Hai bên đã cùng trao đổi tình hình và bàn biện pháp phối hợp thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước ngành Xây dựng trên địa bàn TP, việc triển khai xây dựng theo Quy hoạch chung Thủ đô vừa được phê duyệt, cũng như nhiều vấn đề trong công tác phát triển và quản lý đô thị như xây dựng nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, vấn đề chất lượng công trình trên địa bàn TP...
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Trong quá trình dài, sự phối hợp giữa Bộ Xây dựng với các địa phương nói chung, Thủ đô HN nói riêng đã mang lại hiệu quả quan trọng diện mạo Thủ đô phát triển mạnh, chất lượng đô thị ngày càng được năng cao, đời sống người dân được cải thiện về mọi mặt...tất cả đã khẳng định nỗ lực lớn của Thành phố và phối hợp của các ban ngành trung ương. Đặc biệt Đồ án quy hoạch chung HN vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt – một đồ án quy hoạch lớn, đồng bộ, có tầm cỡ quốc tế chính là kết quả của sự phối hợp giữa hai bên.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Quy hoạch chung đã được duyệt nhưng phía trước còn nhiều công việc phải làm cần hai bên phối hợp, thống nhất. Trước hết đó là cụ thể hóa quy hoạch chung bằng những quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch chi tiết, xác định những khu vực phát triển đô thị, làm cơ sở để triển khai hàng loạt các dự án phát triển đô thị, nhà ở, nâng cao chất lượng đầu tư xây dựng, kiểm soát theo đúng trình tự phát triển đô thị. Trong Quy hoạch chung còn chưa rõ điều gì, cần điều chỉnh như thế nào, hai bên sẽ phối hợp tiếp tục làm rõ...
Một trong những vấn đề được hai bên cùng quan tâm và bàn bạc là phát triển nhà ở trong đó đặc biệt ưu tiên phát triển các loại hình nhà ở xã hội. Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước về phát triển nhà ở xã hội. Cùng với các dự án nhà thu nhập thấp theo phương thức xã hội hóa, TP dành ngân sách để xây dựng các dự án nhà cho thuê, thuê mua, nhà ở cho sinh viên...Tuy nhiên theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng các địa phương cũng như TP cần đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế, xã hội hàng năm. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần đi đầu thực hiện chương trình này để cả nước học tập làm theo.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và cả người dân - Phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì Nhà nước cần tạo điều kiện để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng có khả năng chi trả; đồng thời, rất cần chính sách hỗ trợ đặc biệt để phát triển nhà ở phi hàng hóa,trong đó chủ yếu do Nhà nước can thiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho nhóm đối tượng không có khả năng chi trả theo cơ chế thị trường. Loại hình nhà ở phi hàng hóa (nhà ở xã hội) dành để bán, cho thuê, thuê mua sẽ nhằm đáp ứng cho đối tượng dân nghèo, không có điều kiện mua hoặc thuê nhà theo giá thị trường. Phát triển được loại hình nhà ở xã hội là bảo đảm an sinh xa hội, dù không đặt ra các tiêu trí cao như nhà ở thương mại nhưng phải chú trọng đến chất lượng nhà ở xã hội. Ngoài việc góp phần tăng diện mạo đô thị, cảnh quan kiến trúc, môi trường, những căn nhà này phải thực sự đem lại sự tiện nghi, cũng như hạnh phúc cho người đến ở.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng các địa phương cũng như TP cần đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế, xã hội hàng năm. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần đi đầu thực hiện chương trình này để cả nước làm theo. Bộ Xây dựng tiếp tục xây dựng chương trình cùng các cơ chế chính sách cụ thể về phát triển nhà ở. Một mặt có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhà giá rẻ, nhà nước khống chế giá bán hoặc cho thuê giá rẻ. Một mặt nhà nước chủ động đầu tư trực tiếp hoặc BT, để có quỹ nhà bán hoặc thuê mua, cho thuê giá rẻ, cho ở miễn phí… Bộ Xây dựng đã đề xuất lên Chính phủ tám nhóm đối tượng cụ thể cần hỗ trợ, gồm người có công với cách mạng; hộ nghèo khu vực nông thôn; người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; cán bộ, công chức, viên chức, nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; công nhân lao động; học sinh-sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề; đối tượng chính sách xã hội đặc biệt khó khăn (người tàn tật, người già cô đơn, người nhiễm chất độc da cam...).
Về vấn đề cải tạo chung cư cũ hai bên cũng thống nhất Hà Nội phải đẩy nhanh tiến độ đồng thời thay đổi quan điểm về vấn đề tái định cư cho người dân cũng như chất lượng nhà TĐC
Hiện Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có gần 2.000 chung cư cũ, ảnh hưởng đến chất lượng đô thị, bộ mặt kiến trúc và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân nên rất cần nâng cấp xây dựng lại. Nhằm tạo hành lang pháp lý và cơ chế chính sách phù hợp để các cấp, các địa phương triển sớm khắc phục được những bất cập trên, Bộ Xây dựng đang soạn thảo Nghị định cải tạo sửa chữa chung cư cũ. Theo đó, nhà nước là chủ đầu tư đứng ra làm bởi nếu sập đổ thì người dân chịu thiệt, Nhà nước chịu trách nhiệm. Thành phố cần quyết liệt, đưa ra quy trình xây dựng, lộ trình cụ thể về việc thay đổi, di dời và chuẩn bị sẵn quỹ nhà bố trí cho dân di chuyển trong quá trình xây dựng lại; cần quy hoạch và xây dựng đồng bộ các KĐTM để đưa dân đi thay vì tái định cư tại chỗ như hiện nay...
Với sự thống nhất cao về các nội dung đã thảo luận, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết: Thời gian tới, Hà Nội sẽ phải triển khai số lượng quy hoạch rất lớn với các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch chuyên ngành... Mục tiêu quan trọng đặt ra là đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, các công trình kiến trúc vừa phải tiên tiến, hiện đại nhưng vẫn giàu bản sắc dân tộc. Hà Nội xác định cần huy động nguồn lực để hiện thực hóa quy hoạch, ưu tiên vào hạ tầng kỹ thuật và xã hội, từng bước hiện đại hóa và khắc phục các vấn đề bức xúc của đô thị như: ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, quá tải tại các bệnh viện, thiếu trường học… Đặc biệt, sẽ phải nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô cho phù hợp hơn với thực tế.
Để đạt được các mục tiêu về quy hoạch, phát triển nhà ở xã hội cũng như nâng cao chất lượng công trình, Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội thống nhất phải xác định rõ các chỉ tiêu và có lộ trình thực hiện cụ thể. Hai bên cùng thống nhất tăng cường phối hợp trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến xây dựng và quản lý đô thị, xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh hiện theo đúng định hướng quy hoạch chung đã được phê duyệt./.
Theo : Báo Xây dựng điện tử