Trong ký ức của không ít người dân, nhất là ở đô thị, sở hữu một căn hộ hay ngôi nhà thời xưa dễ thở hơn bây giờ. Nhưng kinh tế thị trường thời nay rõ ràng không thể duy trì chế độ bao cấp nhà ở cho người dân như trước. Tại sao và cần hiểu thế nào về quan điểm nhà ở xã hội mà Nhà nước đặt ra rất nghiêm túc trong dự án luật Nhà ở?
Xin khẳng định ngay nhà ở xã hội trong khái niệm định hình được hiểu như có sự hỗ trợ của Nhà nước, chứ không phải là nhà xập xệ. Trong quá trình xây dựng luật, chúng tôi có đi tham khảo các nước như Đức, Pháp, Canada và thấy rằng nhà ở xã hội được đặc biệt quan tâm.
Trong quá trình phát triển, nước ta vẫn luôn chăm lo cho người nghèo bằng các chính sách xã hội, trong đó có nhà của Nhà nước hỗ trợ.
Nhưng quan điểm về phát triển nhà ở cho người nghèo vẫn chưa rõ. Cho nên dẫn đến tình trạng, khi thực hiện chương trình này, có nơi thực hiện tâm huyết, có nơi lại kém tâm huyết, không làm. Người làm tốt không được khen mà người không làm thì không bị chê vì không có cơ sở nào để chê người ta cả. Bởi vì theo thị trường rồi. Các ông ấy có thể nói là làm như thế không đúng theo cơ chế thị trường đã định hướng. Do đó có sự mâu thuẫn về quan điểm, nhận thức.
Luật Nhà ở cũng xác định xóa bỏ cơ chế bao cấp nhưng làm rõ các quan điểm để xử lý các vấn đề còn khác nhau, chưa rõ về một chiến lược có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn rõ ràng. Vì chúng ta phát triển một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, lấy mục tiêu con người làm trung tâm. Nếu chúng ta vô cảm, sẽ có nhiều người thiệt thòi.
Vậy nhà ở xã hội có thể hiểu như một dạng "bao cấp" trước đây của Nhà nước không, thưa Bộ trưởng?
Chiến lược phát triển nhà ở xác định rõ hai dòng xu hướng. Một loại là nhà ở thị trường hàng hóa tuân thủ hoàn toàn quy luật kinh tế thị trường, quy luật giá trị. Anh có nhiều tiền thì mua nhà to, nội thất cao cấp. Còn anh không có tiền thì phải tìm những sản phẩm phù hợp.
Nhưng bây giờ một bộ phận lớn những người không có khả năng thanh toán, với mức độ thu nhập của chúng ta hiện nay thì phải giải quyết thế nào như Hiến pháp yêu cầu về quyền có chỗ ở của người dân? Rõ ràng, Nhà nước phải có chính sách để đảm bảo nhu cầu nhà ở của người dân. Cho nên trong chiến lược có nêu rõ rằng đồng thời phải phát triển một loại nhà ở thị trường phi hàng hóa - nhà ở có thị trường, có cung có cầu, tức là cũng theo quy luật kinh tế thị trường nhưng được bán dưới giá trị của nó do có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Hỗ trợ của Nhà nước có thể thông qua những chính sách như không thu tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT đầu ra... cho DN, nhà đầu tư. Nhưng DN đầu tư cũng phải tuân theo tiêu chuẩn giá trị. Nếu làm nhà tốt thì anh bán được, cao quá thì không người nào mua.
Khó khăn trong tiếp cận nhà xã hội
Như vậy phần thị trường phi hàng hóa sẽ chiếm không nhỏ vì đại bộ phận người dân không thể mua nhà với mức giá quá cao như trong những năm qua. Chiểu theo luật, vai trò điều tiết của Nhà nước ở đây đảm bảo ở mức độ nào để không bị cho là quá sâu?
Đầu tư nhà ở cũng là đầu tư phát triển.
Chúng tôi làm luật này rất gai góc, nêu những quan điểm hết sức mới để chống tham những, để giữ tiền cho Nhà nước. Chúng ta bỏ tiền ra thì phải quản lý chặt, chứ không thể ném tiền qua cửa sổ được.
Là Bộ trưởng của Bộ chăm lo việc nhà ở cho người dân, ông có trực tiếp nghe những ý kiến từ dân về chuyện nhà ở thế nào?
Quả thực, với tất cả cán bộ công chức, nếu không có bạn bè, người thân hỗ trợ, chắc chắn chúng ta khó có thể với đồng lương trong thời gian ngắn mua được nhà. Tôi tổng kết rồi, khoảng 80%. Nói thế là khiêm tốn. Có người hỏi tôi là Bộ trưởng ơi, có chỗ nào rẻ rẻ em nhờ mua cho em chứ khó khăn quá. Có nhiều người nói để mua được thì phải quen, phải nhờ để được trả chậm, chịu rồi thậm chí bớt cho mấy tháng.
Nói vậy để quay lại việc đã đề cập là vai trò hỗ trợ của Nhà nước đối với nhà ở xã hội. Nói thẳng thắn là người nhiều tiền không bao giờ mua nhà này. Nhưng người đã vào nhà xã hội là thực sự có nhu cầu. Và tôi khẳng định là đại đa số có nhu cầu.
Theo Báo Xây dựng điện tử và Vietnamnet.vn