Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Tháp sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV

Thứ tư, 18/09/2024 18:11
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng nhận được văn bản số 5887/VPCP-QHĐP ngày 19/8/2024 của Văn phòng Chính phủ về việc trả lời kiến nghị của cử tri trong đó có cử tri tỉnh Đồng Tháp sau kỳ hợp thứ 7, Quốc hội Khóa XV với nội dung kiến nghị: Hiện nay tình trạng khai thác cát quá mức, tốc độ khai thác nhanh không kịp bồi lắng, gây ra rất nhiều hệ lụy cho Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng sạt lở, sụt lún xảy ra nhiều nơi; tình trạng khan hiếm cát phục vụ các công trình dân dụng và các dự án đầu tư công ở các địa phương. Kiến nghị khẩn trương tìm kiếm các nguồn vật liệu thay thế cát sông để san lắp cho công trình, dự án, nhất là đường cao tốc; dành một lượng cát nhất định để phục vụ các công trình dân sinh.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:

Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện một số giải pháp thúc đẩy phát triển vật liệu thay thế cát tự nhiên trong xây dựng trên phạm vi cả nước nói chung và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, cụ thể:

1. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tính toán cân đối cung cầu cát xây dựng; đẩy mạnh việc sử dụng vật liệu thay thế có sẵn tại địa phương; tăng cường sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón để làm vật liệu xây dựng.

2. Ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BXD ngày 30/6/2023 của Bộ Xây dựng về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng, trong đó có cát nghiền, tro xỉ, thạch cao thay thế cát tự nhiên. Rà soát và ban hành các tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 9205:2012 cát nghiền cho bê tông và vữa, TCVN 13754:2023 Tiêu chuẩn cát nhiễm mặn cho bê tông và vữa, TCVN 13946:2024 vật liệu san lấp tái chế từ phế thải phá dỡ công trình, TCVN 13906:2024 xỉ thép làm vật liệu san lấp nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ thay thế cát tự nhiên.

3. Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật đối với vật liệu tái chế từ phế thải phá dỡ công trình và cát biển để làm vật liệu thay thế cát tự nhiên.  

4. Phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất ban hành cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất và sử dụng cát nhân tạo, sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên làm vật liệu san lấp tại các công trình xây dựng.

5. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đánh giá về công nghệ xử lý, hiệu quả kinh tế kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với nguồn cát biển để làm vật liệu phục vụ công trình hạ tầng giao thông trọng điểm nhằm thay thế nguồn vật liệu cát đắp nền đường, giảm tải nhu cầu về cát tự nhiên tại các địa phương; đề xuất giải pháp xây dựng cầu cạn trong xây dựng các tuyến đường cao tốc nhằm chủ động được nguồn nguyên liệu, tiết kiệm tài nguyên đất, cát làm vật liệu đắp nền đường, phù hợp với địa hình, điều kiện của các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

6. Phối hợp với cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư, cơ quan tư vấn, nhà thầu trong việc thực hiện các cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý để đẩy mạnh sử dụng vật liệu thay thế cát đắp nền đường trong công trình giao thông và công trình xây dựng.

Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến của cử tri tỉnh Đồng Tháp và sẽ tiếp tục nghiên cứu, có các giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn trong việc tìm kiếm các nguồn vật liệu thay thế cát sông như cử tri đã đề cập.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 5374/BXD-VLXD.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)