Bộ Xây dựng cho ý kiến đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đến năm 2040

Thứ tư, 17/01/2024 17:22
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng nhận được văn bản số 6331/UBND-ĐTXD ngày 15/12/2023 của UBND tỉnh Tuyên Quang về việc xin ý kiến nội dung đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đến năm 2040 (sau đây gọi tắt là Đồ án).

Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng đã có công văn 253/BXD-QHKT có ý kiến như sau:

Về sự phù hợp với quy định pháp luật: Căn cứ Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 325/QĐ-TTg ngày 30/3/2023, xác định đô thị Mỹ Bằng là một trong các đô thị loại V (giai đoạn 2021-2030) của huyện Yên Sơn; do đó, việc UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức lập Quy hoạch chung đô thị Mỹ Bằng là có cơ sở.

UBND Tuyên Quang chịu trách nhiệm về tính chính xác và cơ sở pháp lý của các số liệu hiện trạng sử dụng đất (đặc biệt là đất các loại rừng, đất nông nghiệp và đất ở dân cư hiện hữu) trong phạm vi lập quy hoạch. Không hợp thức hóa các dự án sai phạm (nếu có) vào nội dung quy hoạch.

Để có cơ sở xem xét, cho ý kiến thống nhất, đề nghị bổ sung và làm rõ một số nội dung sau:

- Hồ sơ Đồ án đang nghiên cứu trên hệ thống bản đồ địa chính là không đủ căn cứ lập quy hoạch đô thị; việc lập quy hoạch trên phải căn cứ vào hệ thống bảo đồ địa hình, do cơ quan chuyên môn khảo sát, đo đạc (theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường).

- Về thời hạn lập quy hoạch của Đồ án, đề nghị rà soát đảm bảo tuân thủ theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 đôi với đô thị mới, loại V.

- Về đánh giá hiện trạng: Phân tích, đánh giá tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, dân số 5 năm gần đây; đặc biệt cần rà soát số liệu, đánh giá hiện trạng sử dụng đất theo quy định về quy hoạch đô thị; rà soát quỹ đất phát triển đô thị, khu vực nông lâm nghiệp, bảo tồn và khu vực cấm xây dựng. Rà soát số liệu, phương án đánh giá nâng loại đô thị đối với tiêu chuẩn đô thị loại V đảm bảo tuân thủ các quy định của Nghị quyết số 1210/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị (gọi tắt là NQ-1210), Nghị quyết số 26/2022/NQ-UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của NQ-1210.

- Đối với tiền đề phát triển đô thị cần phân tích, làm rõ động lực phát triển đô thị Mỹ Bằng trên cơ sở phân tích Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đối với tính chất là đô thị nông nghiệp công nghệ cao cần xem xét lại (cơ sở quỹ đất phát triển nông nghiệp công nghệ cao; quy hoạch ngành có xác định vị trí, quy mô tại khu vực trên không)

- Dự báo quy mô dân số giai đoạn 2023-2030 tăng 2,3 %/năm là chưa đủ có sở khoa học, chưa phân tích được các nhu cầu, dự báo trên cơ sở động lực phát triển của đô thị; các chỉ tiêu của đồ án (đất dân dụng, đất đơn vị ở) đều vượt quá Nhiệm vụ quy hoạch và cao hơn so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng QCVN 01:2021/BXD.

- Đối với diện tích đất rừng đề xuất quy hoạch chuyển đổi sang mục đích du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng (tại thôn Thọ Bàng và Thôn Miếu Trạng), đề nghị làm rõ hiện trạng số liệu và phạm vi rừng, sự phù hợp với quy hoạch tỉnh về quy hoạch 03 loại rừng theo Luật Lâm nghiệp, thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định. Việc chuyển đổi chức năng sử dụng đất rừng phải tuân thủ các quy định tại Luật Lâm nghiệp và Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

- Về định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật: Rà soát, đánh giá lại nhu cầu sử dụng đất xây dựng đô thị, trên cơ sở đó xác định các khu vực cần đầu tư hạ tầng đô thị, đảm bảo kết nối mạng lưới giao thông đối ngoại; xem xét phân vùng để cải tạo và phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị phù hợp với điều kiện từng giai đoạn, đảm bảo hiệu quả đầu tư tránh dàn trải lãng phí đất.

+ Đối với quy hoạch giao thông: Bổ sung cơ sở pháp lý, phân tích quy mô, giải pháp thiết kế đối với các tuyến giao thông đối ngoại (Quốc lộ: 37, 2c), các đường trục chính kết nối các khu chức năng, các trục chính trong đô thị; xác định các nút giao thông kết nối quan trọng, hệ thống bến xe giao thông tĩnh; quy mô các tuyến giao thông mới phải căn cứ cụ thể theo điều kiện địa hình tự nhiên, hạn chế san gạt làm ảnh hưởng cảnh quan môi trường.

Đối với diện tích đất rừng đề xuất quy hoạch chuyển đổi sang mục đích du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng (tại thôn Thọ Bàng và Thôn Miếu Trạng), đề nghị làm rõ hiện trạng số liệu và phạm vi rừng, sự phù hợp với quy hoạch tỉnh về quy hoạch 03 loại rừng theo Luật Lâm nghiệp, thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định. Việc chuyển đổi chức năng sử dụng đất rừng phải tuân thủ các quy định tại Luật Lâm nghiệp và Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

+ Đề nghị bổ sung giải pháp phòng chống thiên tai trong nội dung hồ sơ, để đảm bảo tần suất lũ, đảm bảo tưới tiêu và phòng chống lũ theo quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 847/QĐ-TTg ngày 14/7/2023. Bổ sung nội dung “bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai” đối với việc xây dựng các công trình trong quy hoạch (khu dân cư, khu công cộng, dịch vụ,…) theo quy định tại khoản 12 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

+ Đề nghị rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các nội dung liên quan đến giải pháp phát triển thủy lợi phục vụ cấp nước, tiêu thoát nước; phân vùng rủi ro thiên tai, phương án phòng, chống thiên tai cho khu vực quy hoạch phù hợp với quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 325/QĐ-TTg ngày 30/3/0223. Việc sử dụng các công trình thủy lợi phải tuân thủ pháp luật về thủy lợi và các quy định pháp luật khác liên quan, đảm bảo không ảnh hưởng đến nhiệm vụ của công trình đã được phê duyệt, không làm phát sinh hoặc gia tăng các tác động ngập úng, ngập lụt trong khu vực, không gây ô nhiễm nước và không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống công trình thủy lợi hiện có.

+ Về quy hoạch hạ tầng kỹ thuật khác: Tính toán, xác định vị trí, quy mô, giải pháp thiết kế hệ thống và các công trình hạ tầng kỹ thuật: Trạm biến áp, trạm cấp nước, thu gom và trạm xử lý nước thải…; làm rõ các giải pháp kết nối đối với các khu vực hiện hữu, khu vực mới; bổ sung phần khối lượng tính toán và khái toán kinh tế các hạng mục hạ tầng kỹ thuật.

Bộ Xây dựng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu, làm rõ, bổ sung và hoàn thiện hồ sơ đồ án, gửi lại Bộ Xây dựng để xem xét, có văn bản thống nhất theo quy định.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 253/BXD-QHKT.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)