Đoàn công tác Bộ Xây dựng tại Nhật Bản: Tiếp cận nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển đô thị

Thứ năm, 16/08/2012 13:19
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong các ngày 30/7 đến 05/8, Đoàn công tác Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị làm Trưởng đoàn đã sang thăm và làm việc tại Nhật Bản.

Đoàn công tác của Bộ Xây dựng làm việc với Bộ MLIT.

JICA sẽ tăng cường hợp tác và hỗ trợ Bộ Xây dựng trong thời gian tới

Đoàn đã có buổi làm việc với ông Arakawa Hiroto - Phó chủ tịch thường trực Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về các vấn đền liên quan đến việc thúc đẩy hợp tác thiết thực, hiệu quả hơn nữa giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và JICA. Ông Arakawa cho biết: JICA đã cử các chuyên gia về hạ tầng sang làm việc tại Bộ Xây dựng và sẽ tiếp tục duy trì hoạt động này trong thời gian tới. Hiện JICA đang nghiên cứu Luật Xây dựng Việt Nam và sẽ xem xét hỗ trợ, đóng góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi của bộ luật này.

Cũng theo ông Arakawa, JICA đã phối hợp cùng Bộ Xây dựng hoàn thành dự án hỗ trợ kỹ thuật “Xây dựng năng lực lập quy hoạch và quản lý đô thị” và đang thực hiện đúng tiến độ hai dự án khác là “Tăng cường năng lực đảm bảo chất lượng xây dựng” và “Phát triển nguồn nhân lực cho các Cty cấp nước đô thị Miền Trung”.

Để thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới, ông Arakawa đề xuất: Đối với các dự án hỗ trợ kỹ thuật, đề nghị Bộ Xây dựng thúc đẩy sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng trong Bộ tốt hơn nữa để đảm bảo có thể nhân rộng các kết quả của Dự án.

JICA hi vọng trong thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ có nhiều ý tưởng, nhiều đề xuất hơn nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai bên và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hai nước hoạt động SXKD.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định: JICA đã có những hỗ trợ thiết thực trong các hoạt động chuyên môn của Bộ Xây dựng, đặc biệt là các Dự án hỗ trợ kỹ thuật. Các dự án này đều đạt được chất lượng, tiến độ đề ra. Một số nội dung, kết quả của Dự án đã được cụ thể hóa vào các văn bản quy phạm pháp luật trong đó có Nghị định về bảo đảm an toàn chất lượng công trình hiện đang được sửa đổi. Bộ Xây dựng thống nhất quan điểm cần đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng của Bộ trong thời gian tới để đưa các kết quả của dự án hỗ trợ kỹ thuật của JICA vào trong công tác quản lý.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng đề xuất JICA hỗ trợ, hợp tác ở một số nội dung như kéo dài thời gian thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực đảm bảo chất lượng xây dựng” đến năm 2013 để có thời gian áp dụng tối đa, hiệu quả các kết quả của dự án. Thứ trưởng đồng thời đề nghị JICA phê duyệt các dự án hỗ trợ kỹ thuật có liên quan đến công tác quản lý, phát triển đô thị do Cục Phát triển Đô thị đề xuất. Về vấn đề phát triển hạ tầng ngầm đô thị, hiện Việt Nam đang rất thiếu các kinh nghiệm về quy hoạch, quản lý và phát triển trong lĩnh vực này. Cụ thể là nguồn nhân lực, cơ chế chính sách để quản lý, khai thác và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan còn thiếu nhiều hoặc chưa có..., do vậy Bộ Xây dựng đề nghị JICA hỗ trợ trong lĩnh vực này.

Thăm quan công trường xây dựng Nhà ga tàu điện ngầm Shibuya.

Kết thúc buổi làm việc, phía JICA cam kết sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị chức năng của Bộ Xây dựng để xem xét các đề xuất từ phía Bộ Xây dựng một cách cụ thể và chi tiết, tiến tới hiện thực hóa các đề xuất này.

Tăng cường hợp tác giữa 2 Bộ

Cũng trong chuyến công tác, Đoàn công tác Bộ Xây dựng đã có buổi làm việc với Thứ trưởng Nghị viện Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) Shogo Tsugawa. Hai bên khẳng định hợp tác giữa 2 Bộ là sự cụ thể hóa mối quan hệ giữa hai nước có truyền thống hợp tác lâu đời và có mối quan hệ đối tác chiến lược. Thứ trưởng Tsugawa mong rằng các kinh nghiệm của Nhật Bản trong quản lý và phát triển đô thị sẽ giúp Việt Nam xây dựng cho mình được những chính sách phù hợp, góp phần phát triển đô thị Việt Nam hiện đại, bền vững.

Về phía Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã cảm ơn Bộ MLIT đã hỗ trợ Bộ Xây dựng trong nhiều hoạt động như xây dựng thể chế, tăng cường năng lực, tổ chức hội thảo, hội nghị, xúc tiến hoạt động đầu tư đô thị sinh thái tại Việt Nam... Thứ trưởng đề nghị Bộ MLIT quan tâm thúc đẩy quá trình lựa chọn địa điểm cho dự án Đô thị sinh thái tại Việt Nam; thúc đẩy các DN Nhật Bản sang đầu tư, hoạt động SXKD tại Việt Nam. Thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng, Thứ trưởng cho biết sẽ tạo điều kiện tốt nhất để thúc đẩy hợp tác giữa hai Bộ.

