Ngày 31/3/2007, tại TP. Hồ Chí Minh Bộ Xây dựng phối hợp với Hiệp hội Công viên cây xanh tổ chức hội thảo "Công viên cây xanh trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam". Đến dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính, các đồng chí lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Sở Xây dựng và các ban ngành liên quan.
Cây xanh đô thị có vai trò rất quan trọng đối với đời sống con người và môi trường đô thị, nó làm đẹp thành phố, làm đẹp các khu ở, là một bộ phận trong hệ sinh thái tự nhiên, có tác dụng lớn trong việc cải tạo khí hậu, bảo vệ môi trường sống đô thị, không gian xanh trong đô thị thường được ví như lá phổi của đô thị và là một trong những yếu tố nghệ thuật bố cục không gian và cảnh quan đô thị. Không gian xanh, công viên còn là nơi nghỉ ngơi thư giãn, tổ chức các hoạt động văn hoá, vui chơi giải trí... đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng.
Trong thời gian qua, lĩnh vực cây xanh đô thị đã không ngừng phát triển. Nhiều đô thị đã đạt nhiều thành tựu trong việc phủ xanh và làm đẹp đô thị bằng cây xanh. Nhiều địa phương đã quan tâm đến công tác này như chỉ đạo lập quy hoạch phát triển cây xanh đô thị, nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực cây xanh được thực hiện trong đó có những dự án được tổ chức quốc tế tài trợ. Cuối năm 2005, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư Quản lý cây xanh đô thị, đây là cơ sở pháp lý đầu tiên trong lĩnh vực này. Thực hiện các văn bản hướng dẫn trong thời gian vừa qua, một số đô thị lớn đã tiến hành lập điều chỉnh quy hoạch phát triển cây xanh, ban hành danh mục cây trồng trên đường phố đô thị loại cây, cây được trồng và cây cấm trồng... như ở thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, công tác quản lý, khai thác và sử dụng vẫn còn nhiều bất cập; hiệu quả quản lý Nhà nước chưa cao. Việc gắn kết giữa quy hoạch xây dựng đô thị với quản lý và phát triển công viên cây xanh chưa chặt chẽ, nội dung quy hoạch phát triển cây xanh, công viên chưa được thống nhất, thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý, phát triển cây xanh, các dự án đầu tư phát triển cây xanh còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn tài trợ...
Để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đồng thời khuyến khích toàn xã hội tham gia quản lý, bảo vệ, phát triển cây xanh đô thị đạt được mục tiêu phát triển đô thị bền vững, tại hội thảo các đại biểu đã tập trung vào các vấn đề sau:
- Sự gắn kết của quy hoạch xây dựng đô thị với quy hoạch và phát triển cây xanh, công viên.
- Nội dung của quy hoạch chuyên ngành cây xanh cũng như nội dung các dự án đầu tư vào lĩnh vực cây xanh, công viên.
- Trao đổi kinh nghiệm về lập dự án quy hoạch, dự án đầu tư và tìm kiếm các nguồn tài trợ đầu tư phát triển cây xanh.
- Công tác quản lý Nhà nước công viên, cây xanh đô thị trên các mặt, trong đó có chính quyền đô thị các cấp có trách nhiệm và vai trò quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển cây xanh đô thị.
Tại hội thảo, một nhận định được nhiều đại biểu tham gia hội thảo tán thành là cây xanh tại các đô thị đang phát triển thiếu bền vững. Tiến sĩ Trần Viết Mỹ nêu điển hình TP HCM có hệ thống cây xanh khá lớn 65.000 ha, nhưng lại yếu về chất và phân bố không đều. Các quận nội thành với mật độ dân số cao, tập trung nhiều hoạt động ô nhiễm thì ít cây xanh che phủ. Trong khi đó, cây xanh lại phủ dày đặc tại các vùng ngoại thành.
Riêng về phần công viên, TS. Nguyễn Hồng Tiến- Phó Vụ trưởng Vụ Hạ tầng kỹ thuật đô thị Bộ Xây dựng cho rằng: cách sử dụng ánh sáng trong công viên quá yếu, mang nặng tính kỹ thuật mà thiếu đi yếu tố mỹ thuật. Ánh sáng trong công viên Việt Nam được sử dụng đơn điệu, lạc hậu và không được các nhà quản lý chăm sóc hợp lý.
Mục tiêu đến năm 2010 của công tác quản lý cây xanh là 90% đường phố khắp cả nước có cây xanh. Diện tích công viên sẽ tăng gấp đôi so với thời điểm 2000.
Về nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin địa lý GIS trong quản lý và quy hoạch phát triển mảng xanh đô thị, TS Ngô An -Trường ĐH Nông Lâm TpHCM đã giới thiệu: Công nghệ GIS bước đầu đã được sử dụng tại Tp. Hồ Chí Minh để quản lý hệ thống cây xanh đô thị thông qua cơ sở dữ liệu không gian với các thông tin vị trí, tuyến đường, loài cây, kích thước, chất lượng, tình trạng ảnh hưởng lưới điện... Những thông tin cơ bản giúp cho các nhà quản lý theo dõi, lập kế hoạch điều chỉnh; dự báo với thông tin nhanh, hiệu quả; tiết kiệm công sức thời gian và chi phí.
TCty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị HUD đã trình bày kinh nghiệm quản lý cây xanh trong khu đô thị mới trong công tác quy hoạch, kiến tạo các diện tích cây xanh, công viên cảnh quan được quan tâm ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư, quản lý chăm sóc trong suốt quá trình thực hiện dự án và giai đoạn sau khi hoàn thành, đưa dự án vào vận hành, sử dụng, tạo nên cảnh quan xanh, sạch đẹp cho các khu đô thị.
Hội thảo Công viên Cây xanh trong quy hoạch và phát triển đô thị được tổ chức nhằm đánh giá việc thực hiện bước đầu Thông tư số 20/2005/TT-BXD ngày 20/12/2005 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị, làm rõ khó khăn và thuận lợi trong việc công tác quản lý công viên cây xanh cũng như gắn kết trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị. Hội thảo đã thực sự là diễn đàn để các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, các nhà quản lý và các nhà khoa học trao đổi kinh nghiệm về quản lý và chuyên môn trong lĩnh vực này.
Hy vọng sau hội thảo sẽ tạo nên sự đổi mới hơn trong chỉ đạo điều hành và tổ chức, triển khai thực hiện đạt được mục tiêu tăng tỷ lệ cây xanh, phát triển đô thị bền vững như trong "Định hướng phát triển quy hoạch tổng thể đô thị Việt Nam đến năm 2020" đã đề ra./.
Minh tâm