Hội thảo khoa học "Quy hoạch và kiến trúc đô thị biển"

Thứ hai, 03/04/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 18/3/2006, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học "Quy hoạch và kiến trúc đô thị biển" tại thành phố Quy Nhơn tỉnh Bình Định. Tham dự hội thảo có ông Trần Ngọc Chính - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, ông Phạm Văn Thanh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ tỉnh Bình Định và bà Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định các nhà khoa học chuyên ngành, các kiến trúc sư, giáo sư tiến sĩ đầu ngành xây dựng Việt Nam và các Hội Kiến trúc sư của các tỉnh lân cận.
Công cuộc đô thị hoá diễn ra với quy mô rộng lớn và với tốc độ nhanh chưa từng thấy trong lịch sử quốc gia. Tác động mạnh mẽ và toàn phần đến tài nguyên và diện mạo đất nước, tác động gốc rễ đến đời sống xã hội, quá trình đô thị hoá đang đặt ra hằng loạt các vấn đề lý luận và thực tiễn, cơ bản và bức bách. Các đô thị biển là thành phần cấu thành hệ thống đô thị Việt Nam đô thị đồng bằng, đô thị núi, đô thị biển, Vai trò của các đô thị biển cực kỳ quan trọng trong phát triển đất nước, đặc biệt trong thời kỳ mở cửa và hội nhập. Hơn thế nữa, một khi các đô thị biển phát triển lành mạnh và theo những ý tưởng thời đại, phát huy đầy đủ những tài nguyên trời đất dành cho đô thị ven biển thì chính những tính bản địa này tạo nên bản sắc của đô thị biển Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên mà Hội Kiến trúc sư Việt Nam chọn Quy Nhơn để tổ chức hội thảo "Quy hoạch và kiến trúc đô thị biển". Cách đây không lâu, Quy Nhơn còn trong tình trạng của một thị xã - tỉnh lỵ, đượm chất và sắc tỉnh lẻ, toạ lạc trên bờ biển mà lại quay lưng ra biển, co khép mình vào đất liền. Nhưng nay, Quy Nhơn đã mở toang các không gian đô thị, quay và trương cái đẹp ra biển. Trong tiến trình lột xác ấy, nhiều vấn đề đang đặt ra với Quy Nhơn và cũng là những vấn đề chung với các đô thị biển hiện nay.
13 bản tham luận trình bày tại hội thảo đã tập trung nhìn nhận, đánh giá hiện trạng cải tạo và phát triển các đô thị biển thời gian qua; phân tích những thế mạnh và các giá trị nổi bật của tài nguyên thiên nhiên bờ biển; từ đó, đi tới sự nhận thức đầy đủ hơn, chuyên nghiệp hơn về tổ chức không gian đô thị biển, về định tính và định hình diện mạo kiến trúc đô thị biển, tổ chức hành lang giao thông ven biển.
Với tham luận "Hướng tới mô hình đô thị sinh thái biển" KTS Nguyễn Quốc Thông và Đỗ Tú Lan đã chỉ ra: "Để phát triển bền vững các đô thị du lịch ven biển Việt Nam, giải pháp có thể tìm thấy trong mô hình đô thị phát triển theo hướng thân thiện với môi trường, tiến tới cân bằng sinh thái ở cả 2 phương diện sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn, nói gon hơn đó là mô hình đô thị sinh thái". Nếu chúng ta biết tận dụng và phát triển du lịch sinh thái thì hiệu quả có khi còn cao hơn là san lấp, lấn biển xây nhà ở.
GS. TS. KTS. Hoàng Đạo Kính với bài tham luận "Đô thị biển Việt Nam - Tiếp cận vấn đề và suy ngẫm về đường hướng phát triển" đã đề cập đến tới một nhận thức và luận điểm ở tầm vĩ mô: "phi lục địa hoá" là:
- Phi lục địa hoá tư duy về phương diện biển, trước hết ám chỉ sự điều chỉnh cái nhìn và cách nhìn cố hữu, cân bằng sự đánh giá tài nguyên đất nước, xác định hợp lý hợp thời hơn "phần lưng" và "phần mặt" của quốc gia, dành sự ưu tiên cho xây dựng mở mang vùng đất ven biển, nhất là thời nay đang có sự tái định hướng địa lý kinh tế khu vực và toàn cầu.
