Hội nghị nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu đề xuất các tiêu chí đánh giá cấp chứng nhận công trình xanh”

Thứ sáu, 06/12/2013 15:45
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 05/12/2013 tại Bộ Xây dựng, Hội đồng Khoa học kỹ thuật chuyên ngành Bộ Xây dựng đã tiến hành nghiệm thu các kết quả của đề tài “Nghiên cứu đề xuất các tiêu chí đánh giá cấp chứng nhận công trình xanh” do Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam thực hiện. Th.S Trần Đình Thái – Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường Bộ Xây dựng làm Chủ tịch Hội đồng.

Chủ nhiệm đề tài PGS.TS Phạm Đức Nguyên báo cáo các kết quả nghiên cứu

Báo cáo các kết quả của đề tài, Chủ nhiệm đề tài - PGS.TS Phạm Đức Nguyên cho biết, phong trào công trình xanh bắt đầu xuất hiện từ năm 1990 tại Vương quốc Anh, sau đó đã được tiếp nhận rộng rãi trên thế giới sau khi vấn đề "phát triển bền vững" được toàn thế giới quan tâm (năm 1992) và hệ thống đánh giá công trình xanh của Mỹ xuất hiện (LEED - năm 1995). Lúc đầu công trình xanh chỉ được coi là một "làn sóng mới", nhưng đến năm 2010 thì nó đã trở thành "cuộc cách mạng"; được hiểu là những công trình xây dựng đáp ứng được các tiêu chí về bảo tồn sinh thái - môi trường, hiệu quả sử dụng nước, năng lượng, vật liệu và môi trường sống tiện nghi cho con người.

Thực hiện nhiệm vụ được Bộ Xây dựng giao, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập, nghiên cứu các hệ thống đánh giá công trình xanh và cấp chứng nhận công trình xanh của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các hệ thống LEED (Mỹ), Green Star (Úc), BCA GM (Singapore), GI (Malaysia), Lotus (Hội đồng Công trình xanh Việt Nam – VGBC)…Qua việc phân tích các hệ thống đánh giá công trình xanh của các nước, nhóm nghiên cứu đã đề xuất được một hệ thống chỉ tiêu đánh giá công trình xanh phù hợp với điều kiện Việt Nam bao gồm 5 lĩnh vực chính là: Bảo vệ môi trường – sinh thái; Tiết kiệm năng lượng; Hiệu quả sử dụng nước; Sử dụng vật liệu; Môi trường vi khí hậu trong nhà. Trong hệ thống chỉ tiêu đánh giá đệ trình của mỗi nhóm tiêu chí có điều kiện tiên quyết (các tiêu chí bắt buộc phải đạt được thì mới xem xét đánh giá) và 31 tiêu chí tính điểm tổng cộng là 100 điểm và 02 tiêu chí cho phần sáng tạo (8 điểm). Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng đã đề xuất các phương pháp đánh giá và cấp chứng nhận công trình xanh dựa trên bộ tiêu chí đệ trình.

Phát biểu tại Hội nghị nghiệm thu, các chuyên gia phản biện cũng như các ủy viên của Hội đồng đã đánh giá cao những cố gắng của nhóm nghiên cứu, và cho rằng, nhóm nghiên cứu đã làm việc nghiêm túc, công phu, tài liệu tham khảo phong phú, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của nước ngoài cho phù hợp với điều kiện Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia phản biện và các ủy viên Hội đồng cũng đóng góp, trao đổi với nhóm nghiên cứu về một số vấn đề cần bổ sung hoặc làm rõ. Các ý kiến góp ý của Hội đồng đã được nhóm nghiên cứu giải trình ngay tại chỗ hoặc tiếp thu một cách nghiêm túc.

Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường Bộ Xây dựng – Th.S Trần Đình Thái nhất trí với các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng. Theo ThS. Trần Đình Thái, so với yêu cầu nhiệm vụ đề ra trong đề cương nghiên cứu của đề tài, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành các công việc: xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá công trình xanh và đề xuất được hệ thống đánh giá công trình xanh mang tính khoa học và thực tiễn. Các tiêu chí đánh giá đã làm nổi bật 02 nội dung quan trọng là sử dụng hiệu quả năng lượng (45%) và yếu tố môi trường (42%) là phù hợp. ThS. Trần Đình Thái đề nghị nhóm tác giả tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng để hoàn thiện báo cáo đề tài.

Đề tài “Nghiên cứu đề xuất các tiêu chí đánh giá cấp chứng nhận công trình xanh” đã được Hội đồng KHKT chuyên ngành Bộ Xây dựng nhất trí nghiệm thu với kết quả xếp loại Khá./.
 

Minh Tuấn
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)