Hội nghị tổng kết công tác năm 2005 và Nhiệm vụ kế hoạch năm 2006 của Tổng công ty Thuỷ tinh và Gốm Xây dựng

Thứ năm, 26/01/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 20/1/2006 Tổng công ty Thuỷ tinh và Gốm Xây dựng đã tổ chức hội nghị Kiểm điểm thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2005 và nhiệm vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2006. Đến dự có ông Nguyễn Hồng Quân - Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Tấn Vạn - Thứ trưởng Bộ Xây dựng và một số lãnh đạo, chuyên viên chức năng các Vụ, Viện trong Bộ và tập thể lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ công nhân viên công tác tại Tổng công ty tới dự.
I. Đánh giá kết quả SXKD năm 2005
Năm 2005 là năm hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty gặp nhiều khó khăn nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Với những khó khăn thách thức chung của nền kinh tế xã hội và các nguyên nhân chủ quan khác, các yếu tố tăng giá đầu vào, sự cạnh tranh gay gắt của thị trường, thiếu vốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh... luôn là những áp lực mà Tổng công ty phải vượt qua. Bằng sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, bám sát tình hình thực tế ở các đơn vị và bám sát mục tiêu mà HĐQT Tổng công ty đặt ra từ đầu năm là: "Tiếp tục lành mạnh hoá tình hình tài chính, củng cố và nâng cao hiệu quả kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, thực hiện tích tụ và tập trung vốn trên cơ sở nền tảng từ nội lực và lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững, lấy hiệu quả kinh tế làm mục tiêu chủ yếu ngắn liền với hiệu quả xã hội; coi năm 2005 là năm tổ chức và tài chính". Kết quả tuy chưa đạt được như mong muốn, còn thấp so với kế hoạch mục tiêu đầu năm nhưng đã thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của tập thể CBCNV toàn Tổng công ty.

Công tác tổ chức sản xuất: Tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tiết kiệm chi phí sản xuất; chuyển dịch cơ cấu sản phẩm sang các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật và giá trị kinh tế cao; nghiên cứu, cải tiến mẫu mã sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường; tổ chức rà soát, sắp xếp lại lực lượng lao động tại tất cả các đơn vị trực thuộc để nâng cao chất lượng lao động, tăng thu nhập thực tế của người lao động trên cơ sở tăng năng suất lao động; điều độ sản xuất phù hợp với năng lực tiêu thụ. Năm 2005 Giá trị sản xuất CN toàn Tổng công ty đạt 2.902 tỷ đồng, bằng 94% kế hoạch năm và giảm 3% so với thực hiện năm 2004. Trong đó:
- GTSXVLXD đạt 2.221.293 triệu đồng, bằng 92% KH năm.
- GT xây lắp, hạ tầng đạt 338.995 triệu đồng, bằng 102% KH năm.
- Giá trị khác là 341.745 triệu đồng, bằng 95% KH năm.
Công tác thị trường và tiêu thụ sản phẩm: Tập trung chỉ đạo tổ chức lại thị trường, hệ thống phân phối tiêu thụ sản phẩm, tổ chức mạng lưới bán hàng. Thống nhất quy chế bán hàng, chính sách thị trường với từng loại sản phẩm đối với các đơn vị. Thực hiện các chương trình khuyến mại, quảng cáo, khuếch trương thương hiệu sản phẩm Viglacera một cách có trọng tâm. Xây dựng đề án chiến lược Marketing cho cán bộ quản lý và nhân viên marketing của các đơn vị. Nên Doanh thu toàn Tổng công ty đạt 2.951,96 tỷ đồng, bằng 95% kế hoạch năm, tăng 5% so với thực hiện năm 2004. Trong đó:
- Doanh thu VLXD đạt 2.183.025 triệu đồng bằng 93% KH năm.
- Doanh thu xây lắp đạt 402.000 triệu đồng bằng 99% KH năm.
- Doanh thu khác đạt 370.792 triệu đồng bằng102% KH năm.
Nộp ngân sách 96.692 triệu đồng bằng 66% KH năm.
Kim ngạch xuất nhập khẩu 32.900 nghìn USD bằng 129% KH năm. Trong đó:
- Xuất khẩu là 14.436 nghìn USD bằng 137% KH năm.
