VNCC - Cái nôi của ngành Thiết kế dân dụng
Thứ năm, 22/12/2005 00:00
Năm 1955 khi hình thành phôi thai của ngành Kiến trúc Nha Kiến trúc thì đồng thời cũng là manh nha của tổ chức thiết kế kiến trúc đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà.
Ban đầu chỉ mới là các phòng quản lý, tổ hoạ, sau mới dần dần thành Cục Thiết kế. Lực lượng ban đầu gồm các kiến trúc sư, kỹ sư, kỹ thuật viên, hoạ viên từ vùng tự do về Kiến trúc vụ, còn lại, từ Nha Công chính Bắc Việt chuyển sang và một số ít từ miền Nam tập kết ra Bắc. Đây là thế hệ đầu của giới, và cũng là bậc tiền bối của Cục - Viện và ngày nay là VNCC.
Rải rác từ năm 1958 nhưng thực sự từ năm 1965 trở đi mới có lực lượng bổ sung đáng kể cho Ngành. Họ là cán bộ do Nhà nước cử đi đào tạo ở nước ngoài bắt đầu tốt nghiệp về nước, là các khoá đầu đào tạo kiến trúc sư trong nước ra trường năm 1965, 1966 từ Đại học Bách khoa khoá 1 - 4 và trung cấp khoá 7, 8 đến khoá 16, 17 ra trường.
Đây thực ra là những hạt giống mới, khá đầy đủ các bộ môn chuyên ngành, bắt đầu có sự đồng bộ, là cơ sở tốt cho sự bắt đầu phát triển. Nhưng cũng tiếc vì trước nhu cầu xây dựng đất nước, yêu cầu quản lý, đơn vị thiết kế được tách ra theo chuyên ngành: quy hoạch, công nghiệp, dân dụng, đồng thời năm 1961 Nhà nước thành lập Uỷ ban Kiến thiết cơ bản nên lực lượng bị chia xẻ. Viện Thiết kế dân dụng 1969 chính thức được độc lập, chuyên môn hoá, gây dựng lại đồng bộ từ đây.
Thế hệ thứ 2
ở thời điểm kỷ niệm 50 năm thành lập, thế hệ thứ 2 sẽ còn gặp nhau vui vẻ, thân thiết. Tính từ năm 1965 cho đến hết thế kỷ, chính là thời gian là quãng đời công tác, đóng góp chủ yếu của thế hệ này.
Lớp đầu của họ là một số kiến trúc sư, kỹ sư và trung cấp khoá 7 - 8, nay nhiều người đã nghỉ hưu cũng có người đã trở về cát bụi, cũng có nhiều người chưa nghỉ đóng góp cho xã hội, cho ngành dưới đa dạng loại hình hoạt động.
Năm 1954 khi đất nước bị chia cắt hai miền, nhiều cán bộ - học sinh miền Nam được tập kết ra Bắc, những người được đào tạo về kiến trúc - xây dựng ra trường, phần lớn về công tác tại Bộ Kiến trúc, trong đó có Viện Thiết kế kiến trúc.
Chưa đâu có một gia đình thiết kế lại đủ xuất xứ mọi miền, mọi nguồn đào tạo, đông vui, cũng chưa thời điểm nào mà ồ ạt cán bộ có chất lượng về một tổ chức thiết kế như lúc này ở Viện Thiết kế Kiến trúc - Dân dụng.
Thế rồi chiến tranh phá hoại ập đến, miền Bắc dè dặt việc xây dựng mới, mà chủ yếu làm công trình sơ tán.
Để bảo tồn lực lượng quý báu đó và chuẩn bị cho công việc tái thiết đất nước sau này, Bộ Xây dựng chủ trương cho cán bộ đi học thêm ở các nước bạn trong khối XHCN. Cũng chính từ đó mà Viện trở thành đơn vị duy nhất có mô hình hoạt động chuyên môn hoá và có tay nghề chuyên sâu theo kinh nghiệm nước ngoài tiên tiến lúc bấy giờ.
Là đơn vị đầu tầu về thiết kế của Bộ, nên Viện còn có nhiệm vụ giúp Bộ nghiên cứu, hỗ trợ các địa phương, làm các việc liên quan đến công tác quản lý ngành như nghiên cứu tiêu chuẩn, quy phạm, thiết kế điển hình…, làm các nhiệm vụ chính trị đối với công trình trọng điểm Quốc gia.
Khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hầu hết anh chị em tập kết sau bao năm xa cách, lần lượt trở về xây dựng quê hương. Họ một lần nữa đóng vai trò nòng cốt trong các tổ chức thiết kế, quản lý, kiến trúc và quản lý xây dựng ở địa phương theo mô hình thống nhất cả nước.
Nhiều người là các nhà chuyên môn lão luyện, là cán bộ đóng các cương vị lãnh đạo ở các tổ chức thiết kế, quy hoạch, các Sở Xây dựng, có hai đồng chí là Phó Chủ tịch tỉnh.
Đã bị phân tán nhiều như vậy, nhưng vì là cơ quan Trung ương nên Viện còn phải bổ sung tiếp nhân lực cho nhiều lĩnh vực khác nữa như quản lý bổ sung cán bộ cho Bộ Xây dựng, đào tạo cho Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, cho nghiên cứu, cho quân đội và ngành Công an, cho các tổ chức Hội nghề nghiệp và một số cơ quan Nhà nước. Họ cũng đóng những cương vị quan trọng trong các tổ chức ấy như trưởng ban, thứ trưởng, trưởng phó các cục, vụ, viện, hiệu trưởng, hiệu phó các trường đại học.
Cho dù khác năm, khác khoá, khác trường… nhưng cùng một xuất xứ từ Viện, nên hầu hết trong các hoạt động liên quan đến ngành đều tìm ra được gương mặt thân quen, cũng như phong cách đặc thù của thương hiệu.
Năm 1986 đất nước bắt đầu thời kỳ đổi mới, đổi mới từ tư duy con người, đến đường lối chính sách và hoạt động cụ thể. Viện Thiết kế được đổi thành Cty Tư vấn Xây dựng, không còn độc tôn, phải tự thân vận động trong cạnh tranh thị trường để tồn tại và phát triển. Cái khó khăn cho thế hệ này là chuyển biến tư tưởng để thích nghi vì họ đang là lực lượng chủ chốt và có trách nhiệm đối với ngành thiết kế của đất nước. Trăm vàn khó khăn, nhưng Cty đã rất tự hào vào nền tảng của mình, biết phát huy sự năng động mới mẻ của lớp sau thế hệ thứ 2, cùng nhau gây dựng và giữ vững thương hiệu.
VNCC lại vẫn quen thuộc với trong nước như Viện Kiến trúc trước đây, không những thế mà còn dần được biết đến trong mối quan hệ quốc tế.
Không chỉ cán bộ trong VNCC mà cán bộ từ Viện ra đi ở các cương vị mới của mình cũng song hành tồn tại, phát triển và loé sáng.
Thế hệ thứ 3
Thập niên cuối của thế kỷ, đã xuất hiện thế hệ thứ 3, lớp người này được ưu tiên trong nhiều phương diện nuôi nấng, học hành, đào tạo và cả ra làm nghề được tiếp xúc trong môi trường xã hội có điều kiện phát triển kiến trúc, có nhiều thông tin, thành tựu công nghệ mới, bên cạnh có kinh nghiệm của lớp người đi trước… sẽ cho phép họ phát huy sáng tạo, nhanh chóng ổn định và trưởng thành.
Cha truyền con nối là một biểu hiện quy luật và tốt đối với văn hoá nghệ thuật – khoa học kỹ thuật. ở VNCC nó còn có ý nghĩa các thế hệ kế tiếp nhau xây dựng và giữ vững truyền thống tự hào của mình, đồng thời có trách nhiệm với nó, trong trách nhiệm chung đối với sự nghiệp xây dựng Tổ quốc.
50 năm là 50 lần nhớ đến để yêu mến VNCC cái nôi của ngành thiết kế Việt Nam!
Người đi xa nhớ nó như kỷ niệm cuộc đời, người ở lại trân trọng nó như gia đình gắn bó thân thiết, gìn giữ, người mới nhập gia phải biết rõ cội nguồn, biết tôn vinh truyền thống và có trách nhiệm kế tiếp, phát huy xứng đáng.
Nguồn: Báo Xây dựng số 101, ngày 20/12/2005