Khơi dậy sức dân trong xây dựng giao thông nông thôn ở Phú Yên

Thứ sáu, 16/10/2015 14:05
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, một trong những giải pháp quan trọng mà tỉnh Phú Yên thực hiện đó là đẩy mạnh phong trào “bê-tông hóa” đường giao thông nông thôn (GTNT). Đây là việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn.

Đến nay gần 70% đường GTNT trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã được bê-tông hóa.

Bê-tông hóa đường làng

Ea Bar là xã đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của huyện Sông Hinh, đời sống bà con còn nghèo (tỷ lệ hộ nghèo còn 33%). Nhưng từ khi có chủ trương làm đường bê-tông, ai cũng náo nức tham gia. Trong thời gian chưa đầy một tháng, con đường nối từ quốc lộ 29C đi thôn Ea Mkeng dài 870 m vốn là đường đất, mùa nắng bụi đất đỏ cuốn mịt mù, mùa mưa thì lầy lội khó đi, đã được thảm bê-tông phẳng lỳ, mặt đường mở rộng 2,5 m. Ông Ma Lỏi, nhà ở cạnh tuyến đường này cho biết, năm trước vào mùa mưa như thế này đường toàn hầm hố, lầy lội, có đoạn bà con phải chặt cây xanh bỏ xuống để đi tạm nhưng cũng trầy trật. “Đường sá bây giờ như thành phố rồi, mừng lắm, bà con tôi chặt rào, cho đất mở rộng đường không tiếc đâu. Đường rộng thuận lợi cho việc chở sắn mía, khỏi phải gùi, phải cõng như trước nữa. Con cháu đi lại, học hành cũng có tương lai rộng hơn” - Ma Lỏi tâm sự. Trưởng thôn Chư Plôi, xã Ea Bar Lê Văn Vinh cũng cho biết, phong trào làm đường giao thông ở đây rất sôi động, người dân quanh vùng nhiệt tình tham gia. Chỉ tính riêng thôn Chư Plôi, từ khi triển khai đề án bê-tông hóa GTNT đến nay người dân trong thôn đã hiến đất, góp công sức làm 3,5 km đường bê-tông.

Chủ tịch UBND xã Ea Bar Ksor Hét cho biết: Ban đầu phát động cũng khó khăn, do lâu nay vùng đồng bào dân tộc thiểu số hưởng lợi từ chương trình 134, 135, Nhà nước đầu tư toàn bộ kinh phí làm đường, nên còn tư tưởng ỷ lại. Xã thông qua các hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động, chọn vài tuyến đường làm điểm. Từ đó bà con thấy được quyền lợi làm theo, bây giờ phong trào lan rộng khắp xã. “Đến nay việc làm đường bê-tông trong xã là khỏi phải nhắc nữa, có xi-măng Nhà nước đem về là bà con tự giác tham gia hiến đất, góp công sức cùng làm” - ông KSor Hét khẳng định. Nhờ vậy, chỉ trong hai năm (2014-2015), xã Ea Bar đã bê-tông hóa 19 tuyến đường, với chiều dài 12,7 m. Riêng tiền huy động nhân dân đóng góp là 800 triệu đồng. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea Bar Ngô Thị Kim Ngân cho biết, bà con đồng bào dân tộc thiểu số là ăn chắc, nói chắc. Những tuyến giao thông mở ra, đi lại dễ dàng tạo niềm tin cho bà con. Từ đó tạo ra phong trào thi đua, góp phần xây dựng nông thôn mới ở miền núi khó khăn.

Xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa với 4.200 hộ dân, gần 16.000 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo còn 5,76% nhưng từ khi tỉnh phát động phong trào làm giao thông nông thôn trên cơ sở được tỉnh hỗ trợ 100% xi-măng, nhân dân Hòa Đồng đã nhiệt tình hưởng ứng. Chỉ tính riêng trong ba năm 2013-2015, người dân trong xã đóng góp hơn 7,5 tỷ đồng, xây dựng được hơn 33 km đường bê-tông thuộc 193 tuyến đường liên thôn; đổ bê-tông hơn 75% tuyến đường trong xã, dẫn đầu phong trào, tiến độ bê-tông hóa giao thông nông thôn của tỉnh Phú Yên.

