Vướng mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị định số 23/2009/NĐ-CP của Chính phủ đối với Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh

Thứ ba, 20/03/2012 17:47
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 19/3, Bộ Xây dựng đã có công văn 398/BXD-TTr gửi Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh về vướng mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị định số 23/2009/NĐ-CP của Chính phủnhư sau:

1. Về nguyên tắc, chỉ những hành vi vi phạm hành chính được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ quy định cụ thể trong Luật, Pháp lệnh, Nghị định mới bị xử phạt. Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 24/2009/TT-BXD (gọi tắt là Thông tư số 24) là căn cứ để xác định những trường hợp bị coi là xây dựng sai phép và bị xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 23/2009/NĐ-CP. Vì vậy, mặc dù việc chủ đầu tư xây lấp ô thông tầng, làm tăng diện tích sàn xây dựng tầng hai (đối với nhà ở riêng lẻ trong đô thị và công trình xây dựng dân dụng – công nghiệp có giấy phép xây dựng) là không đúng với bản vẽ thiết kế nhưng không được quy định là một trong những trường hợp xây dựng sai phép thì không xử phạt đối với hành vi xây dựng sai phép.

2. Việc lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư, nhà thầu thi công có hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 4 Điều 11 và khoản 4 Điều 25 Nghị định số 23/2009/NĐ-CP phải được tiến hành ngay khi hành vi vi phạm được phát hiện.

Mặc dù Chánh Thanh tra Sở Xây dựng có thẩm quyền “tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng” theo quy định tại khoản 2 Điều 57 Nghị định số 23/2009/NĐ-CP, nhưng đối với hành vi vi phạm cụ thể nêu trên Nghị định số 23/2009/NĐ-CP không quy định áp dụng biện pháp “tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng”, mà chỉ quy định áp dụng biện pháp “buộc khắc phục hậu quả” do hành vi vi phạm gây ra (khoản 8 Điều 11, khoản 8 Điều 25). Do vậy, nếu áp dụng biện pháp tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng trong trường hợp này là trái với quy định của pháp luật.

3. Quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư số 24 mà Công văn số 16/BXD-TTr ngày 09/12/2010 của Bộ Xây dựng gửi Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đã trích dẫn chỉ áp dụng đối với trường hợp là nhà ở riêng lẻ, vì vậy, không áp dụng cho các trường hợp khác như văn phòng, khách sạn, kho xưởng…

Đối với những trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp tại những nơi đã có quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500, có thiết kế đô thị được duyệt, việc xử phạt phải đạt được mục tiêu là đảm bảo quy hoạch xây dựng và mỹ quan đô thị, xử lý kiên quyết, dứt điểm: yêu cầu chủ nhà buộc phải thực hiện đúng giấy phép xây dựng, trường hợp không thực hiện, phải tổ chức cưỡng chế thi hành để đảm bảo trật tự xây dựng và kỷ cương của pháp luật.

4. Việc xử phạt đối với hành vi thi công xây dựng gây lún, nứt, gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận chỉ áp dụng khi việc xây dựng có “vi phạm quy định về xây dựng” hoặc “vi phạm công tác quản lý chất lượng công trình”. Tuy nhiên, trên thực tế xảy ra một số trường hợp như phản ánh của Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh. Bộ Xây dựng sẽ xem xét, cân nhắc để có những điều chỉnh phù hợp trong Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định số 23/2009/NĐ-CP để trình Chính phủ ký ban hành trong năm 2012.

5. Việc lập biên bản vi phạm hành chính làm căn cứ để xử phạt nhà thầu thi công xây dựng công trình theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 25 Nghị định số 23/2009/NĐ-CP được hiểu là chỉ xử phạt nhà thầu khi công trình đó đã bị lập biên bản vi phạm hành chính và ngừng thi công xây dựng mà nhà thầu vẫn tiếp tục thi công xây dựng.

6. Việc xử phạt cả chủ đầu tư và nhà thầu đối với hành vi thi công xây dựng không che chắn để rơi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc giám sát, kiểm tra hoạt động của nhà thầu thi công. Đối với những trường hợp chủ đầu tư đồng thời là cá nhân tự thi công thì chỉ xử phạt một lần đối với cùng một hành vi vi phạm.

7. Đối với những công trình sửa chữa mà theo quy định của pháp luật không phải xin cấp giấy phép xây dựng thì không xử phạt đối với hành vi xây dựng không phép.

8. Đối với công trình xây dựng vi phạm tiêu chuẩn xây dựng, quy chuẩn xây dựng thì xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều 14 đối với hành vi thi công xây dựng công trình sai quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn xây dựng được quy định trong hồ sơ thiết kế được duyệt.

9. Đối với một số hành vi vi phạm chưa được quy định tại Nghị định số 23/2009/NĐ-CP mà trên thực tế phát sinh, cần phải được xử lý như kiến nghị tại Mục III của Công văn số 8862/SXD-TT và một số hành vi khác như nhà thầu thi công có phương tiện che chắn nhưng vẫn để rơi vãi vật liệu xuống khu vực xung quanh, chủ đầu tư tự phân chia thành nhiều nhà nhỏ trên một giấy phép xây dựng để tách cho nhiều hộ sử dụng, Bộ Xây dựng sẽ xem xét, có những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp trong dự thảo Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định số 23/2009/NĐCP.

10. Đối với đề xuất tăng thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện, Bộ Xây dựng đã nhiều lần có văn bản đề nghị cũng như góp ý kiến trực tiếp vào dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Hiện nay dự thảo Luật đang được lấy ý kiến để chuẩn bị trình Quốc hội trong kỳ họp tới. Trong thời gian Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa được ban hành, cần tiếp tục thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 398/BXD-TTr.
 

Tài liệu đính kèm bài viết
Cong van 398 BXD-TTr 19-3-2012.docTải về
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)