Phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ tư, 12/02/2014 14:05
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng có dấu hiệu gia tăng cả về tần suất và số lượng. Theo nghiên cứu dự báo của các tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ là một trong những nước tại khu vực châu Á có khả năng chịu hậu quả nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu (BĐKH). Do vậy, để phát triển đô thị hiệu quả, bền vững rất cần những tính toán hợp lý, dự báo chính xác về BĐKH.

Biến đổi khí hậu tác động lớn đến phát triển đô thị

Trong hơn 10 năm gần đây, số lượng đô thị tăng từ 629 đô thị (năm 1999) lên 770 đô thị (năm 2013), dự kiến tăng lên khoảng gần 940 đô thị vào năm 2020. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 20,7% (năm 1999) lên 33,45% (năm 2013), dự kiến tăng lên 45% (năm 2020). Phát triển đô thị đã và đang đóng góp vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Chính phủ hiện đang đặt trọng tâm đô thị hóa vào các vùng kinh tế trọng điểm, các vùng đô thị lớn và các khu kinh tế tổng hợp, cực tăng trưởng chủ đạo của đất nước. Tuy nhiên thực tế, các khu vực ưu tiên đô thị hóa lại là các khu vực tiềm ẩn chịu tác động mạnh từ BĐKH, bão lũ, ngập lụt, triều cường.

Theo kịch bản BĐKH năm 2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước sẽ có khoảng 40 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp từ BĐKH, đặc biệt là các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nếu mực nước biển dâng 1m sẽ có: khoảng 39% diện tích, 35% dân số vùng ĐBSCL; hơn 10% diện tích, 9% dân số vùng đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh; 2,5% diện tích, 9% dân số các tỉnh ven biển miền trung và khoảng 7% dân số TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng trực tiếp. Đồng thời, hơn 4% hệ thống đường sắt, khoảng 9% hệ thống quốc lộ và khoảng 12% hệ thống tỉnh lộ của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Có thể thấy, BĐKH diễn ra ngày càng phức tạp, cùng với hậu quả của quá trình mở rộng đô thị không phù hợp và quản lý sử dụng đất yếu kém, đã khiến ngập lụt đô thị ở nước ta có xu hướng ngày càng gia tăng và trầm trọng hơn. Riêng Hà Nội chỉ cần một trận mưa giông cường độ trung bình đã xuất hiện hơn 60 điểm úng ngập cục bộ (năm 2011), và nếu mưa lớn hơn thì nhiều khu vực của các quận trung tâm cũng bị ngập. Vùng ĐBSCL còn chịu nguy cơ lớn và tiềm ẩn đối với nguy cơ xâm thực mặn, ảnh hưởng tới khả năng cung cấp nước sạch, phát triển hạ tầng cơ sở đô thị. Tại TP Hồ Chí Minh, mưa kết hợp với mức triều cường ngày càng cao hơn đã làm cho diện khu vực ngập úng ngày càng mở rộng. Tình hình lũ lụt tại TP Cần Thơ cũng có diễn biến bất thường, nếu năm 2000 mực nước lũ là 1,79 m thì năm 2011 đạt mốc 2,15 m... Đặc biệt, hiện TP Cần Thơ đang đối mặt với ngập lụt do triều cường chứ không phải do lũ từ thượng nguồn tràn về như trước đây. Trong khi đó, hệ thống đô thị miền núi, cao nguyên chịu ảnh hưởng lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, suy giảm nguồn nước ngầm. Một số đô thị vùng đồng bằng và ven biển, hiện tượng sạt lở bờ sông và bờ biển cũng diễn ra phức tạp. Hiện tượng "đảo nhiệt" trong các đô thị lớn ảnh hưởng đến môi trường sống. Chất lượng nguồn nước bị suy giảm, gây khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất.
Ứng phó với biến đổi khí hậu

Ngày 31-12-2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 - 2020", trong đó xác định sáu nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, gồm: Điều tra, đánh giá mức độ tác động của BĐKH đến phát triển hệ thống đô thị hiện có và đô thị dự kiến hình thành mới trong giai đoạn 2013 -2020; Tích hợp nội dung ứng phó BĐKH vào quy hoạch và chương trình, kế hoạch phát triển đô thị; Chỉnh sửa, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật, khung chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy định liên quan đến phân loại đô thị, quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển đô thị, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật; Hình thành hệ thống kiểm soát, hạn chế lũ, lụt, ngập úng trong đô thị. Nâng cao năng lực cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn các cấp về quản lý, phát triển đô thị ứng phó với BĐKH; Thực hiện các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học - công nghệ, thực hiện các dự án thí điểm phát triển đô thị xanh, kiến trúc xanh...

Bám sát các nhiệm vụ nêu trên, Bộ Xây dựng đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chính quyền các đô thị tổ chức khảo sát, đánh giá đồng bộ về tình hình BĐKH tác động đến hệ thống đô thị. Trong đó, tiếp tục triển khai rà soát các đồ án quy hoạch, dự án phát triển công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, cảng và đô thị mới. Điều chỉnh bổ sung quy hoạch vùng, hệ thống đô thị ven sông và ven biển, hệ thống đô thị trong vùng ngập. Tập trung đến các giải pháp quy hoạch bảo vệ những vùng ngập lũ, phát triển rừng, rừng ngập mặn cản sóng, phát triển các dải cây xanh dọc theo bờ biển để cản gió bão, dành đất dự trữ để phát triển đê, điều, xây dựng hệ thống thoát nước, trạm bơm chống úng ngập. Lồng ghép, tích hợp vấn đề BĐKH vào quy hoạch đô thị, quy hoạch ngành trên địa bàn đô thị. Tăng cường vai trò của chính quyền đô thị trong ứng phó với BĐKH...

Trong công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, Bộ Xây dựng sẽ tăng cường phối hợp các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng hệ thống Bản đồ cảnh báo rủi ro BĐKH tại đô thị (gọi tắt là Atlas Đô thị và Khí hậu), thúc đẩy các nghiên cứu kỹ thuật phòng, chống ngập úng, hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa và tách nước thải ra khỏi hệ thống cống chung, nạo vét mở rộng kênh rạch để xóa các điểm ngập tại đô thị... Trong kiến trúc, quy hoạch khuyến khích phát triển đô thị tập trung dạng đô thị nén có khoảng cách ngắn với nhau hơn là phát triển dàn trải, cắt ngang các dòng chảy lớn. Bên cạnh đó, cũng tập trung hơn việc kêu gọi nâng cấp hạ tầng, tiết kiệm năng lượng, cung cấp nước và xử lý nước thải, cải thiện phương tiện vận tải công cộng, giảm phát thải khí CO2 và bảo vệ môi trường bền vững...


Theo Nhân dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)