Nhà nước, nhân dân cùng làm

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Đồng Đinh Ngọc Sum cho biết: Địa phương đã thành lập các tổ công tác, tích cực tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng phong trào thi đua “chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, mà cốt lõi là làm cho họ thấy được lợi ích của phong trào, từ đó phấn khởi tham gia. Do đặc thù nằm ở vùng trũng thấp, thường xuyên bị ngập úng, lầy lội vào mùa mưa kéo dài, cho nên bà con nhiệt liệt hưởng ứng. Trong đó phải kể đến thôn Phú Mỹ. Đây là thôn có nhiều cụm dân cư rải rác ngoài đồng ruộng, việc đóng góp làm đường bê-tông được tính theo nhân khẩu, vì thế nhiều gia đình phải đóng góp cao, từ 2,5 đến 2,6 triệu đồng/khẩu. Tuy vậy bà con vẫn không nề hà! Đơn cử như gia đình ông Võ Hồng Thái và bà Võ Thị Trúc ở đội 2, thuộc diện khó khăn với năm miệng ăn. Hằng ngày bà Trúc phải đi vào thành phố bán vé số mưu sinh nhưng khi được phổ biến chủ trương vẫn tự nguyện đóng góp gần 13 triệu đồng. Hay cụ Võ Thị Thuận, 72 tuổi, chỉ sống một mình, tuy khó khăn nhưng vẫn vui vẻ góp đúng quy định. “Sống chừng này tuổi, tôi chứng kiến bao cái khổ của những mùa lầy lội rồi. Ở đây nói thực có những năm mưa ngập, Tết đến, không ai muốn đến nhà thăm nhau vì lầy lội. Giờ có đường giao thông sạch đẹp, con cháu ở xa mấy vẫn về! Hơn nữa nếu không có chủ trương hỗ trợ xi-măng của tỉnh chắc bà con cũng không làm nổi những con đường sạch đẹp như thế này” - cụ Thuận nói.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên Huỳnh Tấn Việt cho biết: “Trong điều kiện một tỉnh còn nghèo, đời sống nhân dân sống ở vùng nông thôn còn khó khăn, tỉnh xác định đầu tư hạ tầng giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội. Do đó Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng đề án bê-tông hóa đường GTNT giai đoạn 2013-2015, với mục tiêu đến hết năm 2015 phấn đấu 70% số xã đạt được tiêu chí số hai về giao thông tương ứng với chiều dài 1.290 km. Theo đề án, tỉnh hỗ trợ 100% vật liệu bê-tông xi-măng, hỗ trợ xây dựng cầu cống, và 2 triệu đồng/km tiền quản lý xây dựng. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể vận động mọi thành phần kinh tế và nhân dân cùng tham gia. Cụ thể hóa chủ trương này, các địa phương chọn mỗi xã xây dựng từ một đến hai tuyến đường để làm điểm, từ đó tạo “làn sóng”, sức lan tỏa ra khắp các địa bàn trong tỉnh”.

Kết quả, qua ba năm thực hiện đề án “bê-tông hóa” GTNT, gần 70% tuyến đường GTNT trên địa bàn tỉnh đã được bê-tông hóa (trước đó chỉ 28% tuyến đường được bê-tông). Cụ thể, tỉnh đã cung cấp hơn 150.000 tấn xi-măng cho các địa phương thực hiện hoàn thành hơn 1.400 km đường GTNT, xây mới, sửa chữa hơn 2.600 m cầu, cống các loại, với tổng kinh phí đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó riêng phần đóng góp của nhân dân trị giá hơn 200 tỷ đồng, hàng trăm nghìn ngày công và hiến hơn 25.000 m2 đất. Dự kiến hết năm 2015, tỉnh sẽ hoàn thành 1.500 km đường GTNT, vượt 210 km, bằng 116,3% so với nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra.

Thi công tuyến đường liên thôn Phú Mỹ, xã Hòa Đồng.

Một năm bằng hơn mười năm

Bộ Giao thông vận tải đánh giá cao phong trào bê-tông hóa GTNT ở Phú Yên. Trong đó huyện Tây Hòa là địa phương dẫn đầu cả nước. Với tổng số vốn đầu tư hơn 160 tỷ đồng, trong đó gần 54% do nhân dân tự nguyện đóng góp, hiện Tây Hòa đã thảm bê-tông hơn 750km đường GTNT. Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa Trần Trọng Kỳ cho biết: “Trong vòng năm năm qua, huyện đã thực hiện bê-tông GTNT tăng gấp 6,3 lần so với kết quả đạt được trong năm năm trước đó, và gấp 8,7 lần chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ nhiệm kỳ 2010-2015. Nếu so sánh trên thực tế, chỉ trong vòng ba năm trở lại đây, huyện Tây Hòa thực hiện bê-tông hóa GTNT tương đương 40 năm so với trước đây” - đồng chí Trần Trọng Kỳ so sánh.

Trao đổi kinh nghiệm của phong trào, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa Trần Trọng Kỳ chia sẻ, để huy động được sức dân, huyện chỉ đạo các xã thành lập Ban giám sát cộng đồng gồm: đại diện Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể xã và đại diện cộng đồng dân cư (do dân bầu). Việc tổ chức giám sát được thực hiện nghiêm túc đã ngăn ngừa trường hợp làm dối, làm ẩu, bớt xén vật tư, thi công không đúng quy trình kỹ thuật hoặc nghiệm thu, quyết toán sai khối lượng. Việc xây dựng đề án xây dựng hệ thống giao thông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới phải lấy người dân làm hạt nhân; phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân, theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi; làm tốt công tác vận động, tuyên truyền trong nhân dân biết rõ về chủ trương của tỉnh và lợi ích của mình. Các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở phải thật sự quyết liệt, xuyên suốt, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả tổ chức triển khai thực hiện ở địa phương.


Theo nhandan.com.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)