- Nhập khẩu là 18.464 nghìn USD bằng 123% KH năm.
Thực hiện đầu tư là 413.052 triệu đồng bằng 76% KH năm.
Trả nợ đầu tư là 387.363 triệu đồng bằng 92% KH năm. Trong đó:
- Trả gốc vốn vay đầu tư là 286.651 triệu đồng bằng 110% KH năm.
- Trả nợ lãi vay đầu tư là 100.712 triệu đồng bằng 64% KH năm.
Thực hiện chủ trương của Tổng công ty về việc kiện toàn, sắp xếp lại lao động ở tất cả các bộ phận trong các đơn vị, đảm bảo tiết giảm tối đa chi phí và tăng thu nhập thực tế cho người lao động; đặc biệt tăng thu nhập cho CBNV lao động ở các vị trí chủ chốt, có vai trò quyết định đến chất lượng sản phẩm và hiệu quả SXKD. Năm 2005, toàn Tổng công ty đã giảm 853 lao động. Thu nhập bình quân toàn Tổng công ty đạt 1,3 triệu đồng/người/tháng .

II. Phương hướng nhiệm vụ thực hiện kế hoạch SXKD năm 2006
Năm 2006 với nhiệm vụ trọng tâm đặt ra là: "Coi chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định sự sống còn của Tổng công ty, cần tập trung cao nhất các nguồn lực và các biện pháp để phát huy tối đa năng lực hiện có, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao và cung ứng các dịch vụ tốt nhất, phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước và xuất khẩu, đó là cơ sở vững chắc để làm lành mạnh tài chính và củng cố nâng cao thương hiệu VIGLACERA".
• Các mục tiêu chính:
- Sản xuất kinh doanh ở tất cả các đơn vị phải tối thiểu đạt hoà vốn và có lãi thực, trên cơ sở đưa tất cả các nhà máy, dây chuyền đang ngừng hoạt động vào sản xuất trở lại.
- Nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm cao cấp có giá trị cao đặc biệt là các sản phẩm sứ vệ sinh, gạch ốp lát ceramic-granite, kính và sản phẩm đất sét nung. Tiếp tục thực hiện triệt để các biện pháp tiết kiệm chi phí, tiết giảm 2% chi phí giá thành.
- Xây dựng chiến lược phát triển thị trường để thúc đẩy và mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh và hình ảnh của thương hiệu Vigacera.
- Tiếp tục tập trung đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp, Khu đô thị, Văn phòng và dịch vụ, Du lịch sinh thái tạo nguồn thu tập trung để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh lĩnh vực vật liệu.
- Triển khai và cơ cấu lại mô hình hoạt động, bộ máy tổ chức để thực hiện chuyển đổi mô hình Tổng công ty sang Công ty mẹ - Công ty con. Kết hợp với đổi mới doanh nghiệp với đổi mới công tác tuyển chọn, sử dụng và đào tạo cán bộ.
• Đặt hiệu quả kinh tế của SXKD là trọng tâm, trong đó các chỉ tiêu chính:
- Lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh là 20 tỷ đồng.
- Khấu hao tài sản cố định 232,6 tỷ đồng tăng 10% so với thực hiện năm 2005.
- Thu nhập người lao động là 1,45 triệu đồng/người/tháng tăng 9% so với thực hiện năm 2005. Năng suất lao động bình quân toàn Tổng công ty đạt 193 triệu đồng doanh thu/người năm tăng 13% so với thực hiện năm 2005.
- Tại thời điểm 31/12/2006, mức dư nợ phải thu từ bán hàng bằng 556 tỷ đồng chiếm 18% tổng doanh thu, với số tuyệt đối giảm 50 tỷ đồng so với thời điểm 1/1/2006. Giá trị hàng tồn kho đặt ra mục tiêu giảm 50 tỷ hàng tồn kho so với thời điểm 1/1/2006.
- Kim ngạch xuất khẩu đạt 18 triệu USD tăng 25% so với thực hiện năm 2005.
- Giá trị SXKD đạt 2.900 tỷ đồng, tăng 9% so với thực hiện 2005. Doanh thu đạt 3.050 tỷ đồng, tăng 13% so với thực hiện 2005.