Quan tâm nhiều đến lĩnh vực phát triển không gian ngầm và đô thị sinh thái

Đặc biệt, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã tham dự 2 phiên thảo luận chuyên đề “Kinh nghiệm Quy hoạch, phát triển và quản lý hạ tầng ngầm đô thị” và “Kinh nghiệm phát triển loại hình đô thị sinh thái” do Bộ MLIT và Bộ Xây dựng phối hợp chủ trì.

Đoàn công tác Bộ Xây dựng đã được nghe đại diện các đơn vị chức năng của Bộ MLIT trình bày về kinh nghiệm thi công hạ tầng ngầm bằng phương pháp khiên đào, kinh nghiệm quy hoạch không gian ngầm làm đường sắt cao tốc và kinh nghiệm quy hoạch, khuyến khích phát triển, quản lý các bãi đỗ xe ngầm. Ngoài các vấn đề trên, Đoàn công tác cũng quan tâm một số nội dung khác như phương pháp thi công công trình ngầm bằng khiên đào (phương pháp SHIELD). Đây là công nghệ thi công hàng đầu của Nhật Bản, cho phép đào các hầm ngầm tiết diện rất lớn với nhiều dạng tiết diện khác nhau, thi công nhanh, ít ảnh hưởng đến môi trường cơ sở hạ tầng xung quanh và các công trình kiến trúc lân cận. Trong chiến lược phát triển không gian ngầm đô thị tại Việt Nam, cần đặc biệt lưu tâm công nghệ này.

Đoàn công tác Bộ Xây dựng cũng bày tỏ sự quan tâm đến các kinh nghiệm Nhật Bản trong việc quy hoạch không gian ngầm làm đường sắt cao tốc theo mô hình vòng xuyến trung tâm có thể phát huy hiệu quả cao trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông, rút ngắn thời gian và chi phí đi lại và giảm thiểu được các tai nạn giao thông...; phát triển và quản lý các bãi đỗ xe ngầm; pháp lệnh bãi đỗ xe; quy định tiêu chuẩn kỹ thuật cho bãi đỗ xe.

Còn tại buổi thảo luận chuyên đề về: “Kinh nghiệm phát triển loại hình đô thị sinh thái”, đại diện Cục Đô thị Bộ MLIT đã trình bày các quan điểm của Nhật Bản về phát triển đô thị thân thiện với môi trường, trong đó nhấn mạnh định hướng xây dựng một xã hội ít phát thải các bon trên cơ sở phát triển đô thị dựa trên nền tảng giao thông công cộng và phát triển hệ thống đường sắt. Các tập đoàn lớn của Nhật Bản như BĐS Mitsui Fudosan, Mitsubishi và Tokyu cũng đã giới thiệu các dự án lớn về phát triển đô thị sinh thái, đô thị thông minh của mình, các kinh nghiệm lựa chọn địa điểm phát triển đô thị sinh thái đã thực hiện tại Nhật Bản và dự kiến các hoạt động chuẩn bị cho việc đầu tư Dự án phát triển đô thị sinh thái tại Việt Nam.

Đại diện Cục Phát triển Đô thị Bộ Xây dựng Việt Nam đã trình bày bổ sung các thông tin cần thiết về 4 địa điểm dự kiến lựa chọn cho phát triển đô thị sinh thái tại Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương và Vĩnh Phúc. Phía Nhật Bản đánh giá cao các thông tin này và sẽ tích cực xây dựng phương án lựa chọn đầu tư trong thời gian sớm nhất.

Cũng trong thời gian tại Nhật Bản, đoàn công tác Bộ Xây dựng còn có chương trình làm việc với Hiệp hội kỹ sư dân dụng Nhật Bản (JSCE), với Thị trưởng TP Yokohama, Viện Quốc gia về quản lý đất đai và cơ sở hạ tầng (NILIM), Viện Nghiên cứu công trình công cộng (PWRI) và Viện Nghiên cứu Công trình (BRI), Văn phòng phát triển Vùng Kinki về mô hình tổ chức hoạt động của cơ quan quản lý Vùng, thăm quan công trường xây dựng Nhà ga tàu điện ngầm Shibuya, TP Khoa học công nghệ Tsukuba – Nhật Bản và gặp gỡ các tổ chức, DN Nhật Bản... Đoàn cũng chứng kiến lễ ký Thỏa thuận hợp tác về “Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng giàn giáo thép trong các công trình xây dựng Việt Nam” giữa Cty CP Tư vấn Công nghệ, Thiết bị và Kiểm định Xây dựng (CONINCO) với Cty TNHH Maruichi Steel Tube; lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng và Cty Nikken Seikkei Civil về xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch, phát triển và quản lý không gian ngầm đô thị...

 

 

Hoàng Hải Vân

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)