Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nêu ba đề xuất để “gỡ nút thắt” về quy hoạch thành phố Hải Phòng

Thứ hai, 25/04/2022 14:51
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Sáng 23/4, Hội thảo “Gỡ nút thắt quy hoạch: Hải Phòng đón sóng đầu tư bất động sản” diễn ra tại Trung tâm hội nghị thành phố Hải Phòng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã nêu ba đề xuất để “gỡ nút thắt” về quy hoạch thành phố Hải Phòng.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại Hội thảo “Gỡ nút thắt quy hoạch: Hải Phòng đón sóng đầu tư bất động sản” tại Hải Phòng.

Tham dự Hội thảo “Gỡ nút thắt quy hoạch: Hải Phòng đón sóng đầu tư bất động sản” có lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hải Phòng; đại biểu Quốc hội; các Sở, ngành Hải Phòng; đại diện các hiệp hội, chuyên gia; đại diện doanh nghiệp, Tổng Công ty, Tập đoàn lớn trên cả nước.

Toàn cảnh Hội thảo.

Hội thảo được kỳ vọng là diễn đàn để trao đổi nhằm tìm ra các giải pháp thiết thực, hỗ trợ quá trình tháo gỡ nút thắt về quy hoạch, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản Hải Phòng.

Ba kiến nghị về quy hoạch phát triển thành phố Hải Phòng

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương, đầu mối giao thông quan trọng, với rất nhiều tiềm năng, đóng vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Bắc Bộ.

Thời gian qua, Hải Phòng cũng chú trọng đến đầu tư công nghiệp, nhà ở, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, với phân khúc nhà ở, nghỉ dưỡng, bất động sản khu công nghiệp đều được quan tâm. Điều này góp phần làm diện mạo thành phố ngày một thay đổi, nhiều khu đô thị đã được đầu tư bài bản, đồng bộ, tạo nên nét văn hoá mới về văn hoá sống, chất lượng sống, không gian sống cho người dân. Cùng với đó, thành phố cũng là địa phương đi đầu trong cải tạo khu chung cư cũ, đáp ứng nhu cầu của người dân, đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân gắn với chỉnh trang đô thị… Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, đặc biệt lợi thế bất động sản, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, Hải Phòng còn rất nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới.

Điểm đáng lưu ý khác, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh, Hải Phòng với khoảng 2 triệu dân, 15 khu công nghiệp với 200 nghìn công nhân, nhu cầu nhà ở rất lớn. Đáng lưu ý, Chính phủ đã vừa ban hành Nghị quyết, với gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ với nhiều chính sách nhân văn, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội gắn với an sinh xã hội, trong đó có lĩnh vực nhà ở, bất động sản, đặc biệt mức vay ưu đãi cho nhà đầu tư với lãi suất chỉ 2%, quy mô 40 nghìn tỷ, hỗ trợ cho vay mua nhà giá rẻ với lãi suất 4,8%.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng mong muốn, kỳ vọng lãnh đạo thành phố Hải Phòng tiếp tục quan tâm, triển khai sớm các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn. Để “gỡ nút thắt” về quy hoạch như chủ đề hội thảo đặt ra, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đưa ra 3 kiến nghị:

Đầu tiên, Hải Phòng phải làm tốt công tác lập quy hoạch về xây dựng, đất đai và các quy hoạch khác. Sau giai đoạn phát triển, đến nay nhiều điểm quy hoạch của Hải Phòng cần điều chỉnh để tiếp tục thu hút đầu tư, tạo ra sự phát triển mới.

Thứ hai, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đề nghị thành phố quan tâm, công khai minh bạch, công khai quy hoạch, danh mục tiến độ triển khai các dự án, tránh hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ đẩy giá trục lợi bất hợp pháp như ở một số địa phương vừa qua.

Thứ ba, thành phố cần kiểm soát tốt tình hình bất động sản thị trường để đảm bảo thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.

Hải Phòng sẵn sàng đón các nhà đầu tư bất động sản lớn

Ông Nguyễn Văn Tùng – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng chia sẻ: Hải Phòng là một đô thị sớm hình thành gắn liền với sự phát triển của cảng biển, ngành công nghiệp. Với hai điều kiện đó, cư dân của các địa phương khác có sự dịch chuyển về Hải Phòng để sản xuất kinh doanh, làm việc tại các nhà máy, các khu công nghiệp. Chính vì vậy, Hải Phòng có mật độ dân số cao hơn một số địa phương khác.

Trong những năm qua, Hải Phòng là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng phát triển cao. Đặc biệt từ 2015 đến nay, GRDP dao động tăng 14-15%/năm. Thu ngân sách tăng trưởng đột biến so với các năm trước. Trong đó, thu nội địa hơn 30.000 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trên 60.000 tỷ đồng. Từ đó, thành phố có điều kiện đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, cầu đường…, đặc biệt khu vực nội đô.

