Điều chỉnh thuế đối với xi măng, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng

Thứ bẩy, 15/06/2024 11:59
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Doanh nghiệp xi măng đang đứng trước những thách thức vô cùng lớn khi sản lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sụt giảm sâu nhất trong lịch sử, nhưng thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng clinker vẫn ở mức 10%…

Dư thừa công suất sản xuất clinker 50 triệu tấn

Sáng 15/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu quan điểm xuyên suốt, các lĩnh vực VLXD, xi măng, sắt thép có vai trò rất quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. Ảnh: TTXVN.

Trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển VLXD, xi măng, sắt thép. Dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của các Bộ, ngành, địa phương, tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, ngành VLXD, xi măng, sắt thép đã có sự phát triển vượt bậc trong 10 năm gần đây.

Tuy nhiên, trong những năm gần đầy, tốc độ đầu tư xây dựng nước ta bị chậm lại, đồng thời tác động của đại dịch COVID-19, xung đột quân sự Nga - Ucraina, Israel - Palestine, đã ảnh hưởng đến ngành VLXD, xi măng, sắt thép, gây khó khăn về sản xuất, tiêu thụ chậm, dẫn đến nguy cơ tác động đến nền kinh tế và sự nghiệp xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cùng tập trung đánh giá tình hình sản xuất, tiêu thụ VLXD, xi măng, sắt thép thời gian qua; nhận diện khó khăn, thách thức; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháo gỡ, nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ ổn định trong thời gian tới.

Trong đó, tập trung thảo luận và trả lời cho câu hỏi: Vì sao tình hình tiêu thụ VLXD, xi măng, sắt thép từ năm 2023 đến nay lại sụt giảm lớn, chưa đạt mục tiêu đề ra? Nhận diện các khó khăn, vướng mắc về sản xuất, tiêu thụ trong nước, xuất khẩu, tài chính…

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh báo cáo tại hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, từ năm 2023 đến nay, sản xuất clinker và xi măng sụt giảm lớn. Tổng sản lượng sản xuất năm 2023 chỉ đạt 92,9 triệu tấn, tương ứng 75% tổng công suất thiết kế (CSTK). Trong năm 2023, có 42 dây chuyền dừng hoạt động 1 - 6 tháng, một số dây chuyển dừng cả năm (khoảng 30% CSTK).

Ước tính đến hết tháng 6/2024, tổng sản lượng sản xuất clinker và xi măng toàn quốc đạt khoảng 44 triệu tấn xi măng, tương đương cùng kỳ năm 2023 và dự kiến chỉ đạt khoảng 70 - 75% tổng công suất thiết kế. Tồn kho lũy kế khoảng 5 triệu tấn xi măng và clinker, dư thừa công suất sản xuất clinker trong nước khoảng 50 triệu tấn.

Năm 2022, lượng clinker xuất khẩu sụt giảm lớn, tổng lượng clinker xuất khẩu cả năm 2022 chỉ đạt 15,2 triệu tấn (bằng 52,9% năm 2021) và tiếp tục sụt giảm xuống 10,9 triệu tấn năm 2023 (bằng 71,7% năm 2022).

Năm 2023, tiêu thụ clinker và xi măng cũng đều sụt giảm. Tổng sản lượng tiêu thụ năm năm 2023 đạt 87,8 triệu tấn, bằng 88% so với năm 2022.

Dự kiến, đến hết tháng 6/2024, tổng sản lượng tiêu thụ clinker và xi măng đạt khoảng 44 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm 2023. Năm 2023, tiêu thụ xi măng trong nước chỉ đạt 56,6 triệu tấn (bằng 83,5% năm 2022), đây là mức sụt giảm lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực xi măng.

Ước tính đến hết 6 tháng đầu năm 2024, lượng clinker xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng 5,4 triệu tấn, gần bằng cùng kỳ năm 2023.

Trong khi đó, chi phí nhiên liệu than chiếm tỷ trọng đến 50% chi phí sản xuất clinker nhưng nguồn cung rất khan hiếm, giá bán than tăng cao. Năm 2022 - 2023, giá than trong nước tăng 03 lần, tăng khoảng 40 - 45% so với thời điểm tháng 12/2021. Giá than tăng dẫn đến làm tăng chi phí sản xuất là clinker và xi măng thêm khoảng 11%.

