Công ty Cổ phần Trung Đô: Nửa thế kỷ dựng xây và phát triển

Thứ ba, 26/08/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 31/8/1958 Bộ Kiến trúc nay là Bộ Xây dựng có quyết định thành lập Cty Kiến trúc Vinh tiền thân là công trường xây dựng Nhà máy Điện Vinh, sau này đổi tên thành Cty Xây dựng số 6 và nay là Cty CP Trung Đô.

Giám đốc Nguyễn Bá Hoan

Ngày đầu thành lập bộ máy lãnh đạo và lực lượng lao động của Cty hầu hết từ bộ đội chuyển ngành nên tay nghề hạn chế, phương tiện thiết bị thi công thiếu thốn. Nhưng vinh dự và tự hào là Cty được sinh ra trên quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh, để xây dựng Nhà máy Điện Vinh có công suất 8.000KW, nền móng của công nghiệp tỉnh Nghệ An. Vào thời kỳ Nhà máy sắp hoàn thành đơn vị được đón Bác về thăm. Bác động viên, khen ngợi cán bộ, công nhân Cty lao động năng suất, chất lượng cao. Với thành tích xuất sắc trên công trường xây dựng này, kết thúc năm 1958 Cty được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; đồng chí Phan Tính - Phó chỉ huy trưởng công trường phụ trách kỹ thuật được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Vượt lên gian khổ khó khăn tiếp sau xây dựng Nhà máy Điện Vinh, Cty liên tiếp hoàn thành một loạt công trình trọng điểm khác như: Nhà máy Đường Sông Lam, Điện Hàm Rồng, Nhà máy Gỗ, Nhà máy Ép dầu Vinh…


Bác Hồ về thăm công trường xây dựng Nhà máy Điện Vinh.

Đầu những năm 60 cả nước hừng hực khí thế thi đua lao động với những phong trào “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên hải”, “Cờ Ba nhất”, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961 - 1965, thực hiện một bước công nghiệp hóa, xây dựng cơ sở vật chất. Vào thời điểm này, nhiệm vụ của Cty lại nặng nề hơn, đảm nhiệm thi công từ Thanh Hóa đến Vĩnh Linh. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, Cty tổ chức cuộc vận động “Hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật”, tiết kiệm được thời gian, nguyên nhiên liệu, vật lực, đơn vị nào cũng có sáng kiến đưa vào sản xuất. Nhờ vậy mà Cty liên tục hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Dưới bàn tay của người thợ nhiều công trình, nhà máy công xưởng trên địa bàn Quân khu 4 đã mọc lên, tiêu biểu như: ĐH Sư phạm Vinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Ba Lan, Nhà máy Xay, Trường dạy nghề Vinh, Trụ sở UBND tỉnh Nghệ An, Giao tế Vinh, Doanh trại Quân khu 4.

Năm 1964 Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc, Vinh là một mục tiêu bị ném bom đầu tiên. Lúc này toàn bộ Cty nhanh chóng chuyển hướng nhiệm vụ phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu. Tháng 1/1965 Đại hội lần thứ V Đảng bộ Cty đã kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, công nhân phát huy tinh thần yêu nước, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ. Lòng yêu nước nồng nàn của cán bộ công nhân trong Cty đã biến thành sức mạnh, Cty đứng vững nơi tuyến lửa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến đấu và xây dựng nhiều công trình quốc phòng quan trọng như sân bay dã chiến Vinh, Bệnh viện Quân khu 4, Nhà máy cơ khí, Nhà máy xi măng. Đặc biệt đã tháo gỡ hàng nghìn thiết bị Nhà máy Điện Vinh vận chuyển an toàn lên miền tây Nghệ An xây dựng Nhà máy Nhiệt điện 3-2 Anh Sơn và 7 cụm nhà máy điện diezen nằm sâu trong lòng núi, đảm bảo dòng điện cho quân và dân Nghệ An hoàn thành nhiệm vụ sản xuất. Vừa sản xuất, vừa chiến đấu, 40 cán bộ, công nhân, chiến sĩ tự vệ của Cty đã ngã xuống trên các công trình trọng điểm như: Nhà máy Điện Hàm Rồng Thanh Hóa, công trường 280N, địa đạo Núi Quyết. Trong đó có những tấm gương sáng ngời như: Đảng viên Tống Viết Chí, đoàn viên Lê Bá Vinh, Nguyễn Viết Công. Sự hy sinh của họ đã viết nên trang sử của Cty vô cùng oanh liệt.

Càng khó khăn cán bộ, công nhân càng đoàn kết chung sức chung lòng xây dựng đơn vị. Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ với điều kiện sống và chết cận kề trong gang tấc Cty vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã xây dựng được 390 công trình, trong đó có 11 công trình quốc  phòng.


Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về thăm Cty.


Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân làm việc với Nhà máy granite Trung Đô

Đầu năm 1973 Hiệp định Pari được ký kết, kết thúc cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, lãnh đạo Cty chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng ổn định nơi ăn chốn ở sau khi rút từ nơi sơ tán về Vinh. Một vinh dự lớn đối với Cty được giao xây dựng Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ Quảng Trị, công trình mang tên B73. Vào thời điểm này Cty đảm nhiệm thi công nhiều công trình trải dài trên địa bàn Quân khu 4, thiếu nhân lực trầm trọng. Lãnh đạo chỉ đạo Trường kỹ thuật liên tục mở các lớp đào tạo công nhân kỹ thuật. Trong một thời gian ngắn đã bổ sung được 1.000 công nhân cho các công trường. Bằng cách làm này Cty luôn có một nguồn bổ sung cán bộ kỹ sư dồi dào. Các công trình Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị, nhà A5, A6 Quang Trung TP Vinh, thi công trong điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt vẫn hoàn thành vượt thời gian.

Cty đã được tặng thưởng

1 Huân chương Lao động hạng Nhất

3 Huân chương Lao động hạng Nhì

19 Huân chương Lao động hạng Ba

1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất

1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhì

1 Huân chương Chiến công hạng Ba

1 Danh hiệu Anh hùng Lao động

1 Bằng khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhiều huy chương vàng và bằng chất lượng cao...

Ngày 25/3/1976 tại Quyết định số 249/BXD-TC, Bộ Xây dựng quyết định đổi Cty Xây dựng Vinh thành Cty Xây dựng số 6. Các công trường trực thuộc Cty đổi thành xí nghiệp. Trong thời gian này theo yêu cầu của Bộ, Cty điều động hàng trăm cán bộ kỹ thuật, chuyên môn  chi viện cho các tỉnh phía Nam. Bàn giao Xí nghiệp 8 với 400 cán bộ công nhân cho Bộ. Để bổ sung lực lượng, Trường kỹ thuật gấp rút đào tạo bổ sung 1.500 công nhân, 40 cán bộ kỹ thuật. Nhờ làm tốt công tác đào tạo nên trên các công trường vẫn đảm bảo nhân lực, thi công liên tục. Cty hoàn thành vượt chỉ tiêu, chất lượng cao ở một loạt công trình trọng  điểm: Nhà máy sợi Vinh, hoa quả hộp Nghĩa Đàn, Trường trung học xây dựng số 4, Công trình 71-12, Nhà nghỉ công nhân xây dựng tại Cửa Lò, Bảo tàng Xô Viết, Thư viện Hà Tĩnh… Cty cử hàng chục cán bộ tham gia xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, thành lập một xí nghiệp mới với 300 cán bộ công nhân vào tận Kiên Giang chi viện xây dựng Nhà máy Xi măng Hà Tiên, cho một đội biệt phái đi xây dựng Nhà máy thủy điện Trị An. Một loạt cán bộ đi tăng cường cấp huyện ở các tỉnh phía Bắc. Cũng trong thời điểm này Cty quyết định xây dựng thêm 2 nhà máy gạch Hồng Lĩnh và Hoàng Mai. Cùng với Nhà máy Gạch ngói Nam Giang các đơn vị sản xuất VLXD trong Cty nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và phía nam Thanh Hóa. Các nhà máy gạch của Cty góp một phần không nhỏ làm cho bộ mặt nông thôn và thành thị ở Nghệ Tĩnh thay đổi nhanh chóng.

Năm 1986 đất nước thực hiện công cuộc đổi mới. Vượt qua những khó khăn ban đầu Cty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng thay đổi các trang thiết bị, đổi mới dây chuyền sản xuất hiện đại các nhà máy gạch tuynel. Chính nhờ vậy mà khó khăn từng bước được tháo gỡ, khách hàng tín nhiệm, Cty trúng thầu nhiều công trình lớn như: Trạm bù điện ở Hà Tĩnh, đường dây 500KV. Với thành tích xây dựng đạt chất lượng cao, vượt tiến độ Cty được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Từ đây Cty đã khẳng định được mình hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cơ chế thị trường, cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt.

