Đánh giá sắp xếp năng lực nhà thầu xây dựng Việt Nam

Thứ tư, 21/11/2012 07:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đây cũng là chủ đề chính của hội thảo do Bộ Xây dựng và Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đồng tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 20/11.

Chủ tịch VACC Vũ Khoa cho biết: Đánh giá năng lực nhà thầu trong hoạt động xây dựng và công bố để minh bạch khi tham gia lựa chọn nhà thầu là cách mà nhiều nước trên thế giới và khu vực đang làm. Điều này giúp các dự án tìm được đúng nhà thầu có năng lực phù hợp, tránh được tình trạng “thông thầu” hay làm “hồ sơ đẹp” đang diễn ra khá phổ biến.

Theo Tổng thư ký VACC Dương Văn Cận, phải xác định năng lực cạnh tranh là cơ sở để lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng. Đó là khả năng tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Muốn vậy, doanh nghiệp phải thường xuyên đầu tư, nâng cao năng lực quản lý, xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp, duy trì vị thế, uy tín và thương hiệu. Đánh giá năng lực cạnh tranh là để các nhà thầu tự nhìn nhận về khả năng, vị trí của mình trên thị trường. Từ đó, tạo ra động lực thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động xây dựng chiến lược phát triển đúng đắn, bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế; vươn lên tăng khả năng cạnh tranh đấu thầu trên thị trường xây dựng trong nước và quốc tế. Ông Cận cho rằng cần bổ sung chế tài về công bố công khai năng lực nhà thầu trong hoạt động xây dựng vào Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn dưới Luật. Trước mắt, Bộ Xây dựng hoặc Liên Bộ Xây dựng – Kế hoạch và Đầu tư nên ban hành Thông tư hướng dẫn tổ chức thực hiện và quản lý cho công tác này.

Đại diện đến từ TCT Vinaconex chia sẻ: Hiện nay, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu không đề cập tới việc nhà thầu đang thi công cùng lúc nhiều gói thầu. Do đó, nhiều Nhà thầu được phê duyệt nhưng quá trình triển khai đã thể hiện năng lực yếu về tài chính, kinh nghiệm, nhân sự mà một trong những nguyên nhân là do đang thực hiện quá nhiều gói thầu cùng một lúc.

Cùng chung quan điểm, đại diện Công ty Coteccon kiến nghị: Năng lực tài chính của doanh nghiệp đã niêm yết nên được đánh giá qua khả năng huy động vốn qua cách kênh khác nhau (thị trường chứng khoán, trái phiếu, bảo lãnh ngân hàng ...) chứ không chỉ dựa trên vốn điều lệ, tổng tài sản, hệ số khả năng trả nợ ngắn hạn... Trên thực tế, hiện một số nhà thầu xây dựng không tiếp cận được các dự án lớn có vốn ngân sách, dù hoàn toàn có đủ năng lực thực hiện cũng như đã từng thực hiện các dự án có vốn đầu tư khác có quy mô tương đương, vì không đáp ứng được tiêu chí về vốn điều lệ. Bên cạnh đó, các nhà thầu đang bị chủ đầu tư nợ những khoản tiền chậm thanh toán rất lớn nên việc yêu cầu nhà thầu đảm bảo hệ số khả năng trả nợ ngắn hạn có thể dẫn tới nghịch lý càng thi công nhiều càng khó đáp ứng hệ số trả nợ ngắn hạn.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh khẳng định: Đánh giá năng lực nhà thầu sẽ giúp thị trường xây dựng Việt Nam phát triển lành mạnh, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế. Hiện Bộ Xây dựng đã đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật Xây dựng 2003 cho phù hợp với thực tế hoạt động. Trước mắt, năm 2012, đang tiến hành bổ sung sửa đổi Nghị định 12, Nghị định 83 của CP về đầu tư xây dựng công trình theo đó có nội dung sửa đổi về năng lực các nhà thầu, sắp xếp tổ chức hoạt động xây dựng... Bộ cũng đang tổ chức nghiên cứu dự án điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng khả năng cạnh tranh các doanh nghiệp hoạt động xây dựng. Trên cơ sở đó đề xuất các chỉ tiêu và phương pháp đánh giá năng lực cạnh tranh làm cơ sở dể công bố xếp hạng năng lực cạnh tranh. Đây là phương pháp tốt để làm căn cứ đánh giá, xếp hạng năng lực nhà thầu.

Theo : Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)