Giá bán lẻ điện bình quân tăng 7,5% trong năm 2023, làm tăng chi phí sản xuất các sản phẩm xi măng thêm khoảng 1%.

Các nguyên liệu chính (đá vôi, đất sét) gặp khó khăn vì thủ tục cấp phép khi nâng công suất khai thác các mỏ nguyên liệu để bảo đảm sản xuất. Nguồn cung các nguyên liệu phụ gia trong sản xuất clinker (đất giàu silic, đất giàu sắt, đất giàu nhôm…) khan hiếm, giá thành cao.

Cùng với đó là những thách thức, sức ép về bảo vệ môi trường, BĐKH, thực hiện cam kết giảm phát thải tại COP26, buộc các nhà sản xuất xi măng phải đầu tư xử lý khí thải, giảm thiểu CO2 làm tăng chi phí sản xuất…

Nguy cơ nợ xấu trở thành gánh nặng của nền kinh tế

Có thể thấy, áp lực về dư thừa công suất sản xuất clinker trong nước khoảng 50 triệu tấn, trong khi tốc độ tiêu thụ rất chậm, dẫn đến khó khăn rất lớn đối với doanh nghiệp xi măng. Do đó, áp lực nợ xấu của lĩnh vực xi măng đang và sẽ trở thành gánh nặng đối với nền kinh tế nếu không có giải pháp kịp thời hỗ trợ của nhà nước, nhiều doanh nghiệp xi măng có nguy cơ phá sản.

Bởi hiện nay, tổng số dây chuyền sản xuất xi măng đã đầu tư trên toàn quốc là 92 dây chuyền, với tổng công suất 122,34 triệu tấn/năm. Tổng mức đầu tư xây dựng ước tính theo giá trị hiện nay lên đến 500.000 tỷ đồng, (tương đương 20 tỷ USD). Đáng chú ý, ước tính nguồn tài chính từ các ngân hàng trong nước và vốn nhà nước chiếm đến 75%, khoảng 14 tỷ USD.

Ảnh minh họa: Internet

Theo tính toán của một chuyên gia, với mức huy động vốn đầu tư cho các nhà máy xi măng từ ngân hàng khoảng 14 tỷ USD, nếu không trả được nợ, doanh nghiệp xi măng sẽ bị siết nợ và sẽ phải đối mặt với áp lực bán siết nợ với giá rẻ cho đối tác nước ngoài, khi mà nền kinh tế và các nhà đầu tư trong nước đã cạn kiệt dòng tiền…

Để giảm bớt khó khăn, gánh nặng cho các doanh nghiệp xi măng, tại Hội nghị, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng chính phủ và Bộ Tài chính điều chỉnh chính sách thuế để bảo đảm tính cạnh tranh với các nước cùng xuất khẩu, việc điều chỉnh này cũng đồng thời phù hợp với Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) về việc không đánh thuế xuất khẩu hàng hoá.

Trong đó, đề xuất sửa đổi Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan tại mục 211, Phụ lục 1, để điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng clinker xi măng (mã HS:2523) hiện đang ở mức 10% về mức 0%. Vì đây là sản phẩm vật liệu chế biến sâu, thay đổi hoàn toàn tính chất vật lý và hóa học của nguyên liệu. Đây là giải pháp cần áp dụng ngay để giảm áp lực dư thừa công suất sản xuất clinker xi măng trong nước.

Bên cạnh đó, cũng cần sửa đổi quy định trong Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) theo hướng clinker không thuộc đối tượng của “khoản 23 Điều 5. Đối tượng không chịu thuế” để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào khi xuất khẩu sản phẩm.

Bộ Xây dựng cũng đồng thời cho biết, Luật Quy hoạch năm 2017 đã bãi bỏ các Quy hoạch sản phẩm, trong đó có sản phẩm xi măng. Từ đó, việc đầu tư các dự án sản xuất xi măng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Trong khi đó, tình hình dư thừa công suất sản xuất xi măng trên toàn quốc có hiện tượng tăng cao, dẫn đến khó kiểm soát tình hình cung cầu xi măng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Vì vậy, Bộ Xây dựng cũng đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng, Bộ KH&ĐT tổng kết, đánh giá thực tiễn, để bổ sung Quy hoạch lĩnh vực xi măng vào Danh sách các Quy hoạch ngành quốc gia trong Luật Quy hoạch.

Nguồn: Tapchixaydung.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)