Ngày 17/11, tại Hà Nội, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) và Viện Vật liệu xây dựng (VIBM) đã ký kết hợp tác toàn diện nhằm thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất, trong đó tập trung giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả, hướng tới sản xuất xi măng xanh.
Tổng Công ty Xi măng Việt Nam và Viện Vật liệu xây dựng ký kết hợp tác toàn diện.
Hai bên hợp tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất. Nghiên cứu quy hoạch và khai thác các mỏ nguyên liệu, sử dụng hiệu quả tài nguyên đồng thời nghiên cứu các loại chất thải, phế thải công nông nghiệp, sinh hoạt làm nguyên nhiên liệu thay thế, phụ gia cho sản xuất. Ngoài nghiên cứu giải pháp cải tiến công nghệ thiết bị nhằm nâng cao hiệu suất, chất lượng, giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải trong sản xuất, hai bên còn nghiên cứu các loại xi măng đặc biệt sử dụng trong môi trường xâm thực, hải đảo và hướng dẫn xây dựng các chỉ dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn. Tư vấn, đánh giá hiệu quả các biện pháp xử lý khí thải, thực hiện các thủ tục theo quy định bảo vệ môi trường, kiểm kê khí thải nhà kính, lập báo cáo quan trắc môi trường định kỳ; tư vấn lựa chọn phụ gia, công nghệ cho xi măng.
Hợp tác thực hiện kiểm soát chất lượng, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy: Thí nghiệm đánh giá, kiểm định chất lượng các loại nguyên liệu, phụ gia; Thực hiện chứng nhận chất lượng các loại sản phẩm xi măng, phụ gia, vật liệu xây dựng... phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế: xây dựng chương trình chứng nhận sản phẩm xanh và bền vững, trong đó sản phẩm xi măng với tiêu chí sử dụng nguyên nhiên liệu thay thế, phát thải thấp.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Tổng Giám đốc VICEM Lê Nam Khánh nhấn mạnh: Với 10 doanh nghiệp sản xuất xi măng, trong thời gian qua, VICEM tập trung nghiên cứu, ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến, cải tiến kỹ thuật, cải tiến thiết bị, tối ưu hóa sản xuất, nhằm giảm tiêu hao năng lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, nghiên cứu các chủng loại xi măng mới như xi măng cho công trình ở biển, hải đảo, đồng thời triển khai đề án số hóa với hai nhiệm vụ chính là số hóa công tác điều hành, bán hàng và số hóa dây chuyền sản xuất.
Nhằm hướng đến nền sản xuất xanh, phát triển bền vững, VICEM chú trọng các biện pháp sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hợp lý như Chương trình thử nghiệm sử dụng bùn thải, rác thải công nghiệp để tiết kiệm nhiên liệu; sử dụng xỉ, tro bay và thạch cao nhân tạo từ chất thải GYPS để làm phụ gia cho sản xuất xi măng, tăng cường sử dụng các nguyên liệu thay thế, giảm phụ thuộc vào nguyên liệu hóa thạch, tăng năng suất và đảm bảo các yếu tố bền vững về môi trường.
“Chương trình hợp tác ý nghĩa, thiết thực, nhằm đưa các công trình nghiên cứu, chất xám của các nhà nghiên cứu đầu ngành về lĩnh vực vật liệu vào thực tiễn sản xuất” - Tổng Giám đốc VICEM Lê Nam Khánh nhấn mạnh.
TS. Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng nhấn mạnh: Sau một thời gian hoạt động, máy móc, thiết bị đã khấu hao thì bài toán phối liệu, nguyên liệu đầu vào cũng cần thay đổi. Sản xuất xi măng thích ứng, phù hợp với khí hậu các vùng miền khác nhau là một trong những công trình nghiên cứu chính của Viện. Hợp tác sẽ giúp VICEM và VIBM tiếp tục đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất.