Triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2006: Nâng cao chất lượng và hiệu quả tăng trưởng kinh tế
Ngày 28/12 vừa qua, tại TP.HCM đã diễn ra Hội nghị Chính phủ với các địa phương để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2006. Thủ tướng Phan Văn Khải và các Phó Thủ tướng: Nguyễn Tấn Dũng, Phạm Gia Khiêm chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có các thành viên Chính phủ, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND của 64 tỉnh, thành và đại diện các cơ quan của Trung ương. Hội nghị đã nghe các Bộ trưởng trình bày: Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/2005/NQ - CP của Chính phủ về một số giải pháp chủ yếu chỉ đạo thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2005; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp chủ yếu chỉ đạo thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2006. Báo cáo chuyên đề về nâng cao hiệu quả đầu tư, chống chất thoát, lãng phí, đầu tư dàn trải, nợ tồn đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản; báo cáo về đổi mới cơ chế đầu tư và cơ chế tài chính để đẩy nhanh việc thực hiện xã hội hoá theo Nghị quyết số 05/NQ - CP của Chính phủ; tiến trình gia nhập WTO của Việt Nam và định hướng chương trình hành động để thực hiện các cam kết hội nhập; chương trình hành động của Chính phủ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chương trình hành động của Chính phủ, phòng, chống tham nhũng.
Về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2006, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc: Năm 2006, Chính phủ sẽ tập trung vào các công việc trọng tâm như: Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả tăng trưởng kinh tế. Trong đó có việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng và phát triển các loại thị trường, nhất là thị trường vốn; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thúc đẩy phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn; phát triển các ngành công nghiệp, xây dựng và quản lý đô thị; phát triển các ngành thương mại - dịch vụ. Huy động và nâng cao hiệu qủa sử dụng vốn đầu tư, chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư phát triển. Điều hành chính sách tài chính, tiền tệ chủ động, linh hoạt. Phát triển xuất khẩu và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển mạnh các lĩnh vực xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí.
Nguồn tin: Báo Xây dựng, số 103, ngày 27/12/2005