Đô thị hóa trong thời đại 4.0

Thứ hai, 19/06/2023 13:10
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động rất lớn đến sự phát triển và hoàn thiện đô thị thông minh của các quốc gia trên thế giới. Xu hướng đổi mới, điều kiện phát triển và tốc độ đô thị hóa với nền tảng công nghệ số hóa đang diễn ra nhanh chóng.

Tòa nhà Landmark 81 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhìn từ thực tiễn phát triển đô thị thông minh của một số thành phố lớn trên thế giới, có thể thấy các đô thị Việt Nam cần có sự chuẩn bị cần thiết với tâm thế đón đầu để nắm bắt các cơ hội to lớn.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, trên thế giới có khoảng 4,2 tỷ người (chiếm hơn 55% số dân) đang sinh sống ở các thành phố. Trong 30 năm tới, dân số đô thị toàn cầu có thể tăng lên khoảng 2,5 tỷ người nữa, nghĩa là tỷ lệ người sống ở các thành phố sẽ lên tới gần 70% vào năm 2050.

Đây là xu hướng tất yếu của sự phát triển xã hội công nghiệp, tuy nhiên nó cũng đem lại những thách thức mang tính thảm họa của thời đại: Khủng hoảng nhà ở, quá tải hạ tầng, thất nghiệp, khu ổ chuột, dịch bệnh, ô nhiễm, tội phạm,…

Thách thức mới

Nhận thức được những thách thức toàn cầu đó, năm 2015, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thiết lập 17 mục tiêu toàn cầu liên kết với nhau nhằm đạt một tương lai tốt đẹp và phát triển bền vững, gọi là SDGs hay Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Trong kế hoạch chi tiết này, tại các thành phố "điểm nóng" thông qua công nghệ thông minh, sẽ tạo ra một hệ sinh thái bền vững gồm các mối quan tâm về xã hội và môi trường để đạt được mục tiêu vào năm 2030.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, trên thế giới có khoảng 4,2 tỷ người (chiếm hơn 55% số dân) đang sinh sống ở các thành phố. Trong 30 năm tới, dân số đô thị toàn cầu có thể tăng lên khoảng 2,5 tỷ người nữa, nghĩa là tỷ lệ người sống ở các thành phố sẽ lên tới gần 70% vào năm 2050.

Quy hoạch và phát triển đô thị để đối phó thách thức phát sinh từ quá trình đô thị hóa là công cụ quan trọng giải quyết các vấn đề xã hội, kinh tế và môi trường, cách giải quyết tốt nhất quá trình đô thị hóa là tiếp cận toàn diện các nguồn lực vào chiến lược dài hạn nhằm thúc đẩy sự bền vững.

Để đạt được mục tiêu này, cần phải quản trị các nguồn lực nhằm tích hợp các giải pháp công nghệ sáng tạo và mô hình tổ chức hiện đại trong lĩnh vực quy hoạch và quản trị đô thị.

Do đó, sự phát triển thành phố thông minh đã trở nên nổi bật trong những năm gần đây như một giải pháp đầy hứa hẹn. Khái niệm thành phố thông minh cùng với công nghệ ICT với quan điểm dựa trên hiệu quả, kỹ trị và tân tự do, coi công nghệ và PPP (đối tác công-tư) là phương tiện để tối ưu hóa việc quản lý quá trình đô thị.

Phát triển đô thị và xây dựng hạ tầng kỹ thuật luôn được Đảng, Nhà nước xác định là lĩnh vực rất quan trọng, tạo động lực phát triển chung, quan tâm chỉ đạo toàn hệ thống chính trị-xã hội thực hiện. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 45%, đến năm 2030 đạt khoảng 50%.

Để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa và đô thị hóa, Quốc hội cũng ban hành nhiều bộ luật liên quan quá trình này. Nhờ đó, mạng lưới đô thị đã được hình thành rõ nét, đô thị trở thành hạt nhân, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của từng vùng và trên cả nước.

Các đô thị lớn, nhất là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng chủ đạo, lan tỏa tri thức, đổi mới sáng tạo, đa dạng hóa các hoạt động kinh tế, tác động lớn đến sự phát triển nền kinh tế thị trường năng động.

Một số khu vực khác có tốc độ đô thị hóa cao, đóng góp cho tăng trưởng như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận, An Giang, Kiên Giang,...

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia thực hiện thành công các SDGs của thiên niên kỷ, tạo ra những thay đổi hết sức to lớn cho người dân.

Các SDGs đã được Việt Nam quốc gia hóa thông qua việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững vào tháng 5/2017, trọng tâm là phát triển bền vững quá trình đô thị hóa tại các địa phương trong cả nước.

Một khu đô thị mới ở Thủ đô Hà Nội.

Đô thị hóa bền vững

Thời gian qua, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị nước ta vẫn còn nhiều hạn chế như: Đô thị hóa không đồng đều giữa các vùng, miền dẫn đến văn hóa co cụm vùng, miền làm hạn chế sự phát triển; tỷ lệ đô thị hóa còn thấp so với mức trung bình của các nước trong khu vực ASEAN và bình quân thế giới.