- Phi lục địa hoá về phương diện kinh tế trước tiên ám chỉ sự đánh giá toàn diện và đầy đủ những tiềm năng của tài nguyên bờ biển, sự nhận thức phát triển kinh tế bờ biển như một đòn bẩy nền kinh tế quốc gia, trong đó thương mại và công nghiệp như những yếu tố đương nhiên bắt buộc, trong đó kinh tế du lịch như một thời cơ mang tính chất vận hội của tài nguyên thiên nhiên Việt Nam, được nhận ra từ phía ngoài nhiều hơn và trước hơn là từ phía trong.
- Phi lục địa hoá xây dựng vùng đất ven biển là việc đề ra trên cơ sở khoa học một chiến lược thiết lập hệ thống các đô thị và cấu trúc đô thị trên bờ biển và vùng duyên hải, với sự xác định các động lực phát triển là lợi thế, là nhu cầu và là đặc trưng cho toàn tuyến bờ biển, cho từng đại vùng và từng tiểu vùng; với sự phân bố hợp lý từ đấy các thể loại đô thị to và nhỏ trên cơ sở những định hướng, định tính cụ thể.
Để "biển hoá quy hoạch và kiến trúc đô thị biển", nói cách khác là tạo lập bản sắc cho đô thị biển, theo GS. Hoàng Đạo Kính, trước tiên cần định hướng lại và khẳng định sự quay mặt ra biển của dô thị; cải tạo mạng lưới đường phố với những trục chính hướng ra biển; tạo không gian phân cách biển với thành phố; nhấn mạnh các đặc trưng hình thái bờ biển trong tổng thể cảnh quan đô thị. Về cấu trúc đô thị, các đô thị ven biển thường có cấu trúc các lớp song song tương đối với bờ biển. Do vậy, các lớp ưu tiên phát triển phải là các lớp gần bờ nên các công trình kiến trúc cao tầng chiếm phần lớn dải đất ven biển là tất yếu. Vấn đề là tỷ lệ và nhịp điệu trong tương quan với các khoảng trống của các con đường hướng biển và quảng trường biển.
Tham luận "Đi tìm bóng dáng đặc thù của Đô thị biển" của GS.TS. KTS Nguyễn Việt Châu đã lưu ý: "... đối với đô thị biển thì nơi tập trung nhiều người nhất, dễ lưu lại bóng hình của mình nhất, phát triển nhanh chóng và sôi động nhất, nhưng cũng xâm chiếm thiên nhiên nhiều nhất chính là tuyến không gian ven biển - trục trung tâm của đô thị biển. Vì vậy, để tạo dựng bóng dáng đô thị biển, dường như mọi nguồn lực đổ dồn về dải đất này. Nhưng hiện nay, ở nhiều đô thị biển phổ biến tình trạng mở đường lớn chạy song song với mép nước. Nó được vạch ra với mục đích khai thác nhiều hơn là tạo dựng, do đó có nơi còn quan niệm: mở đường lớn, có hạ tầng để thu hút đầu tư, khai thác lợi thế... Nhưng với đô thị biển, việc làm trên nếu không cân nhắc kỹ sẽ làm cứng hoá nét mềm mại, duyên dáng của bờ biển, hạn chế sự tiếp cận thân thiện giữa đô thị với biển, cắt đi phần nào khoảng đệm tự nhiên giữa biển và đô thị và cảnh quan được tạo dựng sẽ thiếu sinh động vì trục đường luôn giữ khoảng cách nhất định với biển".
Hệ quả của tất cả những vấn đề trên là đô thị biển thiếu bản sắc. GS.TS. KTS Nguyễn Việt Châu nhận xét: "Kích thước các đô thị biển đang phình ra từng ngày, nhưng lại khó phân biệt hình dạng giữa chúng, đặc biệt nếu lược bỏ phần cảnh quan ven biển, chúng sẽ bị lẫn ngay vào vô vàn các khuôn mặt, dáng hình của đô thị vùng đồng bằng khác".
