Những thành tựu đáng khích lệ
Làng quê ở Ninh Thuận đổi thay từ chương trình xây dựng nông thôn mới. (Ảnh: Báo Ninh Thuận)
Sau 10 năm (2010 - 2020) triển khai, chương trình xây dựng nông thôn mới ở Ninh Thuận đã làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn cũng như nâng cao nhận thức của nhân dân. Trong đó, nổi bật là kinh tế nông nghiệp có chuyển biến tích cực theo hướng cơ cấu lại sản xuất từng bước hình thành khá rõ nét và khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương. Điều kiện sống cả về vật chất lẫn tinh thần của phần lớn cư dân nông thôn được nâng lên rõ rệt.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt gần 26 triệu đồng/người/năm, tăng 2,16 lần so với năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới đa chiều giảm xuống còn 11,48%. Tính đến đầu năm 2020, toàn tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng thành công 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới; hiện nay, bình quân chung toàn tỉnh mỗi xã đạt 14 tiêu chí.
Điển hình như huyện Ninh Phước, đây là địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Ninh Thuận. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Ninh Phước đã đạt được những thành tựu khá toàn diện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, huyện Ninh Phước tự hào là địa phương đầu tiên của Ninh Thuận sớm hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Là huyện nông nghiệp, với hơn 23.500 ha đất canh tác nông nghiệp, trong đó diện tích sản xuất lúa trên 15.000 ha/năm, cùng nhiều loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản có giá trị kinh tế cao khác như: nho, táo, măng tây xanh, dê, bò, cừu và là trung tâm sản xuất các loại giống bắp, lúa, tôm giống của tỉnh Ninh Thuận. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Ninh Phước phát huy lợi thế cạnh tranh trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa và ứng dụng công nghệ cao, tạo động lực xây dựng huyện Ninh Phước đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Ninh Phước Nguyễn Đô, do địa phương luôn nhận thức rõ xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế- xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của người dân, huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả của hệ thống chính trị, giữa các ngành, địa phương, gắn với việc phân công cụ thể và điều hành thực hiện theo quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo; đặc biệt là được sự đồng thuận của nhân dân nên đã tập trung được các nguồn lực và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, với tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, phát huy nội lực trong dân, huyện đã huy động các nguồn lực trên 2.300 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới.
Nhờ đó, nhiều công trình được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp đã tạo diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, cơ sở vật chất văn hóa, trụ sở làm việc, trường học, điện, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, nhà ở dân cư, y tế, môi trường…
Từ tiền đề trên, Ninh Thuận đề ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020 có thêm 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, xây dựng hai thôn kiểu mẫu. Đến năm 2025 có 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 75% số xã (35 xã) đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, ít nhất 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 10 tiêu chí. Các công trình hạ tầng như giao thông, thủy lợi, điện, nước, trường học, trạm y tế đảm bảo đầu tư đồng bộ, liên thông và ứng phó biến đổi khí hậu. Chất lượng cuộc sống, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đến năm 2025 tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020…
Chú trọng công tác tuyên truyền…
Xã hội hóa làm đường giao thông nông thôn ở Ninh Thuận. (Ảnh: Báo Ninh Thuận)
Có thể khẳng định, đạt được những kết quả khả quan trong xây dựng nông thôn mới thời gian qua ở Ninh Thuận là nhờ các ngành, các địa phương, tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới.
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Ninh Thuận, công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới được tiến hành đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự tham gia phối hợp của các ngành, các cấp, Mặt trận, đoàn thể với nhiều hình thức, nhiều kênh thông tin. Đã thực hiện 99 đợt tuyên truyền miệng, đối thoại trực tiếp cho 123 người có uy tín và hơn 1.200 lượt đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn.
Xây dựng 47 cụm pa nô tuyên truyền cấp xã, 2 cụm pa nô cấp huyện. Nội dung tuyên truyền tập trung vào vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới; phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn; bảo vệ, cải tạo môi trường sinh thái; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trong quá trình hiện đại hóa. Qua thực hiện công tác tuyên truyền đã xuất hiện một số cơ quan, đơn vị có cách làm hay, sáng tạo, sức lan tỏa rộng.
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp đẩy mạnh tuyên tuyền thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển, đạt tiêu chí thu nhập. Ban Dân vận Tỉnh ủy triển khai phòng trào thi đua “Dân vận khéo” thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Thuận thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trong giai đoạn mới.
Hội Phụ nữ tỉnh cũng tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tham gia và thực hiện phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc và “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”. Hưởng ứng phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, Tỉnh đoàn Ninh Thuận đã triển khai kế hoạch, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên tích cực tham gia Chương trình nông thôn mới. Qua thực hiện phong trào “Xung kích, tình nguyện tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” đã xuất hiện các mô hình thanh niên khởi nghiệp thành công trong ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận còn tổ chức Hội thi “Nhà nông đua tài gắn với xây dựng nông thôn mới” cũng đã cổ vũ được hội viên tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới. Lãnh đạo huyện Thuận Nam cho biết, công tác tuyên truyền đã từng bước thay đổi nhận thức, tư duy trong đội ngũ cán bộ và nhân dân; giảm bớt tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước.
Việc triển khai các nội dung của Chương trình được sự ủng hộ, đồng thuận của chính quyền cơ sở và người dân. Huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị - xã hội thực hiện xây dựng nông thôn mới. Người dân, đặc biệt là nông dân đã từng bước phát huy vai trò chủ thể trong quá trình phát triển và xây dựng nông thôn mới với sự hỗ trợ, định hướng của nhà nước. Với sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp, tổ chức, đoàn thể trong đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tin tưởng sẽ tạo được chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận nhất trí, đồng lòng tham gia xây dựng nông thôn mới./.