Mở ra tầm nhìn mới về quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương

Thứ hai, 22/01/2018 13:59
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26) với chủ đề “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững” diễn ra từ ngày 18-21/1/2018 tại Hà Nội, đã thành công tốt đẹp.

Ảnh: TTXVN

Tới dự APPF-26 có các đoàn đại biểu Nghị viện của hơn 20 quốc gia trong khu vực, trong đó có 7 Chủ tịch Quốc hội, 10 Phó Chủ tịch Quốc hội; đại diện Hội đồng Lập pháp Brunei Darussalam, quan sát viên của APPF; bà Gabriela Cuevas Barron, Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU); ông Martin Chungong, Tổng thư ký IPU; ông Saber Chowdhury, nguyên Chủ tịch IPU và Phó Chủ tịch Nghị viện Maroc tham dự với tư cách là khách mời của chủ nhà Việt Nam.

Hoàn thành tốt đẹp các chương trình nghị sự

Lần thứ hai Việt Nam vinh dự được chọn là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương, thể hiện sự tín nhiệm và đánh giá cao của các nghị viện thành viên APPF đối với Quốc hội và nhân dân Việt Nam.

Trong bầu không khí hữu nghị, tin cậy, các vị đại biểu nhân dân các nước đã cùng làm việc với tinh thần khẩn trương, sôi nổi và trách nhiệm. Hội nghị đã hoàn thành 4 phiên họp toàn thể, cùng với Hội nghị Nữ Nghị sỹ, các cuộc họp của Ủy ban Chấp hành, Ủy ban Soạn thảo văn kiện; các đại biểu thảo luận, trao đổi ý kiến thẳng thắn, bổ ích về những vấn đề quan tâm chung của khu vực và thế giới.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố APPF Hà Nội “Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á-Thái Bình Dương”, Thông cáo chung APPF-26, thông qua nghị quyết về nhiều vấn đề quan trọng.

Tuyên bố Hà Nội đã điểm lại những thành tựu nổi bật và xác định một tầm nhìn mới của APPF sau một phần tư thế kỷ hình thành, phát triển; khẳng định kiên trì thực hiện mục tiêu chung, góp phần thúc đẩy hợp tác, đối thoại vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Qua đó, APPF tích cực đóng góp vào các nỗ lực chung của các cơ chế khu vực và toàn cầu như: Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA), Liên hợp quốc, Diễn đàn APEC, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)…

Tuyên bố nêu bật các định hướng cho quan hệ đối tác nghị viện khu vực; khẳng định hòa bình, ổn định và an ninh là điều kiện tiên quyết, nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững. Tuyên bố cam kết tiếp tục tinh thần của các Tuyên bố APPF trước đây, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, sự đa dạng về thể chế, chính trị, văn hóa, tôn giáo; tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Tuyên bố cũng khẳng định tầm quan trọng duy trì tự do hàng hải, an toàn, an ninh hàng hải và hàng không, kinh tế, đối thoại và hành động chung ứng phó với an ninh phi truyền thống; phòng ngừa và chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan; tăng cường hợp tác quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hợp tác giảm thiểu rủi ro, ứng phó và phục hồi.

Ông Saber Chowdhury, nguyên Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) chia sẻ, ngoại giao nghị viện ngày càng trở nên quan trọng, không chỉ thúc đẩy đối thoại giữa các quốc gia, mà còn trong nội bộ một quốc gia. APPF phải tiếp tục đóng góp vào các nỗ lực chung để không một cá nhân nào, một nước nào bị bỏ lại phía sau.

Ông Saber Chowdhury nhấn mạnh, Việt Nam là địa điểm hoàn hảo để các nghị viện thành viên thảo luận chủ đề “Thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới”, vì Quốc hội Việt Nam thể hiện được vai trò đại diện và giám sát rất hiệu quả trong thời gian qua. Bên cạnh đó, Việt Nam có sự hài hòa dân tộc rất đáng khen ngợi khi hơn 50 dân tộc cùng chung sống hòa bình.

