Huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang): Tăng cường tuyên truyền về chuyển đổi số, chính quyền điện tử

Thứ tư, 01/11/2023 15:03
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Việc thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC) góp phần quan trọng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là đẩy mạnh chuyển đổi số, chính quyền số tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) trên địa bàn Huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang).

Ra mắt mô hình Chợ không dùng tiền mặt tại huyện Vĩnh Thuận - Ảnh: VGP

Đẩy mạnh chuyển đổi số, chính quyền điện tử

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, bà Trần Thu Sương, Trưởng phòng Nội vụ huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) cho biết, thời gian qua, huyện đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực và hiệu quả công tác CCHC, trong đó chú trọng đẩy mạnh CCHC gắn với chuyển đổi số, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng và phát triển chính quyền số, chuyển đổi số; tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển KTXH trên địa bàn.

Cụ thể, Huyện uỷ Vĩnh Thuận đã ban hành Kế hoạch số 70-KH/HU ngày 29/9/2022 về việc chuyển đổi số huyện Vĩnh Thuận đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; UBND huyện ban hành Kế hoạch số 170/KH-UBND ngày 31/12/2021 về việc chuyển đổi số huyện Vĩnh Thuận đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 22/3/2023 về việc vhuyển đổi số trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận năm 2023; thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số và tổ giúp việc Ban chỉ đạo chuyển đổi số huyện Vĩnh Thuận; xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo chuyển đổi số.

Đồng thời, chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo cấp xã và 54/54 ấp, khu phố thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng, tổng số có 378 thành viên. UBND huyện đã phát động phong trào thi đua thực hiện công tác chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, thu hút cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trọng huyện tích cực hưởng ứng tham gia.

Công tác truyền thông CCHC đã góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp về ý nghĩa vai trò, lợi ích của triển khai thực hiện chuyển đổi số. Cổng thông tin điện tử của huyện, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đã thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: Tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của huyện; xây dựng chuyên mục và phát sóng định kỳ trên Đài truyền thanh, đã đăng tải trên 67 tin, bài, video, phóng sự tuyên tuyền; tuyên truyền thông qua các cuộc họp của các tổ, Hội đoàn thể… 

Đặc biệt, phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số, hướng dẫn người dân cài đặt, nắm bắt kỹ năng sử dụng thành thạo các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản như định danh điện tử cá nhân, bảo hiểm xã hội, sổ sức khỏe điện tử, tài khoản mobile money, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công, quốc gia, để tương tác với chính quyền đến người dân...

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền về Đề án 06 của Chính phủ được huyện Vĩnh Thuận tập trung thực hiện bằng nhiều hình thức như phát trên Đài tuyền thanh 144 lượt; đăng mạng internet (chia sẻ qua các nhóm Zalo, facebook 253 lượt); công an huyện phối hợp cùng huyện đoàn, UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn đăng ký và kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNEID) được 158 cuộc, có 23.968 lượt cán bộ và người dân tham dự, qua đó đã phát 23.968 tờ rơi tuyên truyền cho người dân...

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa xã Bình Minh, huyện Vĩnh Thuận - Ảnh: VGP

Triển khai đồng bộ cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số

Đến nay, huyện Vĩnh Thuận đã triển khai thực hiện tốt việc kết nối cơ sở dữ liệu tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, bao gồm: Các cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội; dịch vụ kết nối bưu chính công ích; cơ sở dữ liệu doanh nghiệp; kết nối Hệ thống Tư pháp-hộ tịch, Hệ thống Lý lịch tư pháp; dịch vụ cấp mã số cho các đơn vị có quan hệ ngân sách; cơ sở dữ liệu hộ kinh doanh cá thể; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xác thực định danh điện tử… 

Các ngành đã triển khai thực hiện Dịch vụ công thiết yếu theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình; tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết TTHC đúng theo quy định. Trong 9 tháng đầu năm, tổng số hồ sơ thủ tục hành chính đã tiếp nhận 14.533 hồ sơ, trong đó tỉ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt 45,2%, tăng 26 lần so với năm 2022 (năm 2022 tỉ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt 1,74%).

Triển khai hoàn thiện nền tảng họp trực tuyến và phòng họp không giấy phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của UBND huyện đến các cơ quan ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến xã; Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến được duy trì, đảm bảo công tác chỉ đạo điều hành của UBND huyện với 8 điểm cầu cấp xã và giữa huyện với tỉnh và Chính phủ. 

Tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ để trao đổi công việc giữa cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và đảm bảo an toàn thông tin.

4 nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm 2023

Nhằm tăng cường công tác tuyên truyền về chuyển đổi số, chính quyền điện tử, huyện Vĩnh Thuận xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm 2023, gồm:

Một là, tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền những nội dung cơ bản về chuyển đổi số, tầm quan trọng, ý nghĩa, mục tiêu và tác động của chuyển đổi số, chính quyền số, công nghệ số đến sự phát triển KTXH; nâng cao nhận thức của các tổ chức, doanh nghiệp trong việc chuyển đổi phương thức hoạt động của các lĩnh vực, ngành, nghề từ truyền thống sang ứng dụng công nghệ số để giảm chi phí, tăng năng suất lao động, thu hẹp khoảng cách phát triển.

Hai là, tiếp tục rà soát, xây dựng các cơ chế chính sách đủ mạnh để huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội thực hiện chuyển đổi số; nhất là cơ chế chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển kinh tế số, doanh nghiệp chuyển đổi số trên các lĩnh vực trọng điểm.

Ba là, rà soát các thủ tục hành chính đủ điều kiện nâng lên dịch vụ công trực tuyến toàn phần, chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch cải thiện, nâng chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao mức độ hài lòng của người dân. Đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân; tăng tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy thương mại điện tử, thương mại số.

Bốn là, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, các Tổ công nghệ số cộng đồng; tập trung phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho người dân; hỗ trợ thực hiện cải cách hành chính, phát triển dịch vụ công trực tuyến tại địa phương.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)