Huyện Hải Hậu – Nam Định đồng lòng xây dựng nông thôn mới

Thứ sáu, 16/08/2013 08:12
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Huyện Hải Hậu (Nam Ðịnh) là huyện nông nghiệp, ven biển có 32 xã, ba thị trấn. Từ năm 2011, Hải Hậu đã hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa tạo nên nhiều cánh đồng mẫu lớn. Ðồng thời tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đường giao thông nông thôn, cầu cống và hệ thống thủy lợi nội đồng tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội để đạt tiêu chí nông thôn mới (NTM).

Nhân dân xã Hải Lý (huyện Hải Hậu, Nam Ðịnh) hiến đất và đóng góp ngày công để làm đường giao thông

Ðầu năm 2011, Hải Hậu đã có 246 xóm, tổ dân phố (TDP) được công nhận đạt tiêu chuẩn nếp sống văn hóa nhưng chưa tương xứng với xóm, tổ dân phố NTM.

Ðể đạt tiêu chí xóm TDP và gia đình NTM, trong hai năm 2011 - 2012, Hải Hậu đã tập trung chỉ đạo phát động phong trào thi đua xây dựng xóm, TDP, gia đình đạt tiêu chí NTM, bằng bộ tiêu chí riêng của huyện sát hợp với tình hình cụ thể của từng xã, thị trấn. Xóm, TDP phấn đấu đạt 12 tiêu chí, gia đình tám tiêu chí. Kết quả hai năm, các xóm, TDP đã tuyên truyền vận động thuyết phục nhân dân hiến 15 ha đất, tháo dỡ, di chuyển hàng vạn công trình với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng. Nâng cấp 373 km đường dong xóm với tổng giá trị hơn 150 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp 110 tỷ đồng bằng 77,3%.

Ðể đạt được những tiêu chí NTM, nhiều xã, thị trấn có cách làm sáng tạo đã phát động được sự ủng hộ của từng người, từng hộ gia đình, từng đoàn thể chính trị, xã hội, các chức sắc tôn giáo, các linh mục và tăng ni phật tử cùng đóng góp tiền ủng hộ. Thượng tọa Thích Thanh Huỳnh, trụ trì chùa Phúc Sơn, xã Hải Trung đã ủng hộ và vận động các tăng ni phật tử xây dựng các công trình của xóm, khu dân cư hơn hai tỷ đồng. Ðại đức Thích Thanh Cần, trụ trì chùa Quế Phương, xã Hải Tây ủng hộ ba xã Hải Tây, Hải Ðông, Hải Hà cứng hóa đường bê-tông thôn, xóm số tiền hơn 200 triệu đồng. Linh mục Ðỗ Văn Thực ở xứ Hưng Nghĩa, xã Hải Hưng, vận động giáo dân hiến 700 m2 đất sổ đỏ và Giáo xứ ủng hộ hơn 200 triệu đồng để mở rộng đường thôn, xóm.

Hải Hậu không chỉ chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng mà đã có những đề án phát triển kinh tế - xã hội. Mỗi hộ ngoài trồng lúa có thêm một nghề phụ, đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho mỗi hộ gia đình. Tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, xây dựng nhiều cánh đồng mẫu lớn tạo điều kiện cơ giới hóa nông nghiệp, đưa tiến bộ khoa học công nghệ mới vào đồng ruộng, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất cây trồng, khuyến khích các mô hình trang trại chăn nuôi lợn, gà, vịt, cá, thỏ và trồng cây cảnh kết hợp với mô hình VAC tăng giá trị, chất lượng hàng hóa hợp với nhu cầu thị trường. Các xóm, TDP tích cực triển khai đề án xây dựng làng nghề truyền thống mộc dân dụng, may công nghiệp, thêu ren, dệt chiếu, dệt sợi PE, đan móc sợi tạo thêm việc làm cho hàng nghìn lao động, tăng thu nhập.