Ngày 1/9/1995 Bộ Xây dựng có Quyết định 764/BXD-TCLĐ chuyển Cty về TCty Xây dựng Hà Nội. Về với một TCty xây dựng lớn, Cty không ngừng đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý, sức cạnh tranh không ngừng nâng lên. Chính vì thế mà thị trường của Cty mở rộng khắp cả nước, liên tiếp trúng thầu nhiều công trình lớn như: Nhà máy Xi măng Hoàng Mai, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, điện Hà Giang, Nhà máy Đường Tale & Lyle, Công viên nước Đà Nẵng, Đài tiếng nói Việt Nam tại Cần Thơ, Nhà máy điện đạm Phú Mỹ, thủy điện Pleikrông... Ngày 1/7/1997 Bộ Xây dựng có Quyết định 429/BXD-TCLĐ xếp Cty hội tụ đủ cơ sở vật chất, máy móc thiết bị và cán bộ kỹ thuật để xây dựng các công trình quy mô lớn, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, phức tạp. Tại dự án Nhà máy xi măng Nghi Sơn, Cty trúng những gói thầu lớn kỹ thuật khó như: Kho nguyên liệu thô, nhà làm lạnh clinker, nhà nghiền than chất lượng được tập đoàn Shimizu Nhật Bản rất hài lòng; Xây dựng tất cả hạng mục trọng điểm Nhà máy Xi măng Hoàng Mai; Tháp trao đổi nhiệt có kết cấu bằng bê tông cốt thép, độ cao gần 100m - một hạng mục khó nhất trong xây dựng Nhà máy Xi măng Hoàng Mai. Lãnh đạo Cty cùng tập thể cán bộ kỹ thuật dày công suy nghĩ, nghiên cứu đã đưa ra phương án thi công tối ưu đem lại thành công ngoài sức tưởng tượng. Nên đã đảm bảo yêu cầu tiến bộ, chất lượng cao, được chủ đầu tư và tư vấn nước ngoài hết sức khen ngợi. Sau khi xây dựng xong Nhà máy Xi măng Hoàng Mai uy tín xây lắp của Cty càng bay xa. Cũng vào thời điểm này Cty thực hiện chủ trương đa dạng hóa ngành nghề. Đầu năm 2000 xây dựng Nhà máy Gạch ốp lát granite Trung Đô có công suất 1,5 triệu m2/năm thiết bị đồng bộ, tiên tiến của Italia ở đây có một tập thể cán bộ kỹ sư hết sức năng động, mẫn cảm với thị trường, luôn có sáng kiến làm hạ giá thành sản phẩm. Từ chỗ đốt sấy bằng gas chuyển sang thay bằng khí hóa than, nhờ vậy giảm được giá thành sản phẩm. Mặc dù giá đầu vào tăng, nhưng giá bán gạch của Nhà máy tăng không đáng kể. Mặt khác Nhà máy lắp thêm máy vát cạnh, nên gạch của Nhà máy chiếm lĩnh được nhiều thị phần trên địa bàn và trong cả nước. Cùng với đầu tư vào sản xuất VLXD và xây lắp Cty chuyển sang hướng kinh doanh mới đầu tư xây dựng KĐTM. KĐTM nam Nguyễn Sĩ Sách TP Vinh đã đầu tư trên 100 tỷ đồng, đạt trên 20% kế hoạch.

Cuối năm 2005 Cty thực hiện CPH. Sau khi CPH cán bộ công nhân tinh thần làm chủ cao hơn. Mọi người đều xác định được tài sản của đơn vị trong đó có của mình. Từ khi CPH đến nay SXKD không ngừng tăng trưởng. Doanh thu năm 2005 trên 148 tỷ đồng, năm 2006 trên 150 tỷ đồng, năm 2007 tăng lên 174 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2008 là 98 tỷ đồng. Nộp ngân sách Nhà nước năm 2005 trên 4,3 tỷ đồng, năm 2006 trên 5,7 tỷ đồng, năm 2007 là 11 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2008 là 6,5 tỷ đồng. Thu nhập trung bình của người lao động năm 2005 là 950 nghìn đ/người/tháng thì năm 2008 tăng lên 1,5 triệu đ/người/tháng. Cổ tức cổ đông năm 2007 là 13%, năm 2008 phấn đấu 18%.

Nửa thế kỷ là chặng đường dài, điểm nổi bật của Cty CP Trung Đô trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phấn đấu vươn lên, không ngừng phát triển. 50 năm qua Cty đã rút ra được nhiều bài học trong SXKD. Từ nay đến năm 2010 Cty quyết tâm xây dựng thương hiệu Trung Đô vững mạnh toàn diện, trong đó lấy hiệu quả kinh doanh phát triển mạnh về kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho người lao động, thực hiện đầy đủ ngân sách với Nhà nước. Trong SXKD thực hiện phương châm: “Đa dạng hóa ngành nghề, đa dạng hóa sản phẩm” một cách linh hoạt sáng tạo, nhạy bén tận dụng tối đa thời cơ, liên doanh liên kết, tạo thế và lực trên thương trường, tạo niềm tin cho khách hàng và nhà đầu tư. Tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy, tổ chức SXKD theo hướng gọn nhẹ, linh hoạt, năng động. Đào tạo chuẩn hóa năng lực số CBCNV hiện có. Đảm bảo đúng tiến độ đưa dây chuyền 2 Nhà máy Gạch granite Trung Đô đi vào hoạt động đúng thời gian. Phát huy hết công suất của 3 xí nghiệp sản xuất gạch tuynen. Tiếp tục thực hiện để hoàn thành dự án KĐT nam Nguyễn Sĩ Sách. Toàn Cty thực hiện tốt hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc tế ISO 9001:2000.

Nguyễn Bá Hoàn_Giám đốc Cty CP Trung Đô

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)