT giữa Bộ Tài chính – Bộ Xây dựng – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn. Trong đó đã quy định về tỷ lệ cũng như cơ chế tài chính trong việc giảm lượng thất thoát, thất thu của các đơn vị cấp nước.

Chương trình đã hỗ trợ tích cực công tác cải cách, đổi mới doanh nghiệp cấp nước. Đến nay đã có gần 50% số công ty cấp nước đã cổ phần hóa, tạo ra chuyển biến tích cực về các chỉ tiêu tài chính, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, giảm gánh nặng đầu tư cho ngân sách nhà nước, nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung. Từ sự hỗ trợ của Chương trình, các cơ quan chức năng đã rà soát, tổng kết và đánh giá tình hình thực hiện Thông tư số 08/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng về hướng dẫn thực hiện đảm bảo cấp nước an toàn; rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Định hướng phát triển cấp nước đô thị đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 để đề xuất sửa đổi, bổ sung; rà soát, sửa đổi và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến lĩnh vực cấp nước; rà soát đánh giá việc thực hiện Nghị định số 117/2007/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, đặc biệt liên quan đến quản lý và đảm bảo chất lượng nước tại các khu đô thị, các chung cư.

Ban Chỉ đạo và tổ chuyên gia liên ngành đã xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình theo từng giai đoạn và nhiệm vụ cụ thể của từng hoạt động của Chương trình.

Trong việc kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện công tác chống thất thoát thất thu nước sạch, Ban Chỉ đạo và Tổ chuyên gia liên ngành đã tổ chức các đoàn công tác tại một số tỉnh miền Bắc, miền Trung, miền Nam với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành liên quan và các chuyên gia trong lĩnh vực cấp nước. Các chuyến công tác này nhằm kiểm tra, giám sát và hướng dẫn Chương trình quốc gia chống thất thoát thất thu nước sạch cho UBND cấp tỉnh, Sở Xây dựng và các đơn vị cấp nước trên toàn quốc; tập hợp số liệu về tình hình thất thoát thất thu nước sạch của các đơn vị cấp nước; giải pháp chống thất thoát thất thu nước sạch đang triển khai; nghiên cứu đề xuất của các địa phương…

Trong giai đoạn 2013-2015, đã tổ chức thành công 6 Hội thảo tại 3 miền với sự tham gia của tất cả các đơn vị cấp nước, các Bộ ngành liên quan và các địa phương nhằm trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức và năng lực chống thất thoát, thất thu nước sạch.

Thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn nhằm giảm tỷ lệ thất thoát nước, Tổ chuyên gia liên ngành đã tiến hành đánh giá tình hình tổ chức thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn, nâng cao năng lực thực hiện cấp nước an toàn cho các đơn vị cấp nước; hướng dẫn sử dụng công chủ đảm bảo chất lượng; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về đảm bảo cấp nước an toàn; xây dựng hướng dẫn đánh giá hiệu quả việc thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn… Bên cạnh đó, cũng đã tổ chức các hội thảo tại Hải Phòng, Hà Nội, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh, Vùng Tàu về cấp nước an toàn.

Công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về cấp nước an toàn, chống thất thoát thất thu nước sạch cũng được chú trọng và đẩy mạnh. Các hoạt động của Chương trình, những tiến bộ KHCN, các dự án, giải pháp mới, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan… thường xuyên được cập nhật trên trang Thông tin điện tử của Cục Hạ tầng kỹ thuật. Bản tin nội bộ phản ánh các hoạt động của Chương trình cũng được phát hành đều đặn gửi tới các cơ quan, đơn vị có liên quan và các đơn vị cấp nước trên toàn quốc.

Công tác hợp tác quốc tế được đẩy mạnh với các đối tác trong lĩnh vực chống thất thoát nước sạch như hợp tác với Chương trình nước và vệ sinh tại các thị trấn nhỏ ở Việt Nam trong tổ chức Hội thảo chưa sẻ kinh nghiệm chống thất thoát nước sạch; Hợp tác với Tổ chức y tế thế giới (WHO) trong các hoạt động thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn; Hợp tác với Viện Công nghệ và Công nghiệp môi trường Hàn Quốc, Bộ Ngoại giao Đan Mạch …

Ban Chỉ đạo và Tổ chuyên gia liên ngành đã trợ giúp các địa phương xây dựng kế hoạch, đề cương dự án chống thất thoát, thất thu nước sạch giai đoạn 2011-2015, tập trung vào hoàn thiện cơ cấu tổ chức thực hiện Chương trình, tổ chức các Hội thảo, các khóa đào tạo tăng cường năng lực, đề xuất các giải pháp kỹ thuật như đầu tư, thay thế cải tạo một số mạng lưới, phân vùng tách mạng, lắp đặt thiết bị phát hiện rò rỉ…

Hưởng ứng Chương trình quốc gia chống thất thoát, thất thu nước sạch, các đơn vị cấp nước của các tỉnh đã chủ động xây dựng lộ trình giảm thất thoát thất thu nước sạch và các kế hoạch và hoạt động cụ thể. Nhiều đơn vị cấp nước đã quyết tâm cũng như tập trung các nguồn lực cho các hoạt động, các dự án chống thất thoát thất thu nước sạch và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, vượt chỉ tiêu đề ra như đơn vị cấp nước Đà Nẵng (tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch còn 19%, giảm 12% so với năm 2009), Thừa Thiên Huế (13%), Bình Dương (9%) Bà Rịa Vũng Tàu (15%), Hải Phòng (15%), Hải Dương (17%).

Về kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2016-2020, báo cáo của Cục Hạ tầng kỹ thuật đã đề ra những hoạt động trọng tâm như: Tiếp tục kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác chống thất thoát thất thu nước tại các địa phương; Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách và các quy định, hướng dẫn thực hiện chống thất thoát thất thu nước sạch; Tăng cường hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng; Biên soạn tài liệu, giáo trình hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình; Xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp nước…

Phát biểu đóng góp ý kiến để hoàn thiện báo cáo của Cục Hạ tầng kỹ thuật, các đại biểu của Tổ chuyên gia liên ngành đều khẳng định việc triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2011-2015 đã đạt được những kết quả quan trọng, hoàn thành giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch xuống 25% theo đúng mục tiêu của Chương trình đã được Thủ tướng phê duyệt. Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của Chương trình, các đại biểu đã đưa ra những kiến nghị tháo gỡ về cơ chế chính sách (giá nước, tính đặc thù của dự án chống thất thoát nước sạch, cơ chế vay vốn, sự phối hợp giữa các bên liên quan…) cũng như đề xuất bổ sung một số hoạt động của Chương trình.

Tổng hợp các ý kiến phát biểu của đại diện các Bộ, ngành và các cơ quan đơn vị liên quan, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Nguyễn Hồng Tiến ghi nhận các ý kiến đóng góp để hoàn thiện báo cáo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ, đồng thời cảm ơn sự tham gia tích cực, phối hợp có hiệu quả các Bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị hữu quan đã góp phần giúp Chương trình được triển khai thực hiện đạt được những kết quả quan trọng trong thời gian qua. Đồng thời, Cục trưởng Nguyễn Hồng Tiến cũng mong muốn các Bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị, các thành viên của Tổ chuyên gia liên ngành sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa giúp Chương trình hoàn thành các nhiệm vụ đề ra trong năm 2016 và trong cả giai đoạn 2016-2020.
 

Minh Tuấn
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)