Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu đổi mới

Thứ năm, 29/03/2007 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Những năm qua, ngành Xây dựng đã có những bước phát triển mạnh mẽ và toàn diện, khẳng định vai trò, vị thế của một ngành kinh tế mũi nhọn. Công cuộc đổi mới đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế tiếp tục đặt ra những yêu cầu cao hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước QLNN của Ngành. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực QLNN về xây dựng là vấn đề mà đồng chí Nguyễn Hồng Quân, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng luôn trăn trở, dành nhiều tâm huyết nhất. Đây cũng là nội dung chính của cuộc trò chuyện giữa Bộ trưởng với phóng viên Tạp chí Xây dựng.

Thưa Bộ trưởng, năm 2006, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực có thể coi là thành công lớn nhất trong công tác QLNN của ngành?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân: Xây dựng và ban hành các văn bản  quy phạm pháp luật luôn là công tác trọng tâm hàng đầu của Bộ Xây dựng. Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của chúng ta là xây dựng đồng bộ, đầy đủ, hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về các lĩnh vực thuộc ngành Xây dựng, với mục tiêu: Phủ kín hoạt động, phân cấp mạnh mẽ, rõ ràng trách nhiệm, đổi mới thông thoáng, hội nhập thị trường, đơn giản thủ tục và phát huy nguồn lực. Trong năm 2006, cùng với Luật Xây dựng đã được triển khai thực hiện hơn hai năm, Luật Nhà ở chính thức có hiệu lực và luật Kinh doanh bất động sản được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XI đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác QLNN ngành Xây dựng, góp phần tích cực giải quyết các vướng mắc, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại trong hoạt động xây dựng trên phạm vi cả nước.

Bám sát Chương trình công tác của Chính phủ, trong năm 2006, Bộ đã xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 87 văn bản quy phạm pháp luật các loại, hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đăng ký với Chính phủ. Trong đó, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 23/2006/NQ-CP ngày 07/9/2006  về một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước và 12 Nghị định 4 Nghị định đã được ban hành; Trình Thủ tướng Chính phủ 9 Quyết định và 2 chỉ thị; Hoàn chỉnh đề án nhà ở xã hội và đề án đổi mới cơ chế QL chi phí đầu tư xây dựng ĐTXD công trình và đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Đồng thời, chúng ta cũng đã ban hành theo thẩm quyền 37 Quyết định; 13 chỉ thị; 8 thông tư… phục vụ hiệu quả cho công tác QLNN về xây dựng

Trong năm 2007, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng mới các dự án luật, pháp lệnh và văn bản QPPL khác về các lĩnh vực QLNN của Bộ; tập trung chỉ đạo nghiên cứu soạn thảo Dự án Luật Quy hoạch đô thị; Dự án luật hạ tầng đô thị trình Quốc hội nhiệm kỳ khoá XII. Tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung Hệ thống Quy chuẩn, Tiêu chuẩn Xây dựng theo quy hoạch đã duyệt.

Để đưa một số lượng văn bản quy phạm pháp luật rất lớn đã và sẽ được ban hành vào cuộc sống, xin Bộ trưởng cho biết những định hướng chính để thực hiện tốt công việc quan trọng này?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân: Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn ngành, đặc biệt là các cơ quan QLNN về xây dựng tại địa phương. Năm 2007, hệ thống văn bản QPPL cần đưa vào cuộc sống không chỉ nhiều mà nội dung rất đa dạng, bao trùm nhiều lĩnh vực mà Ngành đảm trách, trong đó có nhiều vấn đề rất mới. Ví dụ, lần đầu tiên nước ta có Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản và cũng lần đầu tiên việc ĐTXD nhà ở xã hội và hoạt động của thị trường bất động sản trong nền kinh tế thị trường ở nước ta được luật hoá. Bên cạnh đó, Bộ đã trình Chính phủ Nghị định về cơ chế QL chi phí trong ĐTXD phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế, đặc biệt là việc phân định rõ chức năng QLNN và trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, tạo hành lang cho thị trường xây dựng hoạt động và phát triển…

Như vậy, khối lượng và đầu mối công việc rất lớn, với nhiều nội dung mới mẻ, đòi hỏi các Sở địa phương phải nghiên cứu, nắm vững các văn bản QPPL về XD từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật một cách cụ thể. Điều quan trọng hơn, để pháp luật đi vào cuộc sống, các địa phương cần phải chủ động xây dựng quy chế hướng dẫn áp dụng, thực hiện phù hợp điều kiện và tình hình địa phương mình, tránh tư tưởng dựa dẫm, trông chờ vào cấp trên.

Tuy nhiên, một số vấn đề đặt ra là trong khi thể chế QL trong xây dựng ngày càng đổi mới, hoàn thiện thì năng lực của đội ngũ QL xây dựng cấp cơ sở ở địa phương lại còn nhiều bất cập. Bộ trưởng đánh giá về vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân: Vấn đề này chúng ta đã và đang phải tiếp tục khắc phục. Trên thực tế, thời gian qua chúng ta đang đẩy mạnh triệt để việc phân cấp trong QL xây dựng nhưng đội ngũ cán bộ cấp quận - huyện, phường - xã còn rất yếu và thiếu. Trung bình mỗi quận, huyện chỉ có 1 người phụ trách xây dựng mà không phải ai cũng được đào tạo chuyên ngành xây dựng. Do vậy, công tác cải cách hành chính là khâu đột phá trong năm nay, bao gồm cải cách thể chế, tổ chức bộ máy và cải cách thủ tục hành chính. Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến việc kiện toàn hệ thống tổ chức và lực lượng QL xây dựng cấp quận, huyện và xã, phường; hệ thống QL chất lượng công trình xây dựng CLCTXD, tư vấn quy hoạch xây dựng, thanh tra chuyên ngành xây dựng… Về phía các địa phương cần chủ động có kế hoạch đào tạo, xây dựng lực lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác QLNN về xây dựng.