Có nhà khoa học mạnh dạn đề nghị: "Giữ nguyên một phần cảnh quan và sinh thái thiên nhiên ven biển khi hoạch định phát triển không gian và kiến tạo hình thái đô thị".
PGS. TS. KTS. Trần Trọng Hanh với bài tham luận "Quy hoạch phát triển bền vững các đô thị vùng ven biển của Việt Nam" đã đề nghị xây dựng một chiến lược phát triển toàn diện và một quy hoạch tổng thể phát triển vùng nhằm tổ chức lại lãnh thổ vùng ven biển với 6 khu vực:
- Đô thị cấp quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế
- Đô thị cấp vùng Hạ Long, Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu, Quy Nhơn
- Đô thị cấp huyện Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Hà Tĩnh, Đồng Hới, Đông Hà, Hội An, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Tuy Hoà, Cam Ranh, Phan Rang, Phan Rí, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liệu, Cà Mau, Rạch Giá, Hà Tiên
- Đô thị cấp xã
- Đô thị mới Cần Giờ, Long Hải, Chu Lai, Vân Phong, Điện Nam - Điện Ngọc, Vạn Tường, Chân Mây, Kỳ Anh, Nghi Sơn, Quảng Yên, Phát Diệm
- Đô thị đảo Phú Quốc, Côn Đảo, Cát Bà
Cũng vấn đề này, GS. Hoàng Đạo Kính lại đề nghị cần phải xác định hợp lý sự phân bố các cảng và đô thị cảng, ưu tiên khai thác tài nguyên bờ biển.
Một vấn đề "nóng" khác mà các tham luận đề cập là trong đà xây dựng hiện nay, đang lộ rõ sự lạm dụng quá mức đất đai, dẫn đến xâm hại các giá trị cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan kiến trúc, gây ô nhiễm môi trường. Một số đô thị còn tạo ra sự ngăn cách giữa con người với biển hoặc bê tông hoá cả bãi biển.
Ví như việc hạ thấp độ cao đảo Tuần Châu Quảng Ninh lấy đất lấn biển, hay tình trạng xẻ núi lấn biển tràn lan ngay ở vị trí tiền tiêu của Hạ Long đã tạo ra môi trường ít thân thiện với tự nhiên ở các đô thị biển. Việc bờ biển bị chia vụn thành lô, thành thửa cũng là vấn đề đáng lo ngại. Điều này bộc lộ rõ nhất ở Mũi Né Bình Thuận. Hàng chục công trình du lịch, nghỉ mát chỉ được nối với nhau bằng một tuyến đường dài hàng chục km. Nhà nghỉ mát thì có, kiến trúc của khu nghỉ mát không thành, đô thị lại càng không ra đô thị biển. Còn Đà Nẵng, thời gian qua tuy đã phát triển mạnh mẽ về hạ tầng đô thị, nhưng chính sự phát triển quá "bạo" ấy dường như đang làm mất đi hoặc biến dạng hệ sinh thái. Diện mạo kiến trúc Đà Nẵng chưa tạo thành nét riêng, một ấn tượng riêng cho Đà Nẵng. Các đô thị biển của chúng ta từ quy hoạch đến kiến trúc công trình đều chưa đủ sức hấp dẫn để tạo nên diện mạo đặc sắc riêng mình của mỗi đô thị ven biển có cảnh quan thiên nhiên ưu đãi.
KTS. Nguyễn Luận kết luận: "Xây dựng và phát triển một đô thị lấy biển như một yếu tố chính cấu thành đô thị luôn cần đến một trình độ phát triển kinh tế - khoa học côngnghệ cao hơn nhiều so với đô thị phát triển từ sông. Nghĩa là ở đâu, khi điều kiện kinh tế - xã hội vảtình độ khoa học công nghệ chưa đủ thì đừng xuống biển".
Một khi đô thị biển phát triển lành mạnh thì chúng ta sẽ phát huy đầy đủ những tài nguyên của trời đất và sẽ đóng góp vô giá cho bản sắc đô thị Việt Nam. Chúng ta phải tìm ra một hình thái đô thị để thích ứng với nó. Và điều này thì cần cân nhắc.

Đào Tâm
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)