Nghiệm thu đề tài khoa học công nghệ của Đại học Xây dựng Hà Nội

Thứ hai, 23/05/2022 17:40
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 23/5/2022, Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng họp đánh giá, nghiệm thu đề tài khoa học công nghệ “Nghiên cứu, đánh giá thực trạng và xây dựng khung chương trình, giáo trình thiết kế, thi công công trình xây dựng cho bậc đại học và cao đẳng theo định hướng mới của hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật ngành Xây dựng”. Đề tài do nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Xây dựng Hà Nội thực hiện. Ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.


Chủ tịch Hội đồng Vũ Ngọc Anh kết luận cuộc họp

Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện đề tài, PGS.TS. Phạm Xuân Anh chủ nhiệm đề tài cho biết, hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật ngành Xây dựng sử dụng trong các giáo trình, bài giảng (về bê tông cốt thép, kết cấu thép, cơ đất nền móng, kỹ thuật thi công, tổ chức thi công...) của các trường đại học, cao đẳng để đào tạo kỹ sư thiết kế, cử nhân và kỹ sư thực hành (trình độ cao đẳng) hiện nay chủ yếu dựa trên các tiêu chuẩn của Liên Xô, Trung Quốc, Đông Đức cũ..., không đáp ứng thực tiễn của công tác thiết kế, thi công của ngành.

Từ thực tế này, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 198/QĐ-TTg, về việc phê duyệt Đề án Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, với mục tiêu tổng quát “hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng đồng bộ, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và các hoạt động trong xây dựng; đảm bảo an toàn trong xây dựng; khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất lao động, chống thất thoát lãng phí; hướng tới các tiêu chí xanh, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo vệ an ninh quốc gia”. Trong đó, mục tiêu cụ thể là “đổi mới hệ thống tài liệu giảng dạy có lồng ghép các nội dung mới trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng cho các trường đào tạo nguồn nhân lực ngành Xây dựng”. Do đó, việc nghiên cứu đánh giá thực trạng và xây dựng khung chương trình, giáo trình thiết kế, thi công công trình xây dựng cho bậc học đại học và cao đẳng theo định hướng mới của hệ tiêu chuẩn kỹ thuật ngành Xây dựng là rất cần thiết.

Mục đích nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng công tác giảng dạy, biện dẫn hệ thống tiêu chuẩn trong các tài liệu, giáo trình giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam, nhất là các khối kiến thức chuyên ngành chính, từ đó đề xuất các giải pháp xây dựng khung chương trình và giáo trình, có cập nhật hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật mới theo định hướng, quy hoạch và khung ban hành của Chính phủ trong Đề án theo Quyết định 198/QĐ-TTg. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu là khung chương trình, giáo trình thiết kế, thi công công trình xây dựng; hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế, thi công công trình xây dựng hiện nay ở Việt Nam.

Để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã phân tích, đánh giá thực trạng khung chương trình, giáo trình thiết kế, thi công công trình xây dựng cho bậc đại học và cao đẳng; tham khảo khung chương trình, giáo trình chuyên ngành của một số trường đại học nước ngoài tiên tiến; dựa trên định hướng khung trình độ quốc gia Việt Nam và phương pháp tiếp cận CDIO (cách thức tiếp cận mô hình lý thuyết về đào tạo theo định hướng năng lực đầu ra trong các trường đại học kĩ thuật) để nghiên cứu đổi mới khung chương trình đào tạo cho trình độ đại học và cao đẳng. Sản phẩm từ quá trình nghiên cứu trên là Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật xây dựng cho trình độ đại học gồm 10 học kỳ, tổng số 155 tín chỉ; Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật xây dựng cho hệ cao đẳng gồm 6 học kỳ, tổng số 106 tín chỉ.

Dựa trên phương pháp tiếp cận CDIO và tham khảo chương trình đào tạo của các trường đại học ở Mỹ, Anh và một số nước châu Á, nhóm cũng hoàn thành 18 đề cương chi tiết các giáo trình thiết kế, thi công công trình xây dựng theo định hướng mới của hệ tiêu chuẩn cho bậc đại học; 8 đề cương chi tiết các giáo trình thiết kế, thi công công trình xây dựng theo định hướng mới của hệ tiêu chuẩn cho bậc cao đẳng.

Theo nhóm nghiên cứu, các sản phẩm của đề tài sau khi được nghiệm thu sẽ có thể làm tài liệu tham khảo hữu ích giúp các trường đại học, cao đẳng định hướng xây dựng khung chương trình đào tạo, các giáo trình giảng dạy theo định hướng mới của hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật ngành Xây dựng, đảm bảo phù hợp thực tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập hiện nay.

Tại cuộc họp, Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng đánh giá cao công sức, sự cố gắng của nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện đề tài.

Theo Hội đồng, trong thời hạn được giao, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành đầy đủ các sản phẩm đề tài theo hợp đồng. Hồ sơ nghiệm thu tuân thủ đúng trình tự thủ tục, quy định hiện hành. Nội dung các sản phẩm bám sát theo đề cương được duyệt và đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, nhóm cũng cần làm rõ hơn mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, cơ sở của những thay đổi trong khung chương trình đề xuất với khung chương trình hiện hành. Ngoài ra, chương trình đào tạo nên có những bộ môn bắt buộc và môn học tự chọn nhằm trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết cho sinh viên, đồng thời phát huy được sở trường, năng lực của các em.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Vũ Ngọc Anh tổng hợp ý kiến đóng góp của các chuyên gia thành viên Hội đồng, bổ sung một số ý kiến và đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn chỉnh các sản phẩm đề tài, sớm trình lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét, quyết định.

Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng thống nhất nghiệm thu đề tài, với kết quả đạt loại Khá.

Trần Đình Hà

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)