Phú Yên: Thiết thực đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu, 22/11/2013 13:37
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
“Đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết, thành công thành công đại thành công” - thực hiện lời dạy này của Bác Hồ, khu phố Mỹ Lệ Đông (thị trấn Phú Thứ, Tây Hòa) có nhiều cách làm hay để huy động sức mạnh toàn dân xây dựng nông thôn mới…

Người dân khu phố Mỹ Lệ Đông làm đường bê tông - Ảnh: T.Hội

Tôn vinh sự đóng góp

Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay, niềm vui người dân Mỹ Lệ Đông càng được nhân lên bởi vừa bê tông hóa được hơn 4,2km đường, đạt khoảng 70% các tuyến đường trong khu phố. Từ một khu phố (trước đây là thôn) gần như trắng đường bê tông, thế nhưng chỉ sau hơn 1 tháng triển khai, đường đi lối lại đã khang trang. Còn một số tuyến người dân đăng ký thực hiện nhưng chưa triển khai được do xi măng chưa cấp về kịp. Theo Trưởng khu phố Mỹ Lệ Đông Lê Tiến Thành, kết quả này có được là do cấp ủy, chính quyền, Mặt trận giao cho dân quyền tự chủ trong làm đường bê tông. Nhờ có sự ủng hộ rất cao của bà con nên công việc tiến hành nhanh chóng. “Ban nhân dân khu phố chỉ có trách nhiệm là chia các cụm dân cư tương ứng với các đoạn đường đi qua, sau đó tổ chức họp dân lấy biểu quyết cho từng phần việc cụ thể. Còn chuyện quyết định mức đóng góp hoặc miễn giảm đóng góp của từng hộ dân đến cử người đi thu tiền, người làm tổ trưởng chịu trách nhiệm thi công, giám sát, hậu cần, vật tư… tất cả đều docác tập thể tổ, cụm dân cư quyết định”- ông Thành khẳng định.

“Để phát huy sức mạnh của lòng dân góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề tiên quyết là phải làm cho dân tin tưởng vào cấp ủy, chính quyền. Đây chính là chìa khóa trong công tác dân vận củachúng tôi”, ông Thành nhấn mạnh. Để chứng minh, ông chỉ cho khách xem những danh sách đóng góp ủng hộ xây dựng của người dân được Ban nhân dân khu phố đóng khung lớn treo trang trọng tại trụ sở từ hàng chục năm nay (từ khi còn là thôn). Đó là các khoản tự nguyện đóng góp của dân ủng hộ gia đình chính sách, người gặp khó khăn hoạn nạn, xây dựng các thiết chế văn hóa… “Công khai như thế này vừa thể hiện sự minh bạch, vừa tôn vinh những tấm lòng vì cộng đồng. Vì thế, khi có phát động, vận động, bà con luôn mau mắn tham gia”, ông Thành chia sẻ.

Nhờ cách làm này mà ở khu phố đã xuất hiện những công dân có nghĩa cử vì cộng đồng rất cảm động. Như 2 cụ Đặng Huyết (86 tuổi), Huỳnh Ngọc Chấn, (84 tuổi) tuy thuộc diện cao niên được miễn đóng góp nhưng vẫn đề nghị được bình đẳng như mọi người. “Là diện ưu tiên nhưng với mong muốn cổ vũ cho chương trình xây dựng nông thôn mới, tôi tự nguyện đóng góp 700.000 đồng”, cụ Huỳnh Ngọc Chấn bày tỏ. Khi đề nghị ban nhân dân khu phố nhận tiền, cụ Đặng Huyết tâm sự: Khi đi trên con đường bê tông mà trong đó cũng có “phần” của mình, lòng già này thấy vui hơn.

Ông trưởng khu phố còn minh chứng thêm cho sự thành công trong công tác dân vận. Đó là công trình trùng tu ngôi chùa có niên đại hơn 300 năm ở địa phương đã bị xuống cấp với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng từ nguồn tự nguyện đóng góp của người dân. Hiện tại ngôi chùa này cũng có bảng đá khắc tên hơn 1.000 danh tính và địa chỉ những người đã đóng góp công đức để trùng tu.

Phát huy quyền làm chủ của dân

Để triển khai chương trình bê tông hóa đường giao thông, ban đầu, Ban nhân dân khu phố chọn 1 tuyến đường dài 900m làm mẫu, sau đó rút kinh nghiệm nhân rộng cho các cụm dân cư khác. Để giảm gánh nặng đóng góp của dân, trên cơ sở dự toán mẫu, ban nhân dân khu phố đã nghĩ ra phương thức thi công làm giảm đáng kể chi phí, đó là khoán trọn gói cho người dân trong tổ dân cư thực hiện. Từ phương thức thi công theo mẫu là quy trả ngày công 180.000 đồng/người/ngày (chưa bao gồm tiền thuê máy móc, thiết bị), khu phố chọn phương án khoán trọn gói với mức 160.000 đồng/m3 bê tông thực hiện (trong đó bao gồm tiền thuê vật tư, máy móc và chi phí san gạt nền đường). Khi khoán trọn gói và giao quyền tự giám sát cho tổ dân cư, thực tế chi phí nhân công giảm hơn một nửa và chi phí mua cát, đá, thuê máy móc, vật tư cũng giảm hơn 30%, trong khi đó thời gian thi công cũng giảm xuống đáng kể. Cụ thể, bê tông xi măng một tuyến đường dài 900m (quy mô 250cm x 1,6cm) có tổng chi phí chỉ 180 triệu đồng, giảm 76 triệu đồng so với dự toán mẫu.

Anh Nguyễn Văn Lý, một người dân, nói: Khi được giao quyền tự chủ, chúng tôi rất hài lòng. Vì một khi người dân tự thi công, tự giám sát công trình, thì chất lượng sẽ được đảm bảo, chi phí cũng được tiết giảm tối đa.

Nhận xét về cách triển khai chương trình bêtông hóa đường giao thông ở Mỹ Lệ Đông, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thứ Lê Khắc Liêm tâm đắc: “Mỹ Lệ Đông đã làm được một kỷ lục là cùng lúc khởi công 4 tuyến đường và hoàn thành rất nhanh. Đó là kết quả của sự đồng thuận, tinh thần đoàn kết cao của người dân trong khu phố”. Còn Phó chủ tịch UBND kiêm Phó trưởng ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Tây Hòa Trần Trọng Kỳ phấn khởi cho hay: “Chúng tôi hoan nghênh việc triển khai làm đường bê tông xi măng của khu phố Mỹ Lệ Đông vì giao quyền tự quyết, tự làm, tự giám sát là góp phần phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân. Đáng biểu dương hơn nữa là sự chung sức chung lòng của người dân nơi đây trong công cuộc xây dựng nông thôn mới”.


Theo Báo Phú Yên điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)