1. Báo cáo quy hoạch phát triển VLXD tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đảm bảo được đầy đủ những nội dung yêu cầu của một báo cáo quy hoạch;
Bố cục hợp lý, trình bày mạch lạc, ngắn gọn, dễ hiểu. Số liệu về hiện trạng và dự báo phát triển kinh tế - xã hội; hiện trạng sản xuất VLXD được thu thập khá đầy đủ và phong phú, có độ tin cậy, có thể làm cơ sở cho việc đánh giá những nguồn lực cho sự phát triển cũng như dự báo nhu cầu VLXD tỉnh Bắc Giang trong những giai đoạn tiếp theo;
Các mục tiêu quan điểm phát triển, phương án quy hoạch đối với từng chủng loại sản phẩm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh và phù hợp với các quy hoạch khác trong cả nước và quy hoạch ngành của tỉnh.
2. Sản lượng gạch, ngói nung của tỉnh rất lớn, hơn 1,2 tỷ viên/năm (trong đó sản lượng của lò tuynen chỉ chiếm 1/3); đồng thời số lượng các cơ sở sản xuất gạch, ngói rất lớn chủ yếu là lò nung thủ công và công nghệ khác (2.390 lò). Trong khi đó nguồn sét gạch ngói tuy có nhiều (được thống kê ở bảng 2) song hầu như tất cả các nhà máy gạch tuynen lại sử dụng nguồn nguyên liệu mua từ đất bãi sông, đất tận dụng đào ao hồ, kênh mương, hạ cốt ruộng. Với công suất sản xuất gạch rất lớn như ở Bắc Giang mà nguồn nguyên liệu như vậy thì không thể phát triển bền vững và lâu dài. Do đó, nên bổ sung vào phần giải pháp sự cần thiết phải lập Quy hoạch thăm dò, khai thác sét gạch ngói để đảm bảo cung cấp cho sản xuất gạch ngói nung trên địa bàn tỉnh.
Quy hoạch đề cập đến việc thay thế lò gạch thủ công bằng các lò nung công nghệ khác đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, đây chỉ là giải pháp trước mắt, không phù hợp với định hướng phát triển của ngành. Đồng thời trong Quy hoạch cần nêu rõ đến thời điểm nào thì xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công theo Quyết định số 15/2000/QĐ-BXD ngày 24/7/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy định đầu tư sản xuất gạch ngói đất sét nung.
3. Quy hoạch phát triển gạch không nung nhẹ của Bắc Giang, nên lưu ý thời điểm đầu tư 02 cơ sở gạch AAC (bê tông khí chưng áp) với công suất 280 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm, liệu có khả thi hay không? Vì hiện nay trên cả nước đã có rất nhiều cơ sở gạch nhẹ AAC.
4. Quy hoạch khai thác cát không nên để các cơ sở có quy mô công suất nhỏ (5.000 m3/năm).
5. Quy hoạch phát triển gạch gốm ốp lát: chỉ là các cơ sở di chuyển địa điểm sản xuất từ Hà Nội, Thái Bình sang Bắc Giang, không phải cơ sở đầu tư mới hoàn toàn.
6. Đối với sản xuất vôi thủ công, nên có lộ trình xóa bỏ vì công nghệ sản xuất này gây ô nhiễm môi trường. Nên đầu tư sản xuất vôi có quy mô công nghiệp, công nghệ tiên tiến hiện đại. Tuy nhiên, cũng nên cân nhắc đến nguồn nguyên liệu cung cấp cho sản xuất (do phải cung ứng từ Lạng Sơn).
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 70/BXD-VLXD.