Công bố Luật Nhà ở

Thứ ba, 03/01/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 22/12 Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố 4 luật được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XI là Luật Giao dịch điện tử có hiệu lực từ 1/3/2006; Luật Công an nhân dân có hiệu lực từ 1/7/2006; Luật Nhà ở có hiệu lực từ 1/7/2006; Luật Thanh niên có hiệu lực từ 1/7/2006.

Luật Nhà ở sẽ khắc phục những yếu kém trong hoạt động của thị trường BĐS. Ảnh: La Duy

Ngày 29/11/2005, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật Nhà ở và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2006. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện các nội dung liên quan đến quyền và lợi ích của công dân về chỗ ở và sở hữu tài sản là nhà ở đã được Hiến pháp năm 1992 quy định. Luật Nhà ở được ban hành là cơ sở để Chính phủ chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác phát triển và quản lý lĩnh vực nhà ở, khắc phục những tồn tại, yếu kém trong quản lý đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng cũng như hoạt động của thị trường bất động sản nhà ở những năm vừa qua.
Luật Nhà ở điều chỉnh về sở hữu nhà ở, phát triển nhà ở, quản lý việc sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở. Luật Nhà ở được áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân có sở hữu nhà ở cũng như có các hoạt động liên quan đến nhà ở.
Luật Nhà ở được ban hành gồm 9 chương 153 điều, được xây dựng trên cơ sở quán triệt quan điểm, chủ trương và đường lối của Đảng để cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp năm 1992 về quyền có chỗ ở và quyền được sở hữu nhà ở của công dân. Kế thừa và phát huy những quy phạm pháp luật đã và đang phát huy tác dụng trong thực tiễn, sửa đổi bổ sung và điều chỉnh những vấn đề cụ thể còn khiếm khuyết trong thực tế vận hành nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý có hiệu lực cao, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển và quản lý nhà ở đạt mục tiêu chăm lo cải thiện chỗ ở cho các tầng lớp dân cư phù hợp với sự phát triển của kinh tế thị trường nhiều thành phần có sự điều tiết và quản lý của Nhà nước nhưng bảo đảm nguyên tắc xoá bao cấp, thực thi có hiệu quả chính sách tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở.
Các nội dung quan trọng để định hướng cơ chế, chính sách được thiết chế trong Luật Nhà ở được xuất phát từ tổng kết tình hình, đặc điểm của đất nước trong điều kiện gia tăng tốc độ đô thị hoá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm bảo đảm cho phát triển và quản lý nhà ở đạt hiệu quả kinh tế - xã hội và sự phát triển mang tính bền vững, góp phần tích cực vào quá trình CNH, HĐH đất nước. Luật Nhà ở cũng xác định rõ yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước một lĩnh vực có nhu cầu bức xúc và thiết thân của đông đảo dân cư.
Để thực hiện có kết quả Luật Nhà ở trong cuộc sống, Quốc hội đã giao cho Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn để các ngành, các cấp và mọi tổ chức, cá nhân có liên quan đến vấn đề nhà ở có trách nhiệm thực hiện các nội dung quy định của Luật Nhà ở. Bộ Xây dựng với chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan khẩn trương nghiên cứu, soạn thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở để trình Chính phủ ban hành trước ngày 1/7/2006 ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành. Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng sẽ nghiên cứu và ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện một số quy định đã được Quốc hội giao trong Luật Nhà ở, bảo đảm sau khi Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành, các địa phương không phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành. Bộ Xây dựng cũng sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan để tổ chức giới thiệu, tập huấn và quán triệt nội dung của Luật Nhà ở cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành đến các địa phương UBND các cấp, Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan có chức năng quản lý nhà ở cấp huyện và các doanh nghiệp tham gia kinh doanh bất động sản nhà ở trong cả nước. Trong quá trình triển khai thực hiện Luật Nhà ở, Bộ Xây dựng cũng sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các địa phương và các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển, kinh doanh nhà ở.
Có thể nói, Luật Nhà ở lần đầu tiên được ban hành ở nước ta cùng với hệ thống pháp luật khác của nền kinh tế sẽ đóng góp tích cực vào quá trình phát triển cũng như quản lý có hiệu lực và hiệu quả lĩnh vực nhà ở nói riêng và thị trường bất động sản nói chung.

Nguồn tin: Báo Xây dựng, số 103, ngày 27/12/2005
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)