Hướng dẫn áp dụng một số giải pháp tăng cường đảm bảo an toàn cháy theo QCVN 06:2022/BXD và Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD đối với công trình khách sạn La Major-Hotel

Thứ năm, 25/07/2024 16:20
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng vừa có công văn 4220/BXD-KHCN gửi Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nhà số 12 Hà Nội về việc hướng dẫn áp dụng một số giải pháp tăng cường đảm bảo an toàn cháy theo QCVN 06:2022/BXD và Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD đối với công trình khách sạn La Major-Hotel tại số 58-60-62 Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm, Tp. Hà Nội.

1. Về các nội dung liên quan đến yêu cầu về quy cách, cấu tạo của thang bộ trục 2-3/E-F (thang bộ số 01) và trục 2-3/B-C (thang bộ số 02) từ tầng 1 lên tầng 9; thang bộ trục 2-3/B-C (thang bộ số 02) từ tầng hầm lên tầng 1 (như bề rộng bản thang, kích thước chiếu nghỉ, chiếu thang đồng thời là sảnh của thang máy)

Các yêu cầu về quy cách, cấu tạo, vị trí của thang bộ thoát hiểm quy định tại QVCN 06:2022/BXD và Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD nhằm đảm bảo cho người trong công trình có thể di chuyển trong thang bộ thoát hiểm một cách dễ dàng, an toàn và thoát ra khỏi công trình trong trường hợp có cháy xảy ra. Trường hợp các thang chưa đảm bảo khoảng cách phân tán thì phải đảm bảo điều kiện đám cháy và khói không thể phong tỏa được thang trong thời gian con người chưa kịp thoát nạn hoàn toàn ra ngoài.

Thuyết minh luận chứng giải pháp đã có tính toán tại 2.2.1 về chiều rộng lối thoát nạn tối thiểu theo số lượng người tuân thủ G.2.1.1 của QCVN 06:2022/BXD đối với nhà bậc I, II, với định mức 165 người/1m chiều rộng lối thoát nạn  (25/165)*1,5=0,11m (tăng 1,5 lần do thang nhỏ hơn quy định của QCVN 06 là 0,9m); công trình có 02 thang bộ thoát nạn (thang số 01 và thang số 02) với chiều rộng vế thang nhỏ nhất là 0,6 m về cơ bản đảm bảo chiều rộng lối thoát nạn theo tính toán và đủ đảm bảo kích thước để 1 người có thể chạy dễ dàng trong thang bộ (theo lý thuyết cần rộng 600 mm là đủ một người di chuyển). Đã tăng cường hệ thống đèn chiếu sáng sự cố trong không gian buồng thang bộ kết hợp giải pháp tăng áp được cấp điện ưu tiên từ hai nguồn độc lập (một nguồn điện lưới và một nguồn máy phát điện dự phòng) cho buồng thang bộ, bổ sung dây phản quan, mũi tên phản quang chỉ hướng trong bậc thang và có lưu ý về việc cảnh báo an toàn tại các vị trí có cửa mở vào buồng thang. Ngoài ra, tại Phụ lục A của Thuyết minh giải pháp có sử dụng tài liệu chuẩn để tính toán thời gian thoát nạn của toàn bộ người trong nhà qua chỉ 01 thang bộ khi xảy ra cháy. Lưu ý, việc chiếu sáng sự cố trong buồng thang, chủ đầu tư bổ sung: đèn chỉ dẫn tầm thấp và đèn chiếu sáng sự cố sử dụng nguồn điện chính và dự phòng đảm bảo hoạt động liên tục tối thiểu 03 giờ kể từ khi có cháy với độ rọi bảo đảm theo TCVN 13456:2022.

Giải pháp tăng cường và tính toán đã nêu phù hợp với nguyên tắc đảm bảo thoát nạn tại 3.4.1 và 3.4.3 của QCVN 06:2022/BXD và Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD.

2. Về lối thoát nạn tại tầng 1

Thuyết minh luận chứng giải pháp tăng cường tại 2.2.2 đã nêu: việc thoát nạn của người từ tầng 2 trở lên và ở tầng hầm được sử dụng qua 02 thang bộ thoát nạn và có lối ra trực tiếp bên ngoài, không qua sảnh và các khu dịch vụ, phòng kho của tầng 1. Lối thoát nạn tại sảnh tầng 1 chỉ phục vụ cho người trong phạm vi tầng 1 có số lượng tối đa 12 người, coi tầng 1 là một khoang cháy độc lập, được bố trí thoát nạn độc lập so với các tầng/khoang cháy khác, diện tích tầng nhỏ hơn 300 m2, tại khu vực sảnh không bố trí nhiều đồ vật có thể gây cản trở lối đi, các đồ vật làm từ vật liệu không cháy hoặc cháy yếu, có bố trí hệ thống chữa cháy tự động sử dụng đầu phun sprinkler tại khu vực sảnh.

Giải pháp tăng cường đã nêu phù hợp với nguyên tắc đảm bảo số lượng lối ra thoát nạn của tầng nhà tại 3.2.6.2a của Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD.

3. Về khoảng cách phòng cháy chữa cháy

Thuyết minh luận chứng giải pháp tăng cường có nêu giải pháp tại 2.2.3: có trang bị đầu phun chữa cháy Sprinkler tự động tại vị trí các ô cửa sổ mở được, đảm bảo cách mặt trong của tường ngoài 0,5 m, các đầu phun đặt cách nhau không quá 2m nhằm tăng cường khả năng chữa cháy trong trường hợp điểm xuất phát cháy từ các gian phòng và đảm bảo làm mát, ngăn cháy lan đối với các công trình lân cận.

Giải pháp tăng cường đã nêu phù hợp với nguyên tắc chống cháy lan tại 4.34 và Chú thích 4 Bảng E.1 của QCVN 06:2022/BXD và Sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nhà số 12 Hà Nội có thể nghiên cứu, thiết kế đảm bảo các yêu cầu an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với công trình và an toàn cho người. Hồ sơ thiết kế phải được cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy thẩm duyệt theo đúng quy định pháp luật. Trong suốt quá trình khai thác sử dụng, phải thường xuyên kiểm tra, duy tu, sửa chữa các hạng mục PCCC; khai thác sử dụng đúng số người theo thiết kế; cam kết đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác phòng chống cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thực hiện cam kết duy trì nhân viên có chuyên môn thường xuyên trực điều khiển chống cháy để kịp thời xử lý ngay các tình huống khi xảy ra sự cố cháy.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 4220/BXD-KHCN.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)