Thái Nguyên: Phát triển sản phẩm OCOP để xây dựng nông thôn mới

Thứ ba, 09/07/2024 14:21
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Thái Nguyên xác định nhiệm vụ trọng tâm phát triển nông nghiệp là thực hiện hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, gắn phát triển sản phẩm OCOP với phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng...

Mô hình trồng chè Tân Cương của tỉnh Thái Nguyên - Ảnh: VGP/TT

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên, trong 5 tháng đầu năm, để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp để phối hợp, thực hiện đồng bộ các giải pháp; rà soát, lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương để đầu tư phát triển; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực để tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn, đạt chuẩn OCOP, mang lại giá trị kinh tế cao.

Trong đó, việc phát triển các sản phẩm OCOP được tỉnh Thái Nguyên xem là giải pháp quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị liên kết phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh đã chủ động ban hành các đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, OCOP với các chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng vùng nguyên liệu, điểm giới thiệu và bán sản phẩm...

Với 277 làng nghề, làng nghề truyền thống và 240 sản phẩm OCOP từ 3 - 5 sao, tỉnh Thái Nguyên tập trung gắn phát triển sản phẩm OCOP với phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững. 

Sở NN&PTNT Thái Nguyên đã chỉ đạo thực hiện mô hình thí điểm "Phát triển sản phẩm OCOP qua dịch vụ du lịch gắn với nâng cao vai trò tổ chức và quản lý cộng đồng trên địa bàn xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên"; hoàn thiện hồ sơ mô hình thí điểm "Mô hình xã nông thôn mới thông minh Tức Tranh"...

Sản phẩm OCOP măng tươi lục trúc nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên - Ảnh: VGP/TT

Đồng thời, tỉnh Thái Nguyên xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm; yêu cầu các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ và các chủ thể (HTX Chè La Bằng, HTX Miến Việt Cường) hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng đối với các sản phẩm OCOP có tiềm năng 5 sao, tham gia đánh giá lại sản phẩm 5 sao; tổ chức ngày hội kết nối cung cầu du lịch nông nghiệp, nông thôn; hội thảo về thực trạng và giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới…

Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới Thái Nguyên bên gian hàng trưng bày sản phẩm chè của HTX Tuyết Hương - Ảnh: VGP/TT

Điển hình trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh là TP. Thái Nguyên với 2 xã về đích nông thôn mới kiểu mẫu, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Qua rà soát, hiện Thành phố còn 7 địa phương đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí của Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới, còn lại một số chỉ tiêu đang phấn đấu hoàn thiện trong năm 2024. Đặc biệt, một trong những nội dung được các địa phương tập trung thực hiện là hoàn thiện các thủ tục đề nghị đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP.

Dự kiến, trong 7 địa phương đang thực hiện về đích nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu tại TP. Thái Nguyên, còn 5 xã đang gấp rút các nội dung để được chứng nhận sản phẩm OCOP gồm: Phúc Hà, Đồng Liên, Linh Sơn và Huống Thượng, với các sản phẩm như: Giò lụa, ổi, mật ong... Sau khi được chứng nhận, toàn TP. Thái Nguyên sẽ có hơn 40 sản phẩm OCOP. Kết quả này không chỉ giúp các địa phương hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới, mà còn nâng cao giá trị của nông sản trên một đơn vị sản xuất. Đây chính là nền tảng để các địa phương phát triển du lịch, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh tới tham quan, trải nghiệm, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho hộ sản xuất cũng như toàn Thành phố.

Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Thái Nguyên cho biết, những tháng cuối năm, địa phương sẽ tiếp tục tổ chức kiểm tra tiến độ, kết quả và hướng dẫn thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại các địa phương đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới năm 2024 theo kế hoạch đã xây dựng.

Bên cạnh đó, phối hợp với các sở, ngành tham mưu hoàn thiện hồ sơ, báo cáo UBND tỉnh trình Bộ NN&PTNT thẩm định, xét, công nhận huyện Định Hoá đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023; triển khai thực hiện các chương trình chuyên đề xây dựng nông thôn mới và chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" năm 2024; triển khai kế hoạch tập huấn bồi dưỡng cho cán bộ xây dựng nông thôn mới và người dân; tổ chức hội thảo, sơ kết đánh giá hiệu quả bước đầu của dự án liên kết chuỗi giá trị từ nguồn vốn xây nông thôn mới năm 2023, 2024; phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới...

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)