Hội thảo khoa học về tiến bộ kỹ thuật trong công nghệ xây dựng

Thứ năm, 28/06/2012 07:48
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiều ngày 27/6, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng chủ trì tổ chức “Hội thảo khoa học về tiến bộ kỹ thuật trong công nghệ xây dựng”, trong khuôn khổ triển lãm Vietconstech 2012.

Tham dự Hội thảo có phó cục trưởng Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, ông Lê Quang, chuyên gia cao cấp Hội đồng nghiệm thu nhà nước, PGS.TS. Lê Kiều, cố vấn cấp cao công ty BAUER Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Văn Quảng, cùng lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà khoa học, các chuyên gia, các chủ đầu tư, các doanh nghiệp, tập đoàn, công ty xây dựng Việt Nam và nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó cục trưởng Lê Quang nhận định cần đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực xây dựng nhằm nâng cao chất lượng các công trình xây dựng, đáp ứng nhu cầu triển khai các dự án xây dựng lớn và hiện đại trong giai đoạn tới. Phó cục trưởng mong muốn, dưới sự điều khiển của PGS.TS Lê Kiều và GS.TS Nguyễn Văn Quảng, buổi hội thảo sẽ trở thành buổi tọa đàm sôi nổi, có nhiều ý kiến thảo luận quanh những tham luận về tiến bộ khoa học kỹ thuật được trình bày trong buổi hội thảo.

Tham luận mở đầu hội thảo, “Giải pháp độ bền bê tông cốt thép công trình ven biển”, đã chỉ ra nguyên nhân gây hại cho bê tông cốt thép trong môi trường ven biển, bao gồm ion clo và ion sunphat. Ion clo có trong nước biển, nước lợ, trong không khí ven biển sẽ ăn mòn cốt thép, làm mất tiết diện chịu lực, tạo gỉ sét gây trương nở làm nứt bê tông, giảm khả năng liên kết giữa bê bông và cốt thép. Quá trình ion clo ăn mòn diễn ra rất nhanh. Đây là nguyên nhân xâm thực hàng đầu, đặc biệt là trong điều kiện khí hậu nhiệt đới như Việt Nam. Xâm thực sunphat là thứ yếu so với ăn mòn clo. Với thực trạng các công trình xây dựng ven biển xuất hiện ngày càng nhiều tại nước ta, việc đảm bảo độ bền cho những công trình này có ý nghĩa to lớn. Phần lớn đại biểu tham dự hội thảo đồng tình với tham luận này của công ty Elkem Materials.

Tham luận nhận được sự quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư, cùng nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi của các chuyên gia là tham luận “Phương pháp xử lý nền đất yếu bằng công nghệ cố kết chân không” của công ty Fecon. Đất yếu là nguyên nhân gây sụt lún công trình, có thể xử lý bằng cách triệt tiêu lún cố kết và tăng cường độ của đất nền thông qua các giải pháp về móng công trình hoặc giải pháp gia tải thông thường, gia tải chân không. Với phương pháp gia tải thông thường, gia tải lớn, độ ổn định của đất nền thấp, chuyển vị ngang lớn, thời gian thi công lại kéo dài. Phương pháp gia tải cố kết chân không ưu việt hơn vì gia tải nhỏ, kiểm soát ổn định đất nền, chuyển vị ngang nhỏ, giảm thời gian thi công, thân thiện với môi trường do không sử dụng nhiều vật liệu san nền, giảm nguy cơ mất ổn định trượt trong quá trình thi công, có thể loại trừ ứng xử phức tạp và đơn giản hóa công tác thiết kế so với các phương pháp thi công khác. Các chủ đầu tư rất quan tâm tới phương pháp này, đặc biệt là thời gian thi công, cách thức thi công và giá thành khi áp dụng phương pháp này vào thực tế. Trước sự quan tâm của đại biểu tham dự hội thảo, đại diện công ty Fecon đã cho biết thời gian thi công xử lý đất nền yếu bằng công nghệ cố kết chân không giảm một nửa so với khi sử dụng các phương pháp khác (như bấc thấm hoặc gia cát); giá thành cũng giảm một nửa; cách thức thi công đảm bảo theo trình tự nghiêm ngặt từ chuẩn bị mặt bằng, thi công cắm bấc thấm và tường sét, lắp đặt hệ thống bơm hút chân không, lắp đặt thiết bị quan trắc, lắp đặt lớp vải địa kỹ thuật và màng chân không, vận hành hệ thống hút chân không, quan trắc và phân tích, san lớp cát bù lún và kết thúc. Các đại biểu tham dự hội thảo, đặc biệt là các chủ đầu tư, đặc biệt quan tâm tới vấn đề kiểm soát chất lượng, điều kiện áp dụng phương pháp này và mật độ cắm bấc thấm trong phương pháp này. Theo giải trình của đại diện công ty Fecon, có thể kiểm soát chất lượng nền đất yếu được xử lý bằng phương pháp hút chân không thông qua đo áp lực nước lỗ rỗng; với những tầng cát sâu hơn 25m, khó có thể áp dụng phương pháp hút chân không; và mật độ cắm bấc thấm là từ 0,8 đến 1,2m.

Ngoài phương pháp xử lý nền đất yếu bằng công nghệ cố kết chân không, công ty Fecon còn giới thiệu cọc bê tông ly tâm ứng lực trước. Hội thảo còn được nghe tham luận về công nghệ mới của các công ty như Ap-ma-tek (Nga) – Cấu kiện bê tông cốt vật liệu composite, Turner (Mỹ) – Mô hình hóa thông tin xây dựng.

Kết thúc hội thảo, Phó cục trưởng Lê Quang nhận định hội thảo thực sự là buổi tọa đàm giúp các đơn vị, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận và tiếp thu những ý kiến chuyên môn đối với các công nghệ mới, các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, các thiết bị khoa học ứng dụng mới để nâng cao chất lượng công trình, đảm bảo an toàn xây dựng, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả trong xây dựng. Phó cục trưởng khẳng định những ý kiến đóng góp, thảo luận tại hội thảo sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước cập nhật, điều chỉnh phù hợp công tác quản lý nhà nước về xây dựng.

Thu Huyen

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)