Đẩy mạnh cải cách hành chính trong Chính phủ điện tử

Thứ hai, 29/07/2019 14:16
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thời gian qua, Bộ NN&PTNT cắt giảm, đơn giản hóa 50% thủ tục hành chính phải kiểm tra chuyên ngành và 70% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; thay đổi phương thức kiểm tra từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với nhiều dòng hàng.

Thời gian qua, Bộ NN&PTNT cắt giảm, đơn giản hóa 50% thủ tục hành chính phải kiểm tra chuyên ngành và 70% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành

Cải thiện môi trường kinh doanh

Theo ông Ngô Hồng Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NN&PTNT), việc rà soát, bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp được coi là một trong những nhiệm vụ được Bộ NN&PTNT ưu tiên hàng đầu. Theo đó, lĩnh vực nông nghiệp hiện có 272 điều kiện kinh doanh; đã bãi bỏ, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa 251 điều kiện kinh doanh. Trong đó, có 115 điều kiện kinh doanh được bãi bỏ và đơn giản hóa 136 điều kiện kinh doanh. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục rà soát tổng thể việc ban hành thủ tục hành chính (TTHC) đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật và pháp luật về kiểm soát TTHC. Cụ thể, Bộ đã tổ chức rà soát 594 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ và các tổng cục, cục, vụ trong 11 lĩnh vực từ năm 2017 đến tháng 3/2019; bãi bỏ 2 văn bản có hướng dẫn TTHC trong lĩnh vực trồng trọt; rà soát, đánh giá 83 TTHC, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 36/83 TTHC…

Đánh giá về công tác cải cách hành chính, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, chưa bao giờ công tác cải cách hành chính được Bộ triển khai mạnh mẽ đến thế và đã đạt được nhiều điểm nhấn quan trọng, đặc biệt trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

“Chỉ trong một thời gian ngắn, các đơn vị đã rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa 50% thủ tục hành chính phải kiểm tra chuyên ngành và 70% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; thay đổi phương thức kiểm tra từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với nhiều dòng hàng. Kết quả xếp hạng năm 2018, Bộ NN&PTNT xếp thứ 4/18 bộ, cơ quan ngang bộ, tăng 3 bậc so với năm 2017 và tăng 9 bậc so với năm 2016, từ thường thường bậc trung lên nhóm đầu”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.

Tuy đã đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng vẫn còn một số vấn đề tồn tại. “Đơn cử, dù chúng ta đã giảm từ 500 TTHC xuống còn 392 TTHC nhưng việc thực hiện cắt giảm ở từng đơn vị có sự khác biệt. Trong hơn 1 năm qua có 7 đơn vị trực thuộc Bộ tích cực giảm thủ tục hành chính, ví dụ Tổng cục Lâm nghiệp giảm từ 128 TTHC xuống còn 38 nhưng vẫn có 7 đơn vị tăng TTHC, trong đó Tổng cục Thủy lợi tăng 29 TTHC, Cục Bảo vệ thực vật tăng 13 TTHC”, ông Tuấn nêu ví dụ.

Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản luật

Ngày 26/7, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị triển khai các nhiệm vụ trong tâm về cải cách hành chính của Bộ trong thời gian tới. Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, Bộ tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành các nghị định, thông tư quy định chi tiết thi hành Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt có quy định thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành đảm bảo rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, không tạo ràn cản gia nhập thị trường, không làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.

Cải cách toàn diện kiểm tra chuyên ngành về kế hoạch cải cách hành chính nửa cuối năm, ông Ngô Hồng Giang nêu rõ: Bộ NN&PTNT xác định tiếp tục ưu tiên xây dựng nhóm tiêu chuẩn quy chuẩn đối với hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, trong đó sẽ xây dựng 142 Tiêu chuẩn Việt Nam và 3 Quy chuẩn Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính hợp pháp, đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống văn bản, đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng. 

“Nhiệm vụ trọng tâm vẫn là tiếp tục cắt giảm các TTHC để giảm bớt phiền hà cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành; áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên đánh giá, phân tích về mức độ tuân thủ của doanh nghiệp và mức độ, quy mô rủi ro của hàng hóa; chuyển mạnh sang hậu kiểm, chủ yếu thực hiện tại giai đoạn lưu thông hàng hóa tại thị trường nội địa. "Trong thời gian tới, phải triển khai mạnh mẽ Chính phủ điện tử, chuẩn hóa các tiêu chuẩn quy chuẩn; công khai kết quả tiếp nhận, xử lý kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm mọi ý kiến của người dân, doanh nghiệp được gửi, nhận hoàn toàn trên môi trường mạng”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.


Theo Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)