Ông Nguyễn Văn Tùng – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng phát biểu tại Hội thảo.

Thành phố cũng kết hợp với các tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Dương để xây dựng nhiều cây cầu vượt sông. Qua đó tạo sự liên kết vùng kinh tế, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đến làm việc. Hải Phòng là địa phương có nhiều khu công nghiệp, hiện nay riêng FDI thu hút hơn 23 tỷ USD. Trong đó Nhật Bản, Hàn Quốc là hai quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất.

Địa phương thu hút hơn 500.000 công nhân là người dân các tỉnh lân cận dịch chuyển đến làm việc. Chính vì vậy, nhu cầu nhà ở, phát triển đô thị ở Hải Phòng những năm qua tăng cao và đặc biệt trong những năm tới. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư lớn đến Hải Phòng đầu tư xây dựng các khu đô thị chất lượng cao ở như khu đô thị ven sông Lạch Tray, ven sông Cấm…

Tuy nhiên, các khu chung cư tại Hải Phòng còn chậm phát triển. Ông Nguyễn Văn Tùng nhận định, có lẽ, giá đất chưa cao nên nhà chung cư thương mại chưa phát triển tại nhiều địa phương. Hiện có các nhà đầu tư đã về đầu tư xây dựng chung cư kết hợp khách sạn cao cấp như ở phố Trần Quang Khải, đường Lạch Tray… với hàng nghìn căn hộ. Trong phân khúc nhà ở xã hội, Tập đoàn Hoàng Huy đã đầu tư 2 khu với gần 3.000 căn hộ đã đưa vào hoạt động.

Tính đến hết năm 2021, thành phố Hải Phòng có tổng diện tích sàn đạt 54.000 triệu m2, bình quân 26m2/người. Những năm tới, cơ hội đầu tư vào bất động sản thành phố còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu. “Hải Phòng sẵn sàng đón các nhà đầu tư về thành phố đầu tư. Thành phố muốn lắng nghe các vướng mắc, khó khăn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp để thành phố có những cải tiến nhằm phát triển hơn nữa”, ông Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh.

Về định hướng phát triển, thành phố xác định theo ba hướng. Cụ thể, phía Bắc phát triển đô thị Bắc Sông Cấm; phía Nam phát triển khu vực xung quanh hai bên sông Lạch Tray và phát triển quận Dương Kinh, Đồ Sơn; phía Đông phát triển khu vực huyện Cát Hải, quận Hải An.

Thành phố cũng đang tập trung các nhà đầu tư xây dựng các nhà ở xã hội gần các khu công nghiệp, phục vụ cho công nhân, lao động tại các nhà máy, khu, cụm công nghiệp. Về việc giải quyết vấn đề chung cư cũ, thành phố có chủ trương phát các nhà ở xã hội để phục vụ các hộ ở.

Triển vọng thành phố vươn tầm quốc tế

PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá, triển vọng phát triển của Hải Phòng qua báo cáo của Bộ Chính trị về các địa phương chưa có báo cáo nào tạo sự hào hứng như nói về Hải Phòng. Nói về thách thức cũng mở ra các cơ hội. Hải Phòng hướng mục tiêu đi đầu, trở thành đô thị đẳng cấp cao của đô thị châu Á, đua tranh quốc tế như một trung tâm hội nghị quốc tế.

Tận dụng công khai và gỡ được những “nút thắt” về quy hoạch, Hải Phòng đủ các điều kiện để trở thành thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

“Chúng tôi cũng đang đề xuất xây dựng Hải Phòng, hoặc biến toàn bộ Hải Phòng thành khu thương mại tự do. Hiện đang thảo luận để định hình, khu thương mại tự do thế hệ 4.0 như thế nào? Phải là trung tâm cạnh tranh quốc tế hàng đầu. Vì đây là đầu sóng ngọn gió cùng với Quảng Ninh, giữ mạch liên thông hàng hải quốc tế. Hải Phòng không chi có Nghị quyết 45 mà còn được Quốc hội thông qua cơ chế vượt trội, tuy nhiên Hải Phòng vẫn còn khiêm tốn. Các nhà đầu tư cần tìm hiểu đầu tư vào Hải Phòng, đặc biệt là quy hoạch đất đai. Về yếu tố cơ cấu, chân dung Hải Phòng là một chân dung hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, có thể bổ sung thông minh hóa. Khu cảng biển, đô thị Hải Phòng gắn Vịnh Lan Hạ với Vịnh Hạ Long trong khuôn khổ vùng trung tâm du lịch quốc gia, cộng hưởng sức mạnh của du lịch để cả đất nước có vùng du lịch mà thế giới không nơi nào có. Di tích lịch sử Hải Phòng, Quảng Ninh gắn với nhau sẽ tạo nên tiềm năng du lịch to lớn”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Nguồn: Báo Xây dựng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)