Xây dựng
Hoạt động xây dựng 6 tháng đầu năm nay có nhiều chuyển biến tích cực, những khó khăn đang dần được tháo gỡ, nhiều dự án đầu tư lớn được khởi công tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng có nhiều cơ hội triển khai hoạt động.
Giá trị sản xuất xây dựng 6 tháng đầu năm theo giá hiện hành ước tính đạt 393,8 nghìn tỷ đồng, bao gồm: Khu vực Nhà nước đạt 35,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,1%; khu vực ngoài Nhà nước 328,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 83,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 29,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 7,4%. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao do các công trình tại khu kinh tế Vũng Áng đẩy nhanh tiến độ thi công, trong đó công trường Dự án Khu liên hợp Gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh có nhiều hạng mục đã được hoàn thành đưa vào sử dụng. Trong tổng giá trị sản xuất, giá trị sản xuất xây dựng công trình nhà ở đạt 163,9 nghìn tỷ đồng; công trình nhà không để ở đạt 63,3 nghìn tỷ đồng; công trình kỹ thuật dân dụng đạt 121,9 nghìn tỷ đồng; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 44,7 nghìn tỷ đồng.
Giá trị sản xuất xây dựng 6 tháng theo giá so sánh 2010 ước tính đạt 313,3 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2014, bao gồm: Khu vực Nhà nước đạt 29,1 nghìn tỷ đồng, giảm 0,9%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 260,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 23,3 nghìn tỷ đồng, tăng 22,6%. Trong tổng giá trị sản xuất, giá trị sản xuất xây dựng công trình nhà ở đạt 129,8 nghìn tỷ đồng; công trình nhà không để ở đạt 50,5 nghìn tỷ đồng; công trình kỹ thuật dân dụng đạt 96,8 nghìn tỷ đồng; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 36,2 nghìn tỷ đồng.
Đầu tư phát triển
Trong 6 tháng đầu năm, nhờ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, nhiều biện pháp hiệu quả được thực hiện nhằm đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, chương trình đã góp phần thúc đẩy thu hút và giải ngân dòng vốn trong nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng theo giá hiện hành ước tính đạt 553,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước và bằng 31,1% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 214 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,7% tổng vốn và tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước; vốn khu vực ngoài Nhà nước đạt 202,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 36,6% và tăng 11,4%; vốn khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 137 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,7% và tăng 9,9%.
Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện 6 tháng ước tính đạt 92,3 nghìn tỷ đồng, bằng 44,8% kế hoạch năm và tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2014, gồm có:
- Vốn trung ương quản lý đạt 18128 tỷ đồng, bằng 44,5% kế hoạch năm và giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông Vận tải là 3092 tỷ đồng, bằng 45% và tăng 11,9%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1268 tỷ đồng, bằng 44,3% và giảm 4,6%; Bộ Xây dựng 707 tỷ đồng, bằng 45,6% và giảm 1,5%; Bộ Y tế 707 tỷ đồng, bằng 44,7% và tăng 67,9%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 323 tỷ đồng, bằng 37,9% và tăng 12,8%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 292 tỷ đồng, bằng 42,6% và giảm 1,4%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 232 tỷ đồng, bằng 39,5% và tăng 7,4%; Bộ Công Thương 163 tỷ đồng, bằng 37,7% và tăng 8,8%; Bộ Khoa học và Công nghệ 140 tỷ đồng, bằng 47,2% và tăng 12,5%; Bộ Thông tin và Truyền thông 94 tỷ đồng, bằng 51,7% và giảm 1,8%.
- Vốn địa phương quản lý đạt 74194 tỷ đồng, bằng 44,9% kế hoạch năm và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 52132 tỷ đồng, bằng 43% và tăng 4,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 17873 tỷ đồng, bằng 47,8% và giảm 1,5%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 4189 tỷ đồng, bằng 61,8% và giảm 4,8%. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội đạt 9827 tỷ đồng, bằng 48,7% kế hoạch năm và giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước; thành phố Hồ Chí Minh 7767 tỷ đồng, bằng 40,3% và tăng 6,7%; Nghệ An 2321 tỷ đồng, bằng 60,9% và tăng 3,5%; Bà Rịa - Vũng Tàu 2105 tỷ đồng, bằng 39,7% và tăng 0,4%; Kiên Giang 1987 tỷ đồng, bằng 59,8% và tăng 24,7%; Quảng Ninh 1937 tỷ đồng, bằng 27,3% và tăng 13,1%; Vĩnh Phúc 1931 tỷ đồng, bằng 36,8% và tăng 2,6%.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/6/2015 thu hút 757 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 3839,2 triệu USD, tăng 15,4% về số dự án và giảm 21% về số vốn so với cùng kỳ năm 2014. Đồng thời có 281 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước được cấp vốn bổ sung với 1654,2 triệu USD. Như vậy tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 5493,4 triệu USD, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm ước tính đạt 6,3 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong 6 tháng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký đạt 4185,9 triệu USD, chiếm 76,2% tổng vốn đăng ký; ngành kinh doanh bất động sản đạt 465,5 triệu USD, chiếm 8,5%; các ngành còn lại đạt 842 triệu USD, chiếm 15,3%.
Cả nước có 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 6 tháng, trong đó Đồng Nai có số vốn đăng ký lớn nhất với 900,8 triệu USD, chiếm 23,5% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là thành phố Hồ Chí Minh 765,8 triệu USD, chiếm 19,9%; Tây Ninh 282,7 triệu USD, chiếm 7,4%; Hải Phòng 233,2 triệu USD, chiếm 6,1%; Vĩnh Phúc 187,4 triệu USD, chiếm 4,9%; Hà Nam 183,5 triệu USD, chiếm 4,8%; Trà Vinh 120 triệu USD, chiếm 3,1%.
Trong số 47 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam trong 6 tháng, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1086,9 triệu USD, chiếm 28,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ 660,3 triệu USD, chiếm 17,2%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 441,8 triệu USD, chiếm 11,5%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) 397,5 triệu USD, chiếm 10,4%; Nhật Bản 280,3 triệu USD, chiếm 7,3%; Xin-ga-po 161,3 triệu USD, chiếm 4,2%; Đài Loan 157,8 triệu USD, chiếm 4,1%; Trung Quốc 125,7 triệu USD, chiếm 3,3%...
Bạn đọc bấm vào File đính kèm để tải số liệu thống kê về.
Nguồn : Tổng cục Thống kê