Chưa khi nào khó khăn như bây giờ
Đang là mùa xây dựng, nhưng thay vì không khí tấp nập mua bán như những năm trước thì tại các cửa hàng, đại lý kinh doanh VLXD bây giờ đều chịu chung một tình cảnh người mua thưa thớt, đơn đặt hàng ít ỏi. Đối với khách mua hàng, họ thường chọn những vật liệu có phân khúc giá trung bình để phù hợp với khả năng chi trả. Chính vì thế, người tiêu dùng thường ưu tiên hơn với những sản phẩm đẹp, chất lượng khá với giá trung bình bất kể hàng nội hay hàng ngoại. Anh Trần Nguyễn Chiến (Thanh Nhàn - Hà Nội) cho biết: Tôi đang hoàn thiện căn hộ mới, nên cũng qua các cửa hàng VLXD để tham khảo giá cũng như tìm sản phẩm phù hợp. Thực tế thì người mua cũng chẳng thể biết cụ thể chất lượng được kiểm định thế nào, chỉ quan sát bằng mắt thường, hỏi qua kinh nghiệm của người khác đã sử dụng cộng thêm tư vấn của chủ cửa hàng… thì quyết định mua thôi. Nên cho dù hàng nội, hay hàng ngoại (đối với cả hàng Trung Quốc), chỉ cần giá trung bình và chất lượng tốt thì tôi chọn thôi.
Sức mua trên thị trường sụt giảm không chỉ thể hiện qua thị trường mua lẻ của người dân, mà ngay cả đơn đặt hàng của các Cty xây dựng cũng khá thưa thớt. Nguyên nhân được xác định vẫn là BĐS “đóng băng” nên việc đầu tư mua vật liệu hoàn thiện cho căn hộ vẫn hạn chế. Bên cạnh khó khăn do ảnh hưởng kinh tế trong nước, thì gạch ốp lát Việt Nam lại đang phải “mệt mỏi” với sự cạnh tranh của hàng nhập lậu, gian lận thương mại. Theo thông tin mới đây của Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam (VIBCA) thì: Hiện sản phẩm gạch ốp lát tồn kho tại các Cty trong nước ước khoảng 30 triệu m2, tương ứng 2 nghìn tỷ đồng. So với sức tiêu thụ của năm 2010 là 330 triệu m2 (bằng 88% lượng sản xuất và 79% năng lực sản xuất) thì dự kiến năm 2011, lượng tiêu thụ gạch ốp lát của Việt Nam chỉ khoảng 290 triệu m2/năm (bằng 70% năng lực sản xuất theo công suất lắp đặt). Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng ngành gạch ốp lát lâm vào tình trạng trên được VIBCA nhận định là do buôn lậu và gian lận thương mại gạch ốp lát từ Trung Quốc. Các mặt hàng gian lận về giá, thuế suất và số lượng được tập trung đối với gạch ceramic, đá xẻ granit (đá hoa cương) và đá xẻ marble (đá cẩm thạch) nhập khẩu (NK) có xuất xứ từ Trung Quốc.
Năm 2011, lượng gạch ốp lát nhập vào ngày càng tăng, trong đó hàng lậu và gian lận thương mại diễn ra rất phức tạp, tinh vi đã gây nhiều khó khăn cho các DN sản xuất gạch ốp lát Việt Nam. Tình trạnggian lận thương mại mặt hàng gạch ốp lát diễn ra khá đa dạng như: Gian lận về số lượng khai báo khi NK; xuất trình hóa đơn mua hàng với giá thấp hơn nhiều so với giá thực…
Đối mặt với hàng lậu, gian lận thương mại
Theo thống kê của VIBCA thì năm 2010, lượng gạch ốp lát NK lên tới 95,5 triệu USD, trong đó lượng gạch NK từ Trung Quốc là 76,119 triệu USD. “Đây là con số thấp hơn rất nhiều so với lượng NK không kiểm soát được từ Trung Quốc”- là nhận định của Chủ tịch VIBCA - ông Đinh Quang Huy. Hiện nay, Trung Quốc có thể sản xuất khoảng 6 tỷ m²/năm gạch ốp lát, chiếm 2/3 sản lượng toàn thế giới. Cạnh tranh bằng giá rẻ, mẫu mã đa dạng, hiện Trung Quốc đang thống lĩnh thị trường gạch ốp lát toàn cầu và “lấn át” ngay cả những nước có bề dày truyền thống và năng lực sản xuất gạch ốp lát lớn như Italy, Tây Ban Nha.
Ông Huy phân tích: Hình thức gian lận thương mại hiện nay được tổ chức dưới dạng người NK xuất trình hóa đơn mua hàng từ Trung Quốc với giá thấp hơn nhiều so với giá thực phải mua. Thực chất có thể coi đây là hóa đơn của hàng bán phá giá. Do đó, mức thuế NK được đánh giá trên mức giá thấp hơn giá thực dẫn đến tình trạng gạch ốp lát có xuất xứ từ Trung Quốc được đưa vào Việt Nam cạnh tranh không lành mạnh với sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước. Việc gian lận thương mại này đã diễn ra nhiều năm và ngày càng nghiêm trọng làm ảnh hưởng không nhỏ đến ngành gạch ốp lát trong nước.
Trước tình trạng này, ngày 30/9 vừa qua, VIBCA cùng các DN đã tổ chức hội nghị với Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan để phản ánh sự việc gian lận thương mại này. Hiệp hội Gốm sứ xây dựng cũng đề nghị Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm soát chặt chẽ việc NK mặt hàng gạch ốp lát qua cửa khẩu chính; tăng cường kiểm soát hoạt động buôn lậu qua đường mòn, lối mở biên giới để hạn chế lượng gạch ốp lát vào nội địa Việt Nam. Đồng thời, đề nghị Tổng cục Hải quan và các cơ quan hữu quan thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ Thông tư 14/2010/TT-BXD Quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa VLXD gạch ốp lát nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa vì quyền lợi của người tiêu dùng và kiểm soát số lượng hàng NK.
Để cứu ngành sản xuất gạch ốp lát Việt Nam ra khỏi khó khăn trong thời điểm hiện tại, VIBCA gửi Bộ Tài chính về việc đưa mặt hàng gạch ốp lát vào danh mục rủi ro, trên cơ sở đó áp giá tính thuế trên mét vuông theo từng loại kích thước, chứ không tính thuế theo hóa đơn mua hàng từ Trung Quốc do DN nhập khẩu xuất trình thông quan. Tuy nhiên, để thúc đẩy ngành sản xuất VLXD trong nước phát triển, lấy lại thị phần, cần có định hướng để phát triển lành mạnh thị trường BĐS cùng sự nỗ lực mạnh hơn của các DN trong việc đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm.
Nguồn: Baoxaydung.com.vn