Bộ Xây dựng góp ý kiến đối với hồ sơ điều chỉnh Dự án đầu tư Nhà máy nhiệt điệt Quảng Trạch II

Thứ hai, 03/06/2024 16:49
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng nhận được Văn bản số 353/UBND-KT ngày 01/3/2024, Văn bản số 777/UBND-KT ngày 03/5/2024 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc góp ý kiến đối với hồ sơ điều chỉnh Dự án đầu tư Nhà máy nhiệt điệt Quảng Trạch II của Tập đoàn Điện lực Việt Nam gửi kèm Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (điều chỉnh) Dự án đầu tư Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch II do Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 lập tháng 2/2024.

Sau khi nghiên cứu, theo thẩm quyền quản lý nhà nước được giao, Bộ Xây dựng đã có công văn 3306/BXD-HĐXD có ý kiến như sau:

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 thì Dự án đầu tư Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch II được phê duyệt với quy mô 1.500MW, sử dụng khí LNG, dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2021 - 2030.

Dự án đầu tư Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch II được đề xuất đầu tư xây dựng tại Trung tâm Điện lực Quảng Trạch thuộc thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 18/02/2021, theo đó Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch II có quy mô 1.200MW, áp dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống. Đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) căn cứ các quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật khác có liên quan để trình các cơ quan có thẩm quyền thực hiện thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư điều chỉnh theo đúng quy định.

Bộ Xây dựng có ý kiến góp ý kiến về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng như sau:

1. Thuyết minh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng (điều chỉnh) Dự án đầu tư Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch II cần rà soát để cập nhật, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn thay thế các quy chuẩn, tiêu chuẩn đã hết hiệu lực. Việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn xây dựng cần đảm bảo tính đồng bộ, tính khả thi của hệ thống tiêu chuẩn được áp dụng; tuân thủ quy định tại Điều 6 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, Điều 8 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng; cần hoàn chỉnh các nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường của dự án đảm bảo các quy định tại khoản 11 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

2. Thiết kế sơ bộ của Dự án cần được rà soát, cập nhật đảm bảo các quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

3. Việc phân cấp các công trình của dự án cần thực hiện theo quy định tại Thông tư số 06/2021/TT-BXD ngày 30/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng.

4. Về quản lý chi phí đầu tư xây dựng

4.1. Nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại Điều 33 Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 không có yêu cầu thẩm định sơ bộ tổng mức đầu tư; sơ bộ tổng mức đầu tư điều chỉnh của Dự án được Chủ đầu tư và đơn vị tư vấn xác định theo quy định của Nghị định số 10/2021/NĐ-CP, các Thông tư hướng dẫn (Thông tư số 11/2021/TT-BXD, 12/2021/TT-BXD, 13/2021/TT-BXD). Vì vậy, các ý kiến góp ý sau đây được căn cứ theo hồ sơ kèm theo Văn bản số 353/UBND-KT ngày 01/3/2024, quy định của Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn, cụ thể như sau:

4.1.1. Về phương pháp xác định Sơ bộ tổng mức đầu tư điều chỉnh

Theo nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh và các tài liệu kèm theo văn bản số 353/UBND-KT ngày 01/3/2024 của UBND tỉnh Quảng Bình, sơ bộ tổng mức đầu tư điều chỉnh được xác định theo phương pháp kết hợp giữa phương pháp xác định từ dữ liệu chi phí của các dự án tương tự và phương pháp xác định tư khối lượng nhóm, loại công tác xây dựng, đơn vị kết cấu, bộ phận công trình tính theo thiết kế sơ bộ và giá xây dựng tổng hợp tương ứng theo hướng dẫn tại mục I.1.2.2, I.1.2.3 và I.1.3.3 Phụ lục I Thông tư số 11/2021/TT-BXD.

4.1.2. Về các thành phần chi phí trong Sơ bộ tổng mức đầu tư điều chỉnh

Sơ bộ tổng mức đầu tư điều chỉnh gồm 6 khoản mục chi phí (chi phí xây dựng và chi phí thiết bị; chi phí quản lý dự án; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng; chi phí khác; chi phí dự phòng) theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP.

4.1.3. Về nội dung các khoản mục chi phí

a) Chi phí xây dựng và chi phí thiết bị

Chi phí thiết bị và chi phí xây dựng được xác định theo phương pháp nêu tại Mục 4.1.1 Văn bản này, có đánh giá mức độ tương đồng về quy mô, công suất theo hướng dẫn tại mục I.1.2.3 và I.1.3.3 Phụ lục I Thông tư số 11/2021/TT-BXD để xác định chi phí xây dựng và chi phí thiết bị cho công trình Nhà máy chính và cảng LNG, bồn LNG và hệ thống tái hóa khí. Tuy nhiên, hồ sơ chưa có phân tích, tính toán, quy đổi dữ liệu chi phí về thời điểm lập sơ bộ tổng mức đầu tư điều chỉnh; đồng thời hồ sơ thiết kế sơ bộ chưa đủ mức độ chi tiết để xác định khối lượng một số công việc. Do vậy, dự án cần rà soát một số nội dung sau:

- Nghiên cứu, xem xét tính toán quy đổi về thời điểm lập sơ bộ tổng mức đầu tư điều chỉnh đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí.

