VINACONEX sẽ trở thành tổng công ty cổ phần đầu tiên

Thứ ba, 18/04/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong định hướng phát triển kinh tế nước ta, tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm huy động thêm nguồn vốn xã hội vào phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo động lực mạnh mẽ và cơ chế quản lý năng động để sử dụng có hiệu quả vốn và tài sản của Nhà nước cũng như của toàn xã hội, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế.
1. Mục tiêu cổ phần hoá Tổng Công ty VINACONEX
Nhịp độ tăng trưởng của VINACONEX trong các năm từ 1996 đến năm 2002 đã có những tiến bộ vượt bậc thể hiện qua các chỉ tiêu tài chính. Đặc biệt trong năm 2003, do có sự tăng trưởng đột biến về doanh thu và lợi nhuận thu được từ đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh phát triển nhà, tổng doanh thu của Tổng Công ty đạt 3.746 tỷ đồng, tăng 5,9 lần, lãi trước thuế tăng 13,6 lần, nộp ngân sách Nhà nước tăng 2,8 lần, đầu tư phát triển tăng 21,5 lần so với năm 1996.
Cổ phần hoá sẽ giúp phát huy vai trò làm chủ thực sự của người lao động, của các cổ đông; tăng cường sự giám sát của nhà đầu tư đối với doanh nghiệp, đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động. Ngoài ra, việc cổ phần hoá sẽ tạo nên mô hình doanh nghiệp hoạt động phù hợp với nền kinh tế thị trường khi Việt Nam gia nhập WTO.
Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra theo phương án tổng thể sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 56/2005/QĐ-TTg ngày 18/3/2005 về việc phê duyệt đề án thí điểm cổ phần hoá Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam.
Trong thời gian tới, mục tiêu của Tổng Công ty VINACONEX là chuyển đổi thành Tổng công ty cổ phần, đa sở hữu, đa doanh hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con để tiếp tục phát triển và trở thành một trong những tổng công ty hàng đầu của Việt Nam.

2. VINACONEX trước cổ phần hoá
Tiền thân của VINACONEX là Công ty Dịch vụ và Xây dựng nước ngoài trực thuộc Bộ Xây dựng. Do nhu cầu phát triển, năm 1991, Công ty trở thành Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, xuất khẩu lao động, xây lắp và xuất nhập khẩu với nhiều thành viên mới.
Trải qua năm tháng, VINACONEX đã trở thành TCty đa doanh, đa ngành với chức năng chính: Xây lắp, tư vấn đầu tư - thiết kế - khảo sát quy hoạch, kinh doanh xuất nhập khẩu thiết bị, vật tư phục vụ ngành xây dựng và các ngành kinh tế khác, sản xuất công nghiệp và VLXD, xuất khẩu chuyên gia và lao động ra nước ngoài, đặc biệt là đầu tư vào các lĩnh vực của nền kinh tế nhằm chuyển đổi cơ cấu và mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu CNH, HĐH nền kinh tế.
Với đội ngũ hơn 30.000 cán bộ, kỹ sư, chuyên gia, công nhân viên, trong đó có nhiều người đã được đào tạo và làm việc tại nước ngoài, có kiến thức chuyên sâu và giàu kinh nghiệm có thể đáp ứng được những yêu cầu đa dạng của khách hàng.
Thực hiện đa dạng hóa các dịch vụ trong nhiều lĩnh vực đến nay, VINACONEX đã đưa trên 50.000 người bao gồm kỹ sư, quản lý, kỹ thuật viên, công nhân các ngành nghề khác nhau sang làm việc tại hơn 20 nước trên thế giới. Chiến lược về đào tạo nguồn, phát triển và quản lý lao động xuất khẩu đã giúp VINACONEX ngày càng phát triển và tăng uy tín đối với khách hàng.
Kinh doanh xuất nhập khẩu cũng là một trong những lĩnh vực hoạt động chính của VINACONEX với mạng lưới bạn hàng rộng khắp thế giới. Kim ngạch xuất khẩu trung bình hàng năm của VINACONEX tăng xấp xỉ 20%.
Hiện tại, VINACONEX đang đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế như: Phát triển đô thị, bất động sản, các công trình hạ tầng kỹ thuật, sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng, thương mại và công nghệ cao.

3. Hoạt động sau cổ phần hoá
Tổng Công ty VINACONEX sẽ phát triển theo các định hướng chiến lược sau: Tiếp tục đa doanh, đa dạng hoá sản phẩm phục vụ ngành xây dựng, kết hợp với mọi hoạt động sản xuất kinh doanh khác mà thị trường có nhu cầu; hoàn thiện mô hình tổ chức, đổi mới phương thức quản lý, điều hành nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phù hợp với quy mô của một Tổng Công ty kinh tế lớn trong nước và khu vực. Tăng cường đầu tư vào công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đặc biệt là những công nghệ tiên tiến như công nghệ sản xuất bê tông nhẹ, bê tông dự ứng lực có tính lắp lẫn cao...
Phát triển lực lượng sản xuất thông qua việc tăng cường công tác đào tạo, đào tạo nâng cao, đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật trong toàn Tổng Công ty, coi con người là trung tâm, là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững của Tổng Công ty.
Chuyển đổi cơ cấu theo hướng tăng dần giá trị sản xuất công nghiệp, giảm dần tỷ trọng xây lắp trong tổng sản lượng. Đa dạng hoá các sản phẩm công nghệ cao phục vụ ngành xây dựng và kết hợp phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh khác mà thị trường có nhu cầu.
Mở rộng các hoạt động đầu tư tài chính sang nhiều lĩnh vực có hiệu quả cao thông qua việc thành lập các trung tâm đầu tư tài chính lớn. Tăng cường liên doanh, liên kết với các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước. Khai thác hiệu quả các nguồn vốn trong và ngoài doanh nghiệp.
Củng cố và phát triển thị trường trong nước và quốc tế phù hợp với định hướng phát triển của Tổng Công ty, đồng thời không ngừng nâng cao giá trị thương hiệu VINACONEX trên thị trường quốc tế và khu vực.
Bên cạnh các mục tiêu kinh tế, Tổng Công ty sẽ tiếp tục duy trì và chú trọng đến các lợi ích trực tiếp, gián tiếp của xã hội, cộng đồng và các mục tiêu phát triển, bảo vệ môi trường.
Theo dự kiến, cuối năm nay trên thị trường chứng khoán sẽ có thêm cổ phiếu của VINACONEX và Tổng Công ty này sẽ chính thức hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Đi đầu chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng với một đơn vị luôn tìm tòi, đổi mới và áp dụng công nghệ tiên tiến như VINACONEX, chắc chắn sẽ thành công.

Nguồn tin: T/C Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Việt Nam, số 2/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)