Theo số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội, trong giai đoạn 2021-2030, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai 63 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với khoảng 61.900 căn hộ.
Tính riêng trong năm 2024, thành phố dự kiến hoàn thành khoảng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội tại 7 dự án, trong đó 3 dự án đang triển khai, dự kiến hoàn thành 78.000m2 sàn với 1.180 căn hộ; 4 dự án phát triển mới với 0,7 triệu m2 sàn, khoảng 9.000 căn hộ.
Về cơ bản, Hà Nội có thể hoàn thành chỉ tiêu về nhà ở xã hội được Chính phủ giao tại Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".
Theo Đề án, Hà Nội hoàn thành xây dựng 56.200 căn hộ. Trong đó, 18.700 căn hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 và 37.500 căn hoàn thành trong giai đoạn 2026-2030.
Tuy nhiên, những vướng mắc trong triển khai cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội như: trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua, bán phức tạp hơn các dự án nhà ở thương mại; chính sách đối với chủ đầu tư chưa thật sự hấp dẫn, ưu đãi… đã khiến cho tiến trình thực hiện mục tiêu nhà ở xã hội của thủ đô chững lại trong giai đoạn vừa qua.
Theo quy định tại Điều 29 Luật Thủ đô 2024, việc phát triển nhà ở của thành phố Hà Nội đã hiện diện rõ hơn chỗ đứng của phân khúc nhà ở xã hội. Theo đó, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố phải phù hợp với Quy hoạch thủ đô, Quy hoạch chung thủ đô; ưu tiên đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà ở, các khu nhà ở xã hội độc lập theo hướng hiện đại, thuận tiện, đồng bộ với việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội.
Cũng được quy định tại Luật Thủ đô 2024, việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố được thực hiện các chính sách đặc thù, tạo điều kiện cho phát triển phân khúc nhà ở cho người có thu nhập thấp. Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết được lập đồng thời với việc lập đồ án quy hoạch chi tiết và tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan cùng một thời điểm; việc thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết phải được thực hiện trước, làm cơ sở thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết.
Đặc biệt, Luật mới có quy định cho phép Hội đồng nhân dân thành phố quyết định sử dụng ngân sách thành phố để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập.
Việc cho phép thực hiện đồng thời nhiệm vụ quy hoạch chi tiết và đồ án quy hoạch chi tiết, tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan, sẽ rút ngắn thời gian lập quy hoạch, giúp đẩy nhanh tiến độ lập dự án đầu tư nhà ở xã hội.
Sự phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền thủ đô thể hiện rõ khi giao quyền cho Hội đồng nhân dân thành phố quyết định sử dụng ngân sách thành phố đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập.
Vốn trước nay, đây là vấn đề nan giải với các dự án. Lợi nhuận của các chủ đầu tư từ dự án nhà ở xã hội bị khống chế để bảo đảm giá bán phù hợp với khả năng chi trả của người có thu nhập thấp. Vì vậy, nếu không có sự hỗ trợ trong đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu thì rất khó để thu hút sự quan tâm đầu tư từ phía các doanh nghiệp.
Đồng thời, Luật Thủ đô 2024 cũng quy định, Hội đồng nhân dân thành phố được quyết định cơ chế, chính sách, biện pháp ưu đãi, hỗ trợ đối với dự án phát triển nhà ở, nhà lưu trú bố trí cho người lao động làm việc tại khu công nghệ cao, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Đáng chú ý là tác động đến phát triển nhà ở nói chung cũng như nhà ở xã hội từ những chính sách liên quan đến vấn đề phát triển hạ tầng giao thông của thủ đô quy định tại Luật Thủ đô 2024 với sự vượt trội về thể chế. Lần đầu tiên, định hướng phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) được luật hóa. Không chỉ tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tiến trình phát triển đô thị gắn với mô hình TOD, theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, việc đẩy mạnh sự kết nối của các khu vực, các vùng đô thị của thủ đô thông qua phát triển TOD sẽ giúp Hà Nội giải được bài toán về nhà ở, trong đó có việc phát triển nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Văn Đính phân tích, nếu các khu dân cư, thương mại, và dịch vụ được xây dựng xung quanh các trục giao thông công cộng như tàu, metro, xe buýt nhanh… sự kết nối giao thông được cải thiện, người dân có thể đi làm, tiếp cận các tiện ích từ khoảng cách rất xa trong thời gian rất ngắn. Khi đó chất lượng cuộc sống được nâng cao, cơ hội việc làm và cả cơ hội tiếp cận với quỹ nhà ở xã hội của người có thu nhập thấp cũng sẽ lớn hơn rất nhiều so với hiện nay.
Phát triển nhà ở xã hội tại vùng ven như những khu vực xung quanh vành đai 4, thậm chí sau này là vành đai 5, nơi có quỹ đất dồi dào, sẽ giúp cho Hà Nội tạo lập được quỹ nhà đủ lớn để cân đối cung-cầu. Khi đó, giá nhà của các dự án thương mại cũng sẽ được điều chỉnh về mức phù hợp hơn với nhu cầu, khả năng chi trả của người dân thủ đô.