Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Xây dựng các chủ trương, chính sách, định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về lĩnh vực vật liệu xây dựng và khoáng sản làm vật liệu xây dựng; cơ khí ngành Xây dựng để Bộ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành hoặc Bộ phê duyệt, ban hành theo thẩm quyền.
2. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các cơ chế chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về lĩnh vực vật liệu xây dựng, cơ khí ngành Xây dựng.
3. Theo dõi, tổng hợp, đánh giá và báo cáo tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực vật liệu xây dựng, cơ khí ngành Xây dựng.
4. Giải quyết, xử lý các công việc thường xuyên liên quan đến lĩnh vực vật liệu xây dựng, cơ khí ngành Xây dựng.
5. Phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan và các địa phương để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực vật liệu xây dựng và lĩnh vực cơ khí ngành Xây dựng.
6. Tổ chức lập, thẩm định để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt:
a) Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng, chương trình, đề án phát triển vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; các chương trình quốc gia về vật liệu xây dựng; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
b) Quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật về khoáng sản; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
7. Hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng của địa phương; phương án thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của địa phương trong quy hoạch tỉnh.
8. Phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương trong quá trình thẩm định hồ sơ cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến, báo cáo đánh giá tác động môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.
9. Hướng dẫn các hoạt động thẩm định, đánh giá về chất lượng sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng, chất lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng; hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động thí nghiệm, kiểm định, chứng nhận sự phù hợp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng và cấu kiện xây dựng.
Tổ chức và quản lý các hoạt động đánh giá và chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng, bao gồm hoạt động đăng ký, chỉ định, hướng dẫn và kiểm tra các tổ chức đánh giá và chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng;
Thực hiện nhiệm vụ cơ quan Thông báo của Bộ Xây dựng về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (cơ quan Thông báo TBT).
10. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ, xây dựng trình Bộ trưởng tham gia ý kiến đối với các dự án đầu tư khai thác, chế biến các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và các dự án đầu tư lĩnh vực công nghiệp vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật.
11. Xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về vật liệu xây dựng, danh mục, điều kiện và quy chuẩn kỹ thuật đối với vật liệu xây dựng được xuất, nhập khẩu; vật liệu xây dựng hạn chế xuất, nhập khẩu; vật liệu xây dựng kinh doanh có điều kiện; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện.
12. Tham mưu để Bộ đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình hạn chế, xóa bỏ các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng có công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên vật liệu, tiêu tốn nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường; lộ trình sử dụng vật liệu xây dựng không nung, vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, vật liệu xây dựng sản xuất trong nước.
13. Xây dựng để Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách về sử dụng chất thải, phế thải làm nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng;
14. Xây dựng để Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các đề án, chương trình, dự án khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy phát triển các sản phẩm cơ khí xây dựng; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện.
15. Hướng dẫn, kiểm tra các địa phương và doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường trong các công trình xây dựng.
16. Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng được quyền:
a) Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ cung cấp tài liệu, số liệu cần thiết phục vụ cho việc thực hiện các lĩnh vực công tác của Vụ;
b) Ký thừa lệnh một số văn bản thuộc lĩnh vực công tác của Vụ theo Quy chế làm việc của Bộ và phân công của lãnh đạo Bộ; ký thừa ủy quyền một số văn bản khi được Bộ trưởng ủy quyền.
17. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng giao.
Cơ cấu tổ chức
1. Vụ Vật liệu xây dựng có Vụ trưởng, một số Phó vụ trưởng và các công chức chuyên môn, nghiệp vụ với định biên phù hợp nhu cầu công tác của Vụ theo từng thời kỳ.
2. Vụ trưởng và Phó vụ trưởng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của Đảng, pháp luật và của Bộ Xây dựng.
3. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Vụ Vật liệu xây dựng, Vụ trưởng có trách nhiệm lập kế hoạch công tác cho từng giai đoạn, xác định nhu cầu biên chế của Vụ; xây dựng và ban hành quy chế làm việc của Vụ; phân công nhiệm vụ, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong Vụ và báo cáo Bộ trưởng.
4. Vụ trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và pháp luật về toàn bộ hoạt động của Vụ; Phó vụ trưởng chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng và pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.