Năm 2012, huyện đã công nhận 27 làng nghề và 22 nghệ nhân ở 20 xã, thị trấn. Giải quyết việc làm có thu nhập ổn định cho mười nghìn lao động. Ðồng thời, huyện đã có các xưởng may công nghiệp công suất lớn như Công ty cổ phần may Sông Hồng tạo việc làm cho 1.500 lao động, Công ty cổ phần may Hải Ðường với 500 lao động có thu nhập từ 3,5 đến 4 triệu đồng/tháng. Các xã, thị trấn ven biển phát huy thế mạnh trong khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản. Nhiều hộ ở xã Hải Lý, Hải Hòa, Hải Triệu, thị trấn Thịnh Long đã liên kết góp cổ phần và vay vốn ngân hàng đầu tư đóng mới nâng cấp hệ thống tàu, thuyền, mua sắm ngư lưới cụ với gần 1.000 tàu, thuyền đánh bắt cá trong lộng, ngoài khơi đem về những nguồn thu đáng kể và góp phần bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc.

Từ các đề án phát triển kinh tế của huyện trong năm 2012, giá trị sản xuất đạt 99,5 triệu đồng/ha, tăng 17 triệu đồng/ha so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người 17,58 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2012 còn 6,91% giảm 4,26% so với 2010.

Hải Hậu không những chỉ quan tâm đầu tư cho phát triển sản xuất nâng mức sống cho nhân dân về vật chất mà còn chú trọng đến hưởng thụ văn hóa tinh thần. Huyện được công nhận 34 năm liên tục là điển hình văn hóa cấp huyện của cả nước. Năm 2012, toàn huyện đã có 530/546 xóm, TDP được công nhận có nếp sống văn hóa và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của các nhà văn hóa xóm, TDP, đây là nơi sinh hoạt của các đoàn thể chính trị và hoạt động thường kỳ của câu lạc bộ thanh niên - phụ nữ, Hội Người cao tuổi.

Ðến nay, Hải Hậu đã có 268 xóm, TDP, nhà văn hóa trang bị tủ sách thực hiện văn hóa đọc đối với mọi tầng lớp nhân dân, đầu tư vi tính nối mạng in-tơ-nét để nhân dân tìm hiểu đường lối chính sách mới của Ðảng, Nhà nước. An ninh, chính trị trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Ðến đầu năm 2013, đã có hai xã đạt 17/19 tiêu chí NTM theo Quyết định 491 và 342 của Thủ tướng Chính phủ, chín xã đạt 16 tiêu chí, chín xã đạt 15 tiêu chí, tám xã đạt 14 tiêu chí, bốn xã đạt 13 tiêu chí và ba xã đạt 12 tiêu chí NTM.Bài học kinh nghiệm rút ra từ Hải Hậu về phong trào xây dựng NTM. Trước hết từng xã, thị trấn đến cơ sở xóm, TDP phải làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mỗi cán bộ, đảng viên và cả cộng đồng dân cư cùng đồng lòng góp công, góp của xây dựng NTM. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn lấy xóm, cụm dân cư, hộ gia đình làm hạt nhân và nòng cốt để xây dựng NTM. Cả hệ thống chính trị đều vào cuộc, đứng đầu là lãnh đạo cơ sở phải nhiệt tình, có quyết tâm cao, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào cấp trên. Ðồng thời từng xóm, TDP phải cử những người có uy tín, tâm huyết gương mẫu thực hiện phong trào xây dựng NTM, tham gia ban tuyên truyền, vận động nhân dân cùng thực hiện. Kịp thời động viên, khích lệ tạo thành phong trào thi đua giữa các hộ, các xóm, TDP và các xã, thị trấn. Mặt khác, phải sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm các khâu công việc, tiến độ thực hiện, phát huy kết quả, khắc phục những thiếu sót. Biểu dương những xóm, TDP, cá nhân có thành tích đóng góp nhiều công sức cho tập thể xây dựng NTM, nhân rộng mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo biết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, huy động được sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân, cùng chung sức, đồng lòng xây dựng NTM.

Phấn đấu hết năm 2013 có 250 xóm, TDP trở lên đạt NTM; năm 2015, có hơn 90% số lao động nông thôn có việc làm thường xuyên. Thu nhập bình quân đầu người 29 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế hơn 70%. Ðẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, sáng tạo, nhân rộng mô hình tiêu biểu. Hình thành nhiều cánh đồng mẫu lớn. Khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ thiết thực cho phát triển sản xuất và dân sinh. Củng cố, tăng cường hệ thống chính trị cơ sở thật sự vững mạnh, cán bộ gần dân, sát dân hết lòng phục vụ nhân dân và đến năm 2015 sẽ đạt tiêu chí huyện NTM.


Theo Nhân dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)