Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Thứ sáu, 28/08/2020 17:51
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 288/BDN ngày 24/7/2020 với nội dung kiến nghị: “Cử tri tiếp tục phản ánh công tác quản lý trật tự xây dựng, hiện nay tại nhiều địa phương bộc lộ điểm yếu, bất cập dẫn đến nhiều công trình xây dựng không phép, sai phép gần hoàn thiện mới được phát hiện, dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý. Cử tri đề nghị có biện pháp mạnh để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm, tránh tình trạng “việc đã rồi”..

Về nội dung này, Bộ Xây dựng đã có công văn 4220/BXD-TTr trả lời như sau:

Trong thời gian vừa qua, công tác quản lý trật tự xây dựng đã từng bước đi vào nền nếp, tinh thần, trách nhiệm, ý thức công vụ của cán bộ, công chức cũng như ý thức của người dân đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tại một số địa phương tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng còn diễn biến phức tạp, chưa được xử lý nghiêm túc, thiếu kiên quyết, dứt điểm, còn xảy ra tình trạng như cử tri đã phản ánh.

Để xử lý nghiêm vi phạm, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong cả nước thực thi nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, cụ thể:

Ngày 27/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở, trong đó quy định đối với hành vi vi phạm về trật tự xây dựng có thể bị phạt tiền đến 60 triệu đồng; trường hợp hành vi vi phạm đã bị xử phạt theo quy định mà tái phạm thì có thể bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng đối với dự án đầu tư xây dựng và bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm.

Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật tạo hành lang pháp lý, đáp ứng được yêu cầu của quản lý, đề xuất bổ sung các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính góp phần kiểm soát và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước nói chung và trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, trật tự xây dựng nói riêng.

Trước tình hình, yêu cầu của công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị, phát huy quyền tự chủ, chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, ngày 22/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg về việc thí điểm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại TP. Hà Nội. Những kết quả đạt được trong công tác quản lý trật tự xây dựng qua sơ kết 18 tháng thực hiện mô hình thí điểm cho thấy mô hình tổ chức trên là phù hợp, hoạt động có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn quản lý trật tự đô thị hiện nay.

Mô hình của Thành phố Hà Nội bước đầu đã phát huy hiệu quả, ngày 22/9/2019, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương xây dựng đề án thí điểm mô hình Đội quản lý trật tự xây dựng thuộc UBND quận, huyện tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Ngày 01/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc tăng cường chấn chỉnh trong công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, trong đó nhấn mạnh Công tác quản lý, kiểm soát thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng phát triển đô thị hiện nay là nhiệm vụ cấp thiết của xã hội, của các cấp ủy đảng và của chính quyền địa phương các cấp”. Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác lập, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động đầu tư xây dựng. Xử lý nghiêm, kịp thời, dứt điểm các vi phạm tại địa phương”.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng, các bộ, ngành và các địa phương sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp sau:

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, khắc phục những hạn chế bất cập trong thực tiễn. Trên cơ sở Luật Xây dựng sửa đổi, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, xây dựng dự thảo các Nghị định hướng dẫn, trong đó có nội dung điều chỉnh theo hướng tăng cường kiểm soát trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng; nâng cao chế tài xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, không chồng chéo, tập trung thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch, cấp phép, quản lý theo quy hoạch, giấy phép được cấp, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Qua thanh tra phân tích, đánh giá tình hình xử lý vi phạm, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo quy định.

- Tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp, cán bộ được giao quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn trong công tác kiểm tra, giám sát các công trình ngay từ giai đoạn khởi công đến khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức có thẩm quyền để xảy ra vi phạm mà không xử lý, xử lý không kịp thời, không triệt để hoặc có hành vi dung túng, bao che cho hành vi vi phạm.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 4220/BXD-TTr.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)