Hướng dẫn triển khai dự án Nhà hát Hồ Gươm

Thứ hai, 23/08/2021 17:40
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng nhận được văn bản số 2331/BCA-H07 ngày 14/7/2021 của Bộ Công an về việc đề nghị hướng dẫn triển khai dự án Nhà hát Hồ Gươm.

Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng đã có công văn 3375/BXD-HĐXD ngày 23/8/2021 có ý kiến trả lời như sau:

1. Về việc lựa chọn phương án thiết kế 02 bước hoặc thiết kế 03 bước, những thuận lợi, khó khăn và phương án tối ưu để rút ngắn thời gian khi áp dụng một trong hai phương án trên. Hướng dẫn phương pháp lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công; trình tự thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán để có thể sớm triển khai thi công phần ngầm trước, phần thân và phần hoàn thiện.

Việc lựa chọn thiết kế theo thiết kế 02 bước hoặc 03 bước do người quyết định đầu tư quyết định khi phê duyệt dự án theo quy định tại khoản 3 Điều 78 Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 23 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14, trên cơ sở xem xét yêu cầu cụ thể về kỹ thuật, công nghệ, việc tổ chức thực hiện thi công xây dựng.

Các nội dung về thiết kế xây dựng được quy định tại Mục 2 (Điều 31 đến Điều 34); trình tự, thẩm quyền, nội dung thẩm định, phê duyệt được quy định tại Mục 3 (Điều 35 đến Điều 40) Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Khoản 4 Điều 78 Luật Xây dựng quy định: “Thiết kế bản vẽ thi công do tổ chức tư vấn thiết kế hoặc nhà thầu thi công xây dựng lập cho toàn bộ công trình hoặc từng  hạng mục công trình hoặc từng giai đoạn thi công công trình theo yêu cầu của chủ đầu tư.”

Theo quy định tại khoản 6 Điều 35 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng: “Việc thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được thực hiện với toàn bộ các công trình hoặc từng công trình của dự án hoặc bộ phận công trình theo giai đoạn thi công công trình theo yêu cầu của chủ đầu tư nhưng phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ về nội dung, cơ sở tính toán trong các kết quả thẩm định”.

Căn cứ các quy định nêu trên, để rút ngắn thời gian thực hiện dự án, đẩy nhanh bước triển khai thi công công trình, Bộ Công an có thể xem xét triển khai dự án Nhà hát Hồ Gươm theo thiết kế 3 bước: (1) lập thiết kế cơ sở toàn bộ công trình cùng báo cáo nghiên cứu khả thi, trình thẩm định, phê duyệt dự án; (2) lập thiết kế kỹ thuật (bao gồm dự toán xây dựng) theo phần ngầm, phần thân và hoàn thiện, trình thẩm định, phê duyệt theo từng phần, làm cơ sở để lựa chọn nhà thầu/ tổng thầu thi công xây dựng; (3) lập thiết kế bản vẽ thi công (có thể giao nhà thầu tư vấn thiết kế hoặc nhà thầu thi công xây dựng) làm cơ sở để thi công xây dựng công trình, việc triển khai thiết kế bản vẽ thi công được thực hiện từng phần theo tiến độ thi công của dự án.

Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Công an yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế, Ban quản lý dự án hoặc đơn vị được giao chuẩn bị đầu tư nghiên cứu, cân nhắc các vấn đề về kỹ thuật, chi phí, tiến độ thực hiện dự án để lựa chọn giải pháp tối ưu.

2. Hướng dẫn lựa chọn hình thức tổng thầu đối với dự án.

Hợp đồng mua sắm vật tư, thiết bị và thi công xây dựng công trình (PC) và hợp đồng thiết kế - mua sắm vật tư, thiết bị - thi công xây dựng công trình (EPC) được quy định tại điểm e, g khoản 1 Điều 3 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2021 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 50/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng.

Việc quản lý hợp đồng PC, EPC tuân thủ theo các quy định tại Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, Nghị định số 50/2021/NĐ-CP nêu trên.

Việc lựa chọn nhà thầu thực hiện hợp đồng PC, EPC thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Trường hợp lựa chọn thực hiện theo hình thức EPC, Bộ Công an cần xem xét kỹ lưỡng để khẳng định sự cần thiết áp dụng hình thức này theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 1 Nghị định số 50/2021/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 1 Điều 3 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP): “Hợp đồng EPC được ưu tiên áp dụng đối với dự án phức tạp, có yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao và phải tuân thủ chặt chẽ tính đồng bộ, thống nhất từ khâu thiết kế đến khâu cung cấp thiết bị, thi công, đào tạo chuyển giao công nghệ. Trước khi quyết định áp dụng loại hợp đồng EPC, người quyết định đầu tư có trách nhiệm tổ chức đánh giá các yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ, rút ngắn thời gian thực hiện của dự án, tính đồng bộ từ khâu thiết kế, cung cấp thiết bị, thi công xây dựng công trình đến khâu đào tạo vận hành, chuyển giao công trình để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của dự án được phê duyệt và đảm bảo tính khả thi của việc áp dụng hợp đồng EPC so với các loại hợp đồng khác”.

Việc tổ chức thực hiện theo hình thức hợp đồng PC có thể sẽ chủ động và linh hoạt hơn cho Chủ đầu tư trong việc gối đầu các công việc thẩm định (từng phần) thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, tổ chức lựa chọn nhà thầu trên cơ sở dự toán xây dựng đi cùng với thiết kế kỹ thuật được thẩm định như đã nêu tại mục 1.

Từ các phân tích nêu trên, Bộ Công an cần xem xét, đánh giá tổng thể về ưu, nhược điểm, thuận lợi, khó khăn; về hiệu quả mang lại để quyết định áp dụng hình thức thực hiện hợp đồng cho dự án Nhà hát Hồ Gươm.

Nội dung chi tiết xem tệp đính kèm:
BXD_3375-BXD-HDXD_23082021.pdf
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 3375/BXD-HĐXD.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)