Từ nay đến cuối năm, thị xã Sơn Tây phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp trên địa bàn năm 2020 đạt 3,2% trở lên. Đồng thời tăng thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Thị xã Sơn Tây có nhiều đặc sản nổi tiếng (trong đó có tương Mông Phụ) thu hút khách gần xa,
là điều kiện thuận lợi để phát triển sản phẩm OCOP. Ảnh: Thiện Tâm.
Để góp phần thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp của Thủ đô, dựa trên tình hình thực tế, thị xã Sơn Tây đã đưa ra nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp, khôi phục sau đại dịch Covid-19. Song song hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Tính đến hết năm 2018, thị xã Sơn Tây có 6/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã Sơn Tây đủ điều kiện trình xem xét, công nhận “Thị xã Sơn Tây hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019”.
Đối với xây dựng nông thôn mới nâng cao xã Kim Sơn, năm 2020 thị xã Sơn Tây đăng ký xã Kim Sơn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Theo đánh giá các tiêu chí, đến nay xã Kim Sơn mới có 9/19 tiêu chí đạt, 3/19 tiêu chí cơ bản đạt và 7/19 tiêu chí chưa đạt, với tổng điểm 78,95/100 điểm. Để phấn đấu cuối năm 2020 xã Kim Sơn hoàn thành nông thôn mới nâng cao, Ban chỉ đạo chương trình 02 thị xã Sơn Tây đã làm việc với xã Kim Sơn và ban hành thông báo để chỉ đạo kịp thời xã Kim Sơn, các phòng, ban ngành thị xã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nông thôn mới nâng cao xã Kim Sơn.
Phát triển nông nghiệp của thị xã Sơn Tây cũng đạt được nhiều kết quả khả quan. Trên địa bàn thị xã có nhiều vùng trồng chuyên canh, mang lại hiệu quả cao, với 27,5 ha rau an toàn vụ xuân, trong đó có 15 ha đang cho thu hoạch, cung ứng hàng ngày ra ngoài thị trường khoảng 10 tấn/ngày. Đồng thời có một chuỗi an toàn thực phẩm áp dụng hệ thống bảo đảm có sự tham gia (PGS), cung cấp sản lượng rau khoảng 1,2 tấn/ngày. Chăn nuôi thủy sản và gia súc, gia cầm ổn định, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời và hiệu quả.
Đối với chương trình Mỗi xã một sản phẩm, năm 2019, thị xã Sơn Tây có 5 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng và được UBND Thành phố công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao, gồm: Chả cá thuần Việt xã Sơn Đông, gà mía Sơn Tây, kẹo dồi phủ vừng Quý Thảo, kẹo lạc Cao Quý Thảo xã Đường Lâm, giò lợn Phùng Thị Quê phường Quang Trung. Sau khi các sản phẩm được Thành phố công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao thì số lượng tiêu thụ tăng cao, người tiêu dùng tin tưởng và đánh giá cao chất lượng sản phẩm được công nhận OCOP. Năm 2020, thị xã Sơn Tây đăng ký phấn đấu có từ 20-30 sản phẩm được UBND Thành phố công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên. Đây cũng là một trong những yếu tố kích cầu phát triển cho nông nghiệp của thị xã và khai thác thế mạnh phát triển du lịch địa phương.
Là vùng bán sơn địa, nên diện tích rừng và đất lâm nghiệp của thị xã Sơn Tây đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và tài nguyên rừng. Thị xã có tổng cộng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 820,84ha. Trong đó rừng đặc dụng có 6,90ha, đất chưa có rừng 242,22 ha. Trữ lượng gỗ rừng tự nhiên là 73m3, rừng trồng 40.682m3 chiếm 99,82% và độ che phủ đạt 4,7%.
Những diện tích rừng giao khoán, bảo vệ cơ bản đã được chăm sóc và bảo vệ tốt, ít bị tác động phá hoại và đang phát huy được tác dụng tăng giá trị kinh tế, bảo vệ môi trường, cảnh quan du lịch sinh thái, tâm linh.
Ngoài ra, việc trồng rừng sản xuất và cây phân tán có chuyển biến tích cực, nhiều chủ rừng là tổ chức và các hộ gia đình đã tham gia trồng cây, trồng rừng. Trong những tháng đầu năm 2020 toàn thị xã trồng được 30.742 cây phân tán đạt 102,4% kế hoạch được giao. Tuy nhiên hiện nay chất lượng rừng trồng chưa được quan tâm cải tạo, diện tích trồng mới tập trung thấp, sau khai thác thường để tái sinh tự nhiên dẫn đến trữ lượng kém. Do vậy, trong những năm tới tập trung khai thác và cải tạo rừng trồng năng suất thấp, kém hiệu quả kinh tế và trồng lại rừng theo hướng trồng rừng hỗn loài và đa dạng hóa sản phẩm; chuyển đổi rừng trồng kém chất lượng sang trồng rừng sinh thái.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp của thị xã Sơn Tây cũng gặp rất nhiều khó khăn do vụ Xuân năm 2020 có hiện tượng mưa to kèm mưa đá, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của nhân dân. Đồng thời do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đã khiến sinh hoạt của người dân nhiều xáo trộn, hàng nông sản tiêu thụ hạn chế (các mặt hàng như hoa, cây cảnh giảm sức mua). Một số sản phẩm chăn nuôi gia cầm, đặc biệt là gia cầm công nghiệp, vịt có mức giá thấp khiến người chăn nuôi thiệt hại nhiều, giá thịt lợn tăng cao do nhu cầu tiêu thụ lớn trong khi đó tổng đàn chưa tăng do còn e ngại dịch tả lợn châu Phi. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi còn nhỏ lẻ, nằm xen kẽ trong khu dân cư, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh; kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Vì vậy, trong năm 2020, thị xã Sơn Tây sẽ phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 3,2% trở lên. Đồng thời tăng thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Thực hiện đa dạng các hình thức tuyên truyền đến các tổ đội sản xuất và nông dân các kế hoạch, giải pháp, biện pháp thâm canh… Vận động người dân không bỏ ruộng, thực hiện gieo trồng đảm bảo đạt và vượt diện tích theo kế hoạch sản xuất vụ Mùa, vụ Đông đã đề ra. Khuyến khích người nông dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất, phát triển các mô hình công nghệ cao.
Tập trung chỉ đạo thúc đẩy phát triển chăn nuôi, thực hiện tái đàn lợn, tăng đàn lợn và tái cấu trúc ngành chăn nuôi theo vùng xã trọng điểm, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học.