Nghiệm thu đề tài: "Nghiên cứu sử dụng tro bay nhiệt điện Phả Lại từ công nghệ tuyển nổi"

Chủ nhật, 30/05/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 28/5/2010, Hội đồng KHKT chuyên ngành – Bộ Xây dựng đã tiến hành nghiệm thu đề tài: “Nghiên cứu sử dụng tro bay nhiệt điện Phả Lại từ công nghệ tuyển nổi của Công ty cổ phần Sông Đà 12 - Cao Cường để chế tạo bê tông chất lượng cao, bê tông tự đầm và bê tông bền sunfat” do TS. Nguyễn Thanh Tùng – Viện Vật liệu xây dựng làm chủ nhiệm đề tài.
Trong những năm gần đây, tro bay đã được nhiều nước trên thế giới tiến hành nghiên cứu và sử dụng để làm phụ gia khoáng cho sản xuất xi măng hoặc thay thế một phần xi măng trong sản xuất bê tông, vữa nhằm cải thiện một số tính chất về công nghệ, kỹ thuật và đã đạt được nhiều lợi ích về kinh tế cũng như kỹ thuật. Theo thống kê, tại Việt Nam lượng tro xỉ ở các nhà máy nhiệt điện thải ra là hơn 1 triệu tấn/năm, trong đó, khoảng 76% là tro, còn lại 24% là xỉ, nhiên liệu chủ yếu là than anthracite. Tuy nhiên việc sử dụng tro bay ở nước ta vẫn chưa phát triển, kết quả nghiên cứu chưa được ứng dụng nhiều trong thực tiễn, bởi giá thành còn cao, kinh nghiệm thu gom, vận chuyển còn ở trình độ thủ công, lạc hậu.

Mặc dù, tro bay có thể ứng dụng bằng nhiều phương pháp khác nhau vào trong sản xuất VLXD, nhưng hiện chưa có công trình nghiên cứu nào đi theo hướng tro tuyển ướt (chưa sấy) phục vụ vào cấp phối liệu xi măng, bê tông và nhất là công nghệ chế tạo bê tông, nên đây cũng chính là định hướng mà Viện VLXD muốn nghiên cứu trên cơ sở tro tuyển của Công ty CP Sông Đà -12 Cao Cường để chế tạo bê tông chất lượng cao, bê tông tự đầm và bê tông bền sunfat; tổ chức sản xuất thử công nghiệp để xây dựng dây chuyền công nghệ và đánh giá hiệu quả kinh tế.

Phương pháp nghiên cứu chủ yếu là phương pháp thực nghiệm dựa vào các tiêu chuẩn trong và ngoài nước, các phương pháp phi tiêu chuẩn đã được công nhận rộng rãi. Qua nghiên cứu về chất lượng tro tuyển ướt của Cty CP Sông Đà 12 – Cao Cường cho thấy, khi sử dụng vào sản xuất bê tông chất lượng cao, bê tông tự đầm và bê tông bền sunfat có tính chất không thay đổi so với khi sử dụng tro tuyển khô qua sấy. Sản phẩm tro tuyển ướt có chất lượng ổn định với độ ẩm là: 19±3%, MKN≤5%, độ vón cục kích thước ≤ 5cm, đạt ≥ 95%, sản phẩm đạt tiêu chuẩn TCVN 6882-1999 và tiêu chuẩn ATM C618-1999: Phụ gia khoáng cho xi măng. Yêu cầu kỹ thuật tro bay và puzơlan nung hoặc tự nhiên dùng làm phụ gia khoáng cho bê tông. Sản phẩm đã đạt hiệu quả kinh tế kỹ thuật cao, và đây cũng là điều kiện để có thể giảm giá thành sản phẩm.

Theo đánh giá của chủ tịch Hội đồng Trần Đình Thái – Phó Vụ trưởng - Vụ KHCN & MT, đây là công trình nghiên cứu khá mới mẻ, ở Việt Nam hiện mới chỉ có công trình nghiên cứu đối với tro tuyển khô qua sấy. Thông qua, các nội dung nghiên cứu trong đề tài và ứng dụng kết quả nghiên cứu, Hội đồng đã công nhận kết quả nghiên cứu là có cơ sở và căn cứ, song nhóm tác giả cần chỉnh sửa và bổ sung một số chi tiết còn thiếu và chưa chuẩn xác để đề tài được hoàn thiện hơn./.

Với kết quả thu được đề tài đã được Hội đồng nhất trí nghiệm thu và xếp loại Khá.
 

Bích Ngọc
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)