Hiệu quả từ thi đua xây dựng nông thôn mới ở Hà Giang

Thứ hai, 11/06/2012 16:01
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Phong trào thi đua "Chung sức xây dựng nông thôn mới" được phát động từ tỉnh đến huyện, đã cuốn hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, với số tiền quyên góp, ủng hộ hàng chục tỷ đồng, bổ sung nguồn kinh phí đáng kể để thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải số tiền nhiều hay ít, điều quan trọng là phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, huy động sự tham gia đóng góp công sức, vật chất, trí tuệ của toàn xã hội.

Người dân xã Vĩ Thượng (Quảng Bình, Hà Giang) chở vật liệu thi công đường bê-tông.

Tỉnh Hà Giang có 178 xã, năm phường, 12 thị trấn, trong đó, 123 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, hơn 87% dân số sống ở khu vực nông thôn, chiếm 40% số lao động của tỉnh. Tuy nhiên, do thiếu tầm nhìn mang tính tổng thể, việc quy hoạch, định hướng phát triển chưa cụ thể cho nên khu vực nông thôn đang bộc lộ nhiều bất cập như: Phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH) thiếu đồng bộ, môi trường ngày càng ô nhiễm, đô thị hóa nông thôn tự phát cho nên đã phá vỡ cảnh quan, nhiều nét văn hóa truyền thống bị phôi pha. Công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HÐH) nông nghiệp, nông thôn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động còn chậm, các tổ chức sản xuất quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp, chất lượng lao động nông nghiệp, nông thôn chưa cao. Tổ chức, thể chế kinh tế nông thôn chậm đổi mới, chưa phát huy vai trò trong hỗ trợ sản xuất nông hộ, kinh tế trang trại phát triển chậm, giá trị hàng hóa tăng trưởng thấp, sản xuất nhỏ, manh mún, phần lớn nông sản chưa có thương hiệu, giá trị gia tăng thấp.

Vì vậy, XDNTM là quyết tâm chính trị lớn. Dù điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh Hà Giang vẫn dành nguồn ngân sách thực hiện, đồng thời tổ chức các đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm, cách làm hay ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, từ đó vận dụng linh hoạt vào thực tế của địa phương. Việc triển khai xây dựng điểm NTM được các địa phương triển khai ở những thôn có từ 20 hộ dân trở lên, đồng thời tập trung làm tốt công tác quy hoạch, phù hợp với điều kiện thực tế. XDNTM trên địa bàn tỉnh không chỉ đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, nó còn gắn với nền tảng là hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh, bầu không khí dân chủ, đoàn kết, có thiết chế, ngôn ngữ điều chỉnh phù hợp; phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín, Hội nghệ nhân dân gian tham gia bài trừ các hủ tục lạc hậu, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc... Ngoài nguồn vốn đầu tư trực tiếp thực hiện các tiêu chí XDNTM, Hà Giang tiếp tục rà soát nguồn lực đang đầu tư vào khu vực nông thôn để nghiên cứu, điều chỉnh cơ chế mới, nhằm phát huy tổng lực đầu tư cho nông thôn mới, khuyến khích các huyện chủ động về nguồn lực XDNTM.

Với điều kiện đặc thù của tỉnh, việc XDNTM gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy quan điểm chỉ đạo của tỉnh là chỉ tiêu nào dễ làm trước, khó làm sau, không cần tiền làm trước, cần tiền làm sau và cần ít tiền làm trước, cần nhiều tiền làm sau. Từ quan điểm chỉ đạo này, đã có nhiều cách làm hay được các huyện, xã triển khai, phù hợp với điều kiện thực tế và bước đầu phát huy hiệu quả tích cực. Phong trào đã huy động được sức mạnh tổng hợp từ nhiều nguồn lực dành cho nông thôn, điều này sẽ giúp các địa phương giải quyết cơ bản khó khăn khi bắt tay vào XDNTM.

Ðến thời điểm hiện tại, phần lớn các huyện, thành phố đã tổ chức phát động phong trào thi đua "Chung sức xây dựng nông thôn mới". Trong các đợt phát động, số tiền, vật chất quyên góp được từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp lên tới hàng chục tỷ đồng, bổ sung một phần đáng kể nguồn kinh phí cho mục tiêu XDNTM. Tuy nhiên, vấn đề không phải số tiền nhiều hay ít, mà mọi người đã thể hiện rõ tinh thần, trách nhiệm, ý thức trong việc đóng góp công sức, tiền của, trí tuệ, tham gia phong trào XDNTM, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Hiện nay, các huyện, thành phố đang khẩn trương tiến hành, phấn đấu hoàn thiện quy hoạch xã nông thôn mới theo đúng kế hoạch đề ra, các hộ gia đình đang thực hiện những hạng mục làm đường liên thôn, liên gia, xây dựng công trình vệ sinh, cải tạo vườn nhà, xây dựng hệ thống kênh, mương dẫn nước... Kết thúc năm 2011, phong trào "Chung sức XDNTM" đã thu hút sự tham gia của các cấp, các ngành, nhiều tổ chức, cá nhân với số tiền quyên góp, ủng hộ hơn 32 tỷ đồng và 110 tấn xi-măng để thực hiện các tiêu chí XDNTM. Cùng với số kinh phí cấp từ nguồn ngân sách Nhà nước và 11 nghìn tấn xi-măng do tỉnh hỗ trợ, sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân về tinh thần, vật chất đã tạo nguồn lực rất lớn, tiếp sức cho phong trào XDNTM trên địa bàn tỉnh. Ðến nay, các huyện, thành phố đã làm mới, nâng cấp được 47 km đường liên thôn, 12 km đường liên gia, xây dựng mới 32 km kênh mương, 19 km đường điện hạ thế, bốn nhà mẫu giáo, chín nhà văn hóa thôn, cấp nước sinh hoạt cho 250 hộ, chỉnh trang 1.800 khuôn viên gia đình, cải tạo 850 vườn hộ, hỗ trợ 1.300 gia đình làm nhà vệ sinh...

Nghị quyết 04 của BCH Ðảng bộ tỉnh khóa XV về XDNTM đến năm 2020 chỉ rõ: Trong năm 2012, có 100% số xã hoàn thành quy hoạch nông thôn mới, đến năm 2015 có 20% số xã (40 xã) đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người gấp 1,2 đến 1,5 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo các xã giảm từ 8 đến 10%/năm.


Theo Nhân Dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)