Hà Nội đã giải quyết 1,6 triệu hồ sơ điện tử

Thứ tư, 24/07/2019 11:54
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
UBND TP. Hà Nội cho biết đã có 1,6 triệu hồ sơ điện tử thực hiện giải quyết trên hệ thống (đạt tỷ lệ 100%); Thành phố cũng đã có 1.321/1.796 TTHC triển khai Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3,4 (đạt 75%) trong đó mức độ 4 là 15,5 %.

Điểm đầu cầu Hà Nội báo cáo tại Hội nghị trực tuyến của UBQG về CPĐT. Ảnh: Gia Huy

Sáng 23/7, báo cáo tại Hội nghị trực tuyến của UBQG về Chính phủ điện tử (CPĐT) với các Ban Chỉ đạo xây dựng UBQG, Chính quyền điện tử Bộ, ngành, địa phương do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, trong những năm qua, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TP. Hà Nội đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT, với mục tiêu xây dựng đô thị thông minh bền vững theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong đó, Hà Nội xác định nền tảng là xây dựng chính quyền điện tử, đến nay đã đạt được một số kết quả ban đầu.

Về xây dựng hạ tầng CNTT, CSDL cốt lõi và chuyên ngành, Thành phố duy trì Trung tâm Dữ liệu Thành phố đang khai thác, sử dụng công nghệ hiện đại, đạt chuẩn quốc tế; cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 3 cấp đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc trên môi trường mạng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, họp trực tuyến đến các cấp; trong quý III/2019, 584 xã, phường được triển khai trang thiết bị sẵn sàng ứng dụng họp trực tuyến đến cấp xã.

Thành phố đang duy trì Trung tâm Dữ liệu Thành phố đang khai thác, sử dụng công nghệ hiện đại, đạt chuẩn quốc tế; cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 3 cấp đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc trên môi trường mạng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, họp trực tuyến đến 584 xã, phường, thị trấn. Đã hoàn thành 03/06 hệ thống thông tin, CSDL cốt lõi (Quản lý doanh nghiệp, Bảo hiểm, Dân cư); phấn đấu đến hết năm 2019, hoàn thành hệ thống thông tin quản lý CSDL về đất đai.

Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã hình thành gồm: Giáo dục (quản lý 2,2 triệu học sinh tại 2.998 trường học); y tế (quản lý 7 triệu hồ sơ sức khoẻ điện tử; kết nối liên thông 5.862/6881 cơ sở cung ứng thuốc (đạt 85,2%); Giao thông vận tải (quản lý giám sát toàn bộ xe buýt bằng thiết bị GPS); Xây dựng (quản lý hệ thống cây xanh; nhà ở và công sở, nhà ở xã hội); Thanh tra (quản lý toàn bộ hệ thống giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo); và đang hình thành các CSDL của các ngành khác.

Về một số ứng ứng dụng trong chỉ đạo, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp, Thành phố đang tiếp tục duy trì hệ thống quản lý văn bản kết nối, liên thông 3 cấp trong Thành phố đảm bảo kết nối Trục liên thông văn bản điện tử Quốc gia; ứng dụng gửi nhận văn bản điện tử có ký số, tiến tới xử lý công việc không giấy. 100% dữ liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư đã được số hóa; hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch tại Quận Long Biên;

Đối với việc triển khai hệ thống tuyển sinh đầu cấp trực tuyến, kết quả tuyển sinh năm học 2019-2020 cho thấy, tỷ lệ vào lớp mầm non, lớp 1, lớp 6 đạt 86%; vào lớp 10 (đăng kí chọn trường) đạt 90%; triển khai Hệ thống phần mềm Học bạ điện tử, Sổ liên lạc điện tử miễn phí.

Hiện nay trên địa bàn Hà Nội, tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%; cấp phép đầu tư qua mạng đạt 73%; khai thuế qua mạng đạt 98,4%, nộp thuế điện tử đạt 94,6% (chiếm 20,2% cả nước). Thành phố thí điểm biên lai điện tử trong việc giải quyết các dịch vụ hành chính công; Triển khai thí điểm thành công ứng dụng thông minh tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động – IPARKING.

Ngoài ra, Thành phố thí điểm một số ứng dụng thông minh như: Cung cấp thông tin về hệ thống quan trắc môi trường không khí, chất lượng nước Hồ Tây, lượng mưa và bản đồ úng ngập; hệ thống thông tin điện tử ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm bằng các thiết bị di động thông minh;...

Theo Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý, trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới, Thành phố sẽ tập trung hoàn thành xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử thành phố Hà Nội phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0); hoàn thành 3/6 hệ thống thông tin, CSDL cốt lõi còn lại gồm: Đất đai; tài chính; thống kê tổng hợp về dân số.

Hoàn thiện, triển khai mở rộng, khai thác hiệu quả Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của Thành phố, các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; tổ chức thực hiện kết nối, tích hợp các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đổi mới hình thức tuyên truyền và hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Triển khai diện rộng biên lai điện tử, thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ công; đẩy mạnh, phát triển các hoạt động thương mại điện tử.

Xây dựng và ban hành Đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến 2025, định hướng đến 2030”. Triển khai Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Hà Nội và một số thành phần cơ bản của Hệ thống Giao thông thông minh, Hệ thống Du lịch thông minh và các lĩnh vực khác theo lộ trình.

Hà Nội cũng nâng cấp, triển khai diện rộng hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp thống nhất liên thông 3 cấp tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, kết nối Trục liên thông văn bản quốc gia. Triển khai hiệu quả Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Hệ thống thông tin báo cáo của Thành phố.


Theo Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)