III. Các biện pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch SXKD
1. Công tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm
- Xác định chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Kiện toàn và củng cố bộ máy điều hành công tác sản xuất, đặc biệt là cán bộ quản lý kỹ thuật ở các đơn vị, tập trung trọng tâm vào các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu. Thực hiện thuê chuyên gia, thuê trợ giúp nước ngoài điều hành ngay trong quý I/2006 đối với một số lĩnh vực sản phẩm như kính, sứ, granite, ceramic.
- Xiết chặt kỷ cương quản lý công nghệ sản xuất; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Đây là các giải pháp hữu hiệu để tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm.
- Thành lập Ban điều hành sản xuất kinh doanh của Tổng công ty trực tiếp chỉ đạo, bám sát điều hành các đơn vị 100% vốn Nhà nước và một số các đơn vị cổ phần 51% vốn của Tổng công ty, thực hiện kiểm tra thực tế và có các biện pháp tháo gỡ khó khăn và kịp thời chấn chỉnh SXKD ở các đơn vị này hằng tháng nhằm đạt hiệu quả đặt ra.
- Tiếp tục thực hiện triệt để, có hiệu quả 4 biện pháp tiết kiệm chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trong quản lý các chi phí và trong việc khoán kinh doanh đối với các đơn vị thành viên. Tổ chức họp rút kinh nghiệm để hiệu chỉnh mức khoán cho hợp lý đối với các đơn vị đã có tổ chức khoán và tổ chức triển khai đối với các đơn vị chưa thực hiện khoán trong năm 2005.
- Tiếp tục và kiên định thực hiện việc tăng giá bán sản phẩm thông qua việc chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, đa dạng hoá mẫu mã, tập trung sản xuất sản phẩm cao cấp, có giá trị và hiệu quả kinh tế cao. Tạo mặt bằng giá mới để tăng doanh thu và lợi nhuận.
- Chấn chỉnh, xây dựng tạo cơ chế kinh doanh thông thoáng cho bộ phận kinh doanh, bán hàng để đảm bảo sự chủ động, thích ứng với sự thay đổi của thị trường. Mở các lớp đào tạo chuyên ngành cho cán bộ quản lý, cán bộ kinh doanh về Marketing để có đội ngũ cán bộ kinh doanh đáp ứng được yêu cầu mới.
- Tổ chức mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu qua đó nâng cao tiêu thụ xuất khẩu, cân đối với tiêu thụ trong nước để giảm áp lực cạnh tranh tại thị trường nội địa. Củng cố, kiện toàn công tác bán hàng và thu hồi công nợ để đạt được chỉ tiêu mức dư nợ theo kế hoạch của toàn Tổng công ty và của từng đơn vị, ưu tiên giảm giá trị hàng tồn kho.
- Xây dựng chiến lược dài hạn, đầu tư thoả đáng cho công tác phát triển thị trường trong nước, xuất khẩu và quảng bá thương hiệu Viglacera. Tiếp tục triển khai chính sách bán hàng cả gói sản phẩm sứ vệ sinh, gạch ốp lát granite, ceramic, sen vòi Việt Ý đối với các công trình đô thị, nhà ở. Quan tâm và thực hiện tốt hơn công tác dịch vụ sau bán hàng.
2. Công tác đầu tư phát triển
Lĩnh vực đầu tư Khu công nghiệp, Khu đô thị, văn phòng cho thuê và dịch vụ, Khu du lịch sinh thái, nhà ở vẫn là mục tiêu đầu tư chiến lược của Tổng công ty trong năm 2006 và chiến lược dài hạn nhằm tạo nguồn thu tập trung cho Tổng công ty để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh hiện tại và phát triển trong những năm tiếp theo, cụ thể:
- Tiếp tục triển khai, bám sát tiến độ của các dự án chuyển tiếp như Tổ hợp Văn phòng thương mại Viglacera tại Mễ Trì - Hà Nội; dự án Khu đô thị mới Đặng Xá - Hà Nội; dự án Khu đô thị Đình Bảng; dự án KCN Tiên Sơn giai đoạn II và mở rộng giai đoạn III; dự án KCN Hải Yên - Quảng Ninh; dự án KCN Yên Phong-Bắc Ninh... để sớm đưa vào khai thác có hiệu quả.