Bên cạnh đó, chúng ta phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong toàn Ngành, chống mọi biểu hiện phiền hà, sách nhiễu dân. Thực hiện nghiêm minh Quy chế công khai, minh bạch thủ tục hành chính và quy định về đạo đức, tác phong của cán bộ, công chức ngành Xây dựng trong khi thi hành công vụ…

• Thưa Bộ trưởng, trong 5 năm gần đây, dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ, các Sở Xây dựng, Kiến trúc - quy hoạch đã ngày càng tự chủ, năng động, đảm trách tốt chức năng QLNN về xây dựng tại địa phương. Vậy trong năm nay, để thực hiện hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ được giao, các Sở cần chú trọng những vấn đề gì?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân: Năm 2007 mở ra nhiều vận hội mới, nhưng thách thức cũng không nhỏ. Các Sở QLNN xây dựng tại địa phương phải nhìn lại những công việc đã và chưa làm được, nghiêm túc rút ra những bài học, kinh nghiệm để từ đó xây dựng định hướng và giải pháp thực hiện hiệu quả công việc, nhiệm vụ sắp tới.

Trước hết, việc đẩy mạnh công tác QL quy hoạch - kiến trúc là vấn đề phải quan tâm hàng đầu, đặc biệt cần chú ý một số nội dung mới: Bộ đã trình Chính phủ nghị định về QL kiến trúc đô thị, trong đó lần đầu tiên chúng ta có quy định cụ thể về thiết kế đô thị, tạo điều kiện chỉnh trang bộ mặt kiến trúc đô thị theo hướng văn minh, hiện đại kết hợp hài hoà với bản sắc truyền thống dân tộc. Năm 2006, Bộ đã sửa đổi, bổ sung Thông tư 15/2005/TT-BXD hướng dẫn thực hiện Nghị định về quy hoạch xây dựng, nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch, quy định cụ thể về quy trình lập, thẩm định và xét quy hoạch, phân cấp mạnh cho địa phương phê duyệt và QL quy hoạch xây dựng.

Hạ tầng kỹ thuật đô thị là lĩnh vực phức tạp, tồn đọng nhiều vấn đề do lịch sử để lại, thiếu vắng hệ thống văn bản QPPL. Đặc biệt là vấn đề nhận thức và bộ máy QL có nhiều bất cập, chồng chéo, thiếu sự phối hợp nên công tác QL chưa đạt hiệu quả. Năm 2007, các Nghị định về sản xuất và tiêu thụ nước sạch, xây dựng công trình đô thị, QL chất thải rắn, về nghĩa trang, thoát nước đô thị và khu công nghiệp… sẽ được ban hành nhằm tạo ra động lực và nguồn lực phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị. Các địa phương cần chủ động nghiên cứu cơ chế huy động nhiều nguồn vốn, thực hiện xã hội hoá trong công tác quy hoạch, trong phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị và trong đầu tư phát triển nhà, nhất là nhà ở xã hội.

Trong công tác QL hoạt động xây dựng, các địa phương cần tập trung tháo gỡ một số vấn đề sau:

Về công tác cấp giấy phép xây dựng GPXD, ở nhiều địa phương tỷ lệ các công trình được cấp GPXD so với các công trình yêu cầu phải có GPXD còn thấp, mới đạt khoảng 60 - 70%. Hiện tượng xây dựng công trình sai với nội dung trong GPXD vẫn còn tồn tại. Một số địa phương vẫn chưa có các quy định hướng dẫn việc cấp GPXD trên địa bàn hoặc đã có quy định nhưng chưa quán triệt tinh thần cải cách hành chính, chưa thực sự đổi mới theo cơ chế “một cửa”. Việc QL xây dựng ở các thị trấn, dọc các tuyến đường giao thông còn buông lỏng. Công tác tổ chức thanh tra, kiểm tra trật tự xây dựng chưa được coi trọng, chưa cương quyết xử lý ngăn chặn các trường hợp xây dựng không có GPXD hoặc xây dựng sai phép.

Công tác cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng nhìn chung tiến độ còn chậm, thời gian xét cấp chứng chỉ kéo dài; việc bố trí cán bộ, sơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu công tác; còn lúng túng trong việc tổ chức Hội đồng tư vấn; để sự tham gia của các thành viên trong hội đồng này thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp chứng chỉ hành nghề, các địa phương cần nghiên cứu và áp dụng các quy định trong quá trình thực hiện công tác này linh hoạt hơn.

Trong công tác QLCLCTXD, các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng; kiểm tra giám sát quy trình QLCLCTXD, nhất là những công trình có nhiều nhà thầu cùng tham gia. Đối với các tỉnh chưa có quy định phân cấp QLCLCTXD trên địa bàn để áp dụng thống nhất trên địa giới hành chính do mình QL cần sớm triển khai theo tinh thần Nghị định 16 CP, Nghị định 209 CP của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng để tăng cường hiệu quả công tác QLCLCTXD…

Cùng với Luật Xây dựng, sự ra đời Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sẽ nảy sinh nhiều vấn đề mới, có thể là những khó khăn, vướng mắc trong công tác QL. Các cơ quan QLNN các cấp cần phối hợp tháo gỡ. Phải chủ động báo cáo với lãnh đạo Bộ. Lãnh đạo không thể đi hết các địa phương nhưng có thể trao đổi trực tiếp qua điện thoại. Đó cũng chính là một trong những yêu cầu cải cách hành chính mà chúng ta phải thực hiện.

Xin cảm ơn Bộ trưởng !

Nguồn tin: T/C Xây dựng, số 2/2007

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)