Quốc hội Việt Nam năng động, tích cực

Hội nghị APPF-26 diễn ra trong bối cảnh APPF tròn 25 năm hình thành và phát triển, là một dấu ấn mới trong lịch sử APPF, đồng thời đặt ra yêu cầu phải đổi mới chương trình nghị sự, xác định tầm nhìn mới cho APPF trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Hội nghị APPF-26 thúc đẩy vai trò của các nghị viện đối với hoạt động hợp tác của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), phát huy những kết quả của Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng (Việt Nam) trên kênh nghị viện.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2017-2018 nhấn mạnh rằng, chủ đề của Hội nghị APPF-26 “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững” phản ánh xu hướng phát triển của quan hệ quốc tế, ngoại giao nghị viện, định hướng cho các phiên thảo luận toàn thể của Hội nghị, hướng tới có Tuyên bố chung khẳng định cam kết của nghị viện các nước thành viên trong hợp tác kinh tế, văn hóa và phát triển khu vực, vì hòa bình, an ninh, thịnh vượng, phát triển bền vững và bao trùm.

Hội nghị APPF-26 có ý nghĩa quan trọng khi thông tin rộng rãi đến nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về Quốc hội Việt Nam năng động, tích cực; giới thiệu về đất nước Việt Nam hội nhập và phát triển; con người Việt Nam năng động và thân thiện; văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Chúc mừng những thành tựu hết sức ấn tượng của Việt Nam, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Gabriela Cuevas Barron nhấn mạnh, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia đi đầu về tăng trưởng kinh tế, phát triển bao trùm và có tiếng nói mạnh mẽ về thương mại tự do. Hơn nữa, Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng với các Nghị viện thành viên qua việc tổ chức thành công Đại hội đồng IPU-132 (tháng 3/2015). Thành công của Năm APEC 2017 là một dấu mốc đáng nhớ về đối ngoại của Việt Nam.

Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron trân trọng cảm ơn Nhà nước Việt Nam đã ghi nhận những đóng góp của nguyên Chủ tịch IPU Saber Chowdhury và Tổng Thư ký IPU Martin Chungong trong việc thúc đẩy mối quan hệ giữa IPU và Quốc hội Việt Nam, đồng thời chia sẻ những tình cảm tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam, đánh giá cao những nỗ lực của nước chủ nhà Việt Nam trong việc đăng cai tổ chức APPF-26, mong muốn mời Việt Nam tham gia tổ chức nhiều sự kiện của IPU.

Trưởng đoàn đại biểu Nhật Bản, Thượng nghị sỹ Yanagimoto, đánh giá cao vai trò của nước chủ nhà Việt Nam trong việc tổ chức thành công APPF-26; cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ của Việt Nam đối với hoạt động kỷ niệm 25 năm thành lập APPF. Ông Yanagimoto cũng bày tỏ ấn tượng sâu sắc về sự phát triển vượt bậc của Việt Nam sau 13 năm kể từ lần ông tham dự Hội nghị APPF do Việt Nam đăng cai tổ chức năm 2005. Đây là thành quả từ những nỗ lực to lớn của Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Việt Nam.

Hội nghị APPF-26 diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng và phức tạp, thách thức và cơ hội đan xen, khó lường. Những vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, khủng bố, dịch bệnh, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước... tiếp tục thách thức sự phát triển bền vững của từng quốc gia và chất lượng cuộc sống của mỗi người dân. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tiến bộ về công nghệ đang từng bước thay đổi xã hội. Thương mại, đầu tư đã mang sự thịnh vượng đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương và nhiều quốc gia. Xu hướng liên kết kinh tế tuy có nhiều thay đổi nhưng vẫn tiếp tục là xu hướng chính trong dòng chảy kinh tế thương mại quốc tế.

Hội nghị APPF-26 đã thông qua 14 Nghị quyết, sửa đổi Quy chế Hội nghị nữ nghị sỹ APPF, Thông cáo chung và Tuyên bố Hà Nội, với sự đồng thuận cao của các đại biểu.

Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, việc đăng cai tổ chức thành công Hội nghị APPF-26 đã góp phần truyền tải thông điệp và hình ảnh về Quốc hội Việt Nam năng động, tích cực.

Hội nghị APPF-26 tại Hà Nội đã đánh dấu một giai đoạn phát triển mới, mở ra một Tầm nhìn mới về quan hệ đối tác nghị viện châu Á - Thái Bình Dương, vì một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, sáng tạo, phát triển bền vững và có khả năng thích ứng cao hơn đối với những thay đổi nhanh chóng của khu vực và thế giới.


Theo TTXVN

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)