- Kiểm soát chặt chẽ việc tính toán xác định khối lượng, đảm bảo phù hợp với hồ sơ thiết kế sơ bộ điều chỉnh, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh, quy định pháp luật, tránh trùng lặp, thất thoát, lãng phí.

b) Chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác: Được ước tính là 15% của tổng chi phí xây dựng và chi phí thiết bị bằng mức tỷ lệ theo hướng dẫn tại mục I.1.4 Phụ lục I Thông tư số 11/2021/TT-BXD. EVN có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ các chi phí này trong các giai đoạn tiếp theo.

c) Chi phí dự phòng trong sơ bộ tổng mức đầu tư điều chỉnh gồm:

- Dự phòng cho khối lượng, công việc phát sinh được xác định theo mức tối đa quy định tại mục 2.5 Phụ lục I Thông tư số 11/2021/TT-BXD.

- Dự phòng cho yếu tố trượt giá được đơn vị tư vấn phân tách tính toán cho phần giá trị tính bằng đồng tiền Việt Nam và phần giá trị tính bằng tiền ngoại tệ. Tuy nhiên, hồ sơ không thể hiện phần dự kiến chi phí nước ngoài phải sử dụng bằng tiền ngoại tệ tại thị trường nào, mà chỉ xác định chi phí dự phòng trượt giá theo số liệu của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu EVN đánh giá, dự kiến nhu cầu đối với phần chi phí nước ngoài, trên cơ sở đó xác định chi phí dự phòng cho phù hợp, trong đó cần lưu ý đến rủi ro do biến động về tỷ giá ngoại tệ.

Đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu EVN căn cứ vào điều kiện cụ thể của Dự án, mức độ biến động giá thị trường, thời gian thực hiện dự án và hướng dẫn tại mục 2.5 Phụ lục I Thông tư số 11/2021/TT-BXD để xác định chi phí dự phòng cho phù hợp, đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, dự phòng được các yếu tố biến động của thị trường và tiết kiệm chi phí đầu tư.

4.1.4. Ý kiến khác

- Theo hồ sơ trình, sơ bộ tổng mức đầu tư điều chỉnh có tính bổ sung chi phí các hạng mục dùng chung thuộc dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I được phân bổ một phần vào dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch II, trong quá trình triển khai thực hiện, UBND tỉnh Quảng Bình cần yêu cầu EVN có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ các chi phí này đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí; đảm bảo không trùng lặp nội dung công việc, chi phí; đồng thời kiểm soát chặt chẽ nội dung, mục tiêu đầu tư, phương án thiết kế, giải pháp đầu tư đảm bảo mức chi phí đầu tư có sự tương đồng với các dự án Nhà máy nhiệt điện tương tự đã triển khai (có so sánh, đánh giá với suất vốn đầu tư của các dự án tương tự).

- Đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình có ý kiến để trong giai đoạn tiếp theo, EVN xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, tổng thể nội dung, quy mô đầu tư của Dự án, đảm bảo đúng, đủ nội dung theo thuyết minh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh; nghiên cứu, đưa ra lựa chọn tối ưu về phương án kỹ thuật, giải pháp thiết kế, biện pháp thi công, …; chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát các chi phí trong tổng mức đầu tư của dự án theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan đảm bảo tiết kiệm vốn đầu tư, giá thành giảm, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, tránh thất thoát lãng phí.

- Trong quá trình triển khai thực hiện, đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu EVN và các đơn vị tư vấn có trách nhiệm rà soát giá các vật tư, vật liệu, thiết bị, tỷ giá ngoại tệ làm cơ sở quyết định mức giá/đơn giá theo hướng dẫn tại tại mục 1 và mục 3 Phụ lục kèm theo Thông tư số 14/2023/TT-BXD (sửa đổi, bổ sung mục 2.1 Mục 1 Phụ lục II và mục 1.2.1.1 Phụ lục IV Thông tư số 11/2021/TT-BXD).

5. Việc sử dụng đất của Dự án cần tuân thủ các quy định của Luật Đất đai, đảm bảo các quy định tại Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

6. Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng (điều chỉnh) Dự án đầu tư Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch II cần được rà soát, hoàn chỉnh đảm bảo nội dung đã được quy định tại khoản 10 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án, các chủ thể tham gia Dự án cần đảm bảo các yêu cầu về an ninh, quốc phòng; tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Đầu tư, Luật Điện lực, Luật Xây dựng và quy định của pháp luật khác có liên quan.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 3306/BXD-HĐXD.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)