“Kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) là loại hình kinh doanh có điều kiện.Các quận, huyện quy định khu vực, đường phố, địa điểm sản xuất, kinh doanh VLXD, nơi để phế thải VLXD trên địa bàn để sắp xếp mạng lưới kinh doanh VLXD cho phù hợp với quy hoạch phát triển VLXD của TP.HCM đến năm 2020 của TP, của địa phương. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bày bán và giao nhận VLXD có nghĩa vụ chấp hành địa điểm sản xuất, kinh doanh và bày bán theo quy định do UBND quận, huyện ban hành” - ông Phan Đức Nhạn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP, cho biết trong buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc báo Pháp Luật TP.HCM về chủ đề Quản lý VLXD.
Theo ông Nhạn, đã có 12 quận, huyện có quy định khu vực, đường phố, địa điểm sản xuất kinh doanh VLXD, nơi để phế thải gồm: các quận 6, 7, 8, 12, Thủ Đức, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Tân, các huyện Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh. Các quận, huyện còn lại đang triển khai và chuẩn bị ban hành. Với cơ sở kinh doanh VLXD đã hoạt động trước khi có quy định mà không phù hợp với tuyến đường quy định được phép bày bán thì cơ sở phải chuyển đổi hình thức kinh doanh cho phù hợp với quy định. Tuy nhiên, trong trường hợp chỉ mở cửa hàng trưng bày, không bày bán hàng hóa, không giao nhận hàng hóa VLXD tại địa điểm trưng bày thì không bị ảnh hưởng bởi quy định này.
Theo định hướng quy hoạch phát triển VLXD của TP.HCM đến năm 2020, TP sẽ trở thành trung tâm giao dịch, trưng bày, triển lãm sản phẩm VLXD quy mô lớn.
Theo Pháp Luật TP