- Triển khai từng bước theo quy hoạch và có phân kỳ đầu tư giai đoạn II dự án khu đô thị, văn phòng cho thuê và dịch vụ; quy hoạch tổng thể dự án Khu du lịch sinh thái Vân Hải với đối tác nước ngoài. Trước mắt, lập và trình duyệt dự án giai đoạn I, trên cơ sở bổ sung và hoàn thiện những hạng mục đã đầu tư để có thể khai thác đón khách trong dịp hè 2006.
- Đẩy mạnh hoạt động của Ban quản lý các dự án đầu tư hạ tầng và đô thị của Tổng công ty, trước mắt triển khai 2 dự án tại 628 Hoàng Hoa Thám và dự án chuyển đổi mặt bằng Nhà máy Gạch ốp lát Hà Nội. Từng bước kiện toàn, bổ sung CBNV cho Ban quản lý để chậm nhất đầu quý III/2006 chuyển thành Công ty hạch toán phụ thuộc của Tổng công ty.
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp:
- Tập trung nguồn vốn đầu tư cho các dự án đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm.
- Triển khai đảm bảo tiến độ dự án di dời Nhà máy Chế biến nguyên liệu và dự án di dời Nhà máy Gạch ốp lát Hà Nội.
- Triển khai dự án Trung tâm VLXD tại tỉnh Hà Tây.
- Tham gia góp vốn liên doanh để thực hiện đầu tư thay thế các nguyên liệu nhập khẩu như dự án sản xuất soda với Tổng công ty Hoá chất, giảm chi phí và chủ động nguồn cung cấp.
Lĩnh vực xây lắp: Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực cho các đơn vị thi công xây lắp; tham gia đấu thầu thi công xây lắp các công trình để đẩy mạnh và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Tập trung vào lĩnh vực xây lắp hoàn thiện, trang trí như vữa khô chống thấm, ốp lát, nhôm kính, điện nước và xưởng mộc nội thất...
3. Công tác tài chính
- Tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo tạo nguồn lực tài chính, tạo dòng tiền để tháo gỡ tài chính cho một số đơn vị còn khó khăn và có nhiều áp lực về vốn trong vay trả ngân hàng và SXKD. Tiếp tục gặp gỡ ngân hàng để cơ cấu lại các khoản vay, trả và xử lý tổng thể công nợ.
- Tập trung mở các lớp đào tạo về quản lý tài chính doanh nghiệp cho cán bộ lãnh đạo từ Tổng công ty đến các đơn vị thành viên.
4. Công tác đổi mới doanh nghiệp
Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch sắp xếp đổi mới doanh nghiệp như:
- Triển khai đấu giá bán cổ phần và tổ chức Đại hội đồng cổ đông, thành lập Công ty Cổ phần Hạ Long Viglacera vào cuối tháng 1/2006.
- Nghiên cứu chuyển hình thức đổi mới DN phù hợp cho các đơn vị như Công ty Gạch ốp lát Hà Nội, Công ty Sứ Thanh trì, Công ty Thiết bị vệ sinh Việt Ý, Công ty Nguyên liệu.
Triển khai đề án thí điểm Hội đồng quản trị ký hợp đồng với Tổng Giám đốc đã được Bộ Xây dựng phê duyệt.
Lập danh sách đề nghị Bộ Xây dựng cho phép bán bớt cổ phần tại các công ty cổ phần không cần nắm giữ cổ phần chi phối, kể cả một số công ty cổ phần hiện còn 25% vốn Nhà nước.
Thực hiện kết hợp đổi mới DN với đổi mới công tác cán bộ, tạo điều kiện về môi trường công tác, chế độ đào tạo để tuyển dụng nhân tài. Xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức từ Tổng công ty đến các đơn vị thành viên theo hướng giảm các đầu mối giúp việc, nâng cao vai trò trách nhiệm cá nhân trong từng lĩnh vực quản lý, điều hành. Lựa chọn, tuyển dụng người có năng lực vào các vị trí chủ chốt của mỗi đơn vị, có chế độ đãi ngộ thích hợp với những người làm việc có hiệu quả.

Minh Tâm
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)