Xác định đơn giá trong dự toán của các công trình sử dụng vốn nhà nước

Ngày cập nhật: 10/09/2024

Hỏi: (Phạm Đăng Ngọc Vinh - phamdangngocvinh@gmail.com)

Hiện nay, công bố giá hằng tháng của Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng thường có nội dung: "Các cơ quan, tổ chức, cá nhân căn cứ công bố này là cơ sở để xác định giá xây dựng các dự án, công trình sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (sau đây là dự án PPP); đối với các dự án sử dụng vốn khác tham khảo, sử dụng để xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng".

Theo đó, các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn lẫn cơ quan thẩm định đều dựa vào công bố giá để lập dự toán với các công trình sử dụng vốn đầu tư công. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng có vướng mắc và kiến nghị cần làm rõ như sau:

(1) Với cùng một loại vật liệu thì thường có nhiều mức giá bán khác nhau tại cùng một địa phương. Bên cạnh đó, giá của nhiều loại vật liệu xây dựng được cung cấp trong công bố thấp hơn nhiều so với thị trường thực tế hoặc một số doanh nghiệp có báo giá nhưng thực tế không cung cấp được sản phẩm.

Khi lập, thẩm định dự toán, các đơn vị liên quan thường phải cân đối lựa chọn sao cho hợp lý với thực tế nên nhiều khi phải chọn giá bán ở mức tầm trung chứ không lấy giá thấp nhất.

Theo tôi được biết thì cũng không có quy định nào bắt buộc phải áp giá thấp nhất theo công bố giá của Sở Xây dựng. Giả sử có quy định đó thì nó cũng rất phi lý so với cách công bố giá như hiện nay, nếu bắt buộc phải lấy giá thấp nhất thì tại sao sau khi thu thập báo giá, Sở Xây dựng không tổng hợp và chỉ công bố 1 giá/1 loại vật liệu cùng quy cách kỹ thuật, tại sao phải công bố nhiều mức giá nhưng không cho lựa chọn? Ngoài ra, trách nhiệm về tính chính xác của báo giá của các doanh nghiệp cung cấp cho Sở Xây dựng đã được quy định chưa?

(2) Thực tế hiện nay, trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, các cơ quan đều hiểu được bất cập đã trình bày ở mục 1 trên đây để cùng nhau đưa ra lựa chọn hợp lý nhất có thể trong một thời điểm xác định.

Tuy nhiên, qua đến bước thanh tra thì cơ quan này lại đặt câu hỏi không thể trả lời: "Tại sao anh không lấy giá thấp nhất?". Sau đó là một chuỗi quy kết tư vấn, chủ đầu tư, cơ quan thẩm định đã có hành vi sai phạm, gây thất thoát lãng phí cho Nhà nước. Nhận thức này của Thanh tra tỉnh có thể dẫn đến nhiều hệ lụy như, sau này tất cả các đơn vị liên quan đều chăm chăm áp giá thấp nhất để tránh bị xử phạt và kỷ luật dù nó phi thực tế và đi ngược lại với trách nhiệm nghề nghiệp.

Thực tế đã chỉ ra, rất nhiều doanh nghiệp thi công không thể tìm mua được vật liệu với giá bán như trong công bố giá. Điều này đã xâm phạm đến lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp này, góp phần gây thua lỗ và giải thể hàng loạt,

Có hai câu hỏi được đặt ra: Yêu cầu bắt buộc phải lấy đơn giá thấp nhất trong khi bỏ qua các yếu tố thực tế có ảnh hưởng khác của cơ quan Thanh tra có đúng quy định? Việc quy kết các cơ quan có liên quan vi phạm, gây thất thoát tài sản Nhà nước có đúng quy định không khi những cơ quan này không có cơ hội phản biện một cách chính thức vì đang ở tình trạng yếu thế?

(3) Việc tiến hành xử phạt theo Nghị định số 16/2022/NĐ-CP tại địa phương cũng bộc lộ nhiều bất cập.

Thứ nhất, Nghị định không đưa ra những mức xử phạt phù hợp với hành vi vô ý hay cố ý, gây thất thoát nhiều hay ít.

Trường hợp 1: Giả sử xác định được là cố ý thì với cùng một hành vi áp sai đơn giá, có những dự án sau tính toán chỉ gây thất thoát 10 triệu đồng, dự án khác lại hơn 100 triệu đồng; cả hai trường hợp này đều bị phạt chung mức 40 triệu đồng; đọc qua đã thấy bất hợp lý.

Trường hợp 2: Giả sử hành vi áp sai đơn giá là vô ý (vì bất cập khi áp dụng các quy định hiện hành như đã đề cập đến ở mục 1 và 2, hoặc vì hiểu sai quy định, không tư lợi cá nhân) thì nên được giải quyết như thế nào? Cơ quan Thanh tra có công cụ nào để đánh giá trường hợp này sao cho hợp tình hợp lý? Nghị định xử phạt có tách riêng trường hợp này hay chỉ đánh đồng tất cả hành vi như một?

Trả lời:

1. Việc xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng thực hiện theo các quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng tương ứng với từng thời kỳ.

2. Đối với các dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 10/2021/NĐ- CP, thì việc lựa chọn giá để xác định chi phí đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 11/2021/TT-BXD được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 14/2023/TT-BXD. Theo đó, giá vật liệu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là cơ sở để xác định giá xây dựng công trình, trường hợp chưa có trong công bố giá hoặc đã có nhưng chủng loại vật liệu không phù hợp với yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng, khả năng cung ứng và các điều kiện cụ thể khác của từng dự án thì giá vật liệu để xác định giá xây dựng công trình được thu thập, tổng hợp, phân tích, đánh giá, lựa chọn trên cơ sở tham khảo các nguồn thông tin về giá được hướng dẫn tại mục 3 Thông tư số 14/2023/TT-BXD. Việc lựa chọn giá vật liệu xây dựng phải khách quan, minh bạch, đảm bảo hiệu quả của dự án.

3. Hiện nay Bộ Xây dựng đang được giao chủ trì xây dựng và tổ chức lấy ý kiến đóng góp các Bộ, ngành Trung ương, UBND cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân về dự thảo thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP để tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, ban hành theo quy định.

Cục Kinh tế xây dựng