Quá trình đô thị hóa phát triển theo chiều rộng là chủ yếu với mật độ thấp và phân tán thiếu kết nối, gây lãng phí về đất đai, hạn chế tích tụ kinh tế, tăng trưởng về số lượng chưa đi đôi với chất lượng, hạ tầng thiếu đồng bộ, hiện đại,…

Vì vậy, việc nghiên cứu và phân tích mối quan hệ giữa đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế là cần thiết trong bối cảnh hiện nay để nâng cao nhận thức chung toàn xã hội. Chúng tôi xin đề xuất 5 vấn đề cụ thể, góp phần phát triển quá trình thị hoá một cách bền vững:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức chung toàn xã hội. Đô thị hóa là quá trình tất yếu của sự nghiệp công nghiệp hóa, bao gồm cả thách thức và cơ hội. Các đô thị được quy hoạch và phát triển kết nối tốt sẽ là nguồn lực sản phẩm vĩ mô chủ yếu cho sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã "làm phẳng" ranh giới sinh học, vật lý và kỹ thuật, do đó đã tác động đến các đô thị và hình thành khái niệm "thành phố thông minh", đem lại những cơ hội to lớn để giải quyết vấn đề cụ thể của đô thị như quy hoạch, kết nối, dữ liệu, năng lượng, quản trị và giao thông,…

Thứ hai, để cách mạng công nghiệp 4.0 tích hợp tại các thành phố thông minh, cần đáp ứng ba tiêu chí: Khái niệm về tính bền vững nên vượt ra ngoài hệ sinh thái kinh tế. Thành phố bền vững phải phục vụ con người ở ba phương diện chính: Nhà ở dễ tiếp cận; không gian công cộng và sử dụng tiện ích hòa nhập; hệ thống giao thông toàn diện. Bên cạnh việc thiết kế quy hoạch đô thị tốt, việc thực hành quy hoạch đô thị rất quan trọng vì đòi hỏi sự chính xác và cập nhật kịp thời, nhằm chuyển thông tin thành nguồn lực thúc đẩy hành động cộng hưởng tích cực kết nối toàn xã hội.

Thứ ba, cần nghiên cứu mô hình chính quyền đô thị tự chủ/tự quản với sự tham gia tích cực của cộng đồng xã hội để phát triển nguồn vốn xã hội vô tận cho sự quản trị đô thị hiện đại, quyết định chất lượng và hiệu quả quan hệ hợp tác công-tư. Từng bước xây dựng và triển khai áp dụng công nghệ số để phát triển mô hình đô thị hai cấp theo hướng tinh giản với cấp quận là cấp cơ sở cho thành phố trực thuộc Trung ương nhằm bảo đảm tốt cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động của thể chế trong việc sử dụng nguồn lực con người, giảm sự quản lý hành chính quan liêu, tốn kém thời gian và thiếu minh bạch về quyền lợi, trách nhiệm trong quản trị đô thị. Ngoài ra, sự kết nối đối tác trong nước, khu vực (nhất là ASEAN) và quốc tế (Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương) sẽ quyết định sự thành công của các thành phố thông minh trong thời đại 4.0.

Song song với việc xây dựng mô hình mới, cần ưu tiên nghiên cứu và xây dựng những bộ luật tương ứng để bảo đảm tính thực thi. Đây cũng là tiêu chí chủ yếu đánh giá sự hoạt động hiệu quả của các nhà lập pháp.

Thứ tư, người dân trong quá trình đô thị hóa cần nắm bắt cơ hội để trở thành công dân đô thị thông minh trong việc thượng tôn phát luật và tự đào tạo kỹ năng kết nối cộng đồng xã hội của thời đại công nghệ, góp phần thúc đẩy và phát triển bền vững nguồn lực xã hội đô thị.

Thứ năm, trong một thế giới đầy biến động và thay đổi khó lường, tầm nhìn của lãnh đạo quốc gia cần đi trước một bước. Theo các nhà chiến lược vĩ mô, tầm nhìn đến năm 2050 là Việt Nam phát triển ngang tầm các quốc gia phát triển của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên thế giới. Tầm nhìn đó phải được cụ thể hóa thông qua xây dựng quy hoạch đô thị đến năm 2050 làm nền tảng cho các kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội quốc gia. Khi xây dựng quy hoạch, cần nghiên cứu tính khả thi trên cơ sở nhận thức và tích hợp các nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội hiện tại và tương lai. Mô hình 5 nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội (tài nguyên, con người, sản phẩm, tài chính và xã hội) và mô hình thành phố thông minh có thể là sự tham chiếu hiệu quả trong quá trình đô thị hóa đất nước.

Cùng với sự nỗ lực vươn lên của doanh nghiệp và người dân, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ đột phá của Chính phủ trong việc phát triển mô hình đô thị mới và xác định tầm nhìn chiến lược quốc gia thông qua việc xây dựng quy hoạch đô thị toàn diện sẽ là động lực và kim chỉ nam hướng tới một đất nước hiện đại vào nửa đầu của thế kỷ 21, góp phần thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc trong thời đại 4.0.

Nguồn: Nhân dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)