Tỉnh Kiên Giang phấn đấu cuối năm 2025 hoàn thành mục tiêu xóa 2.314 căn nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ sửa chữa 485 nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo không khả năng xây mới, sửa chữa tại tỉnh, mức hỗ trợ xây mới 60 triệu đồng/nhà, sửa chữa 30 triệu đồng/nhà.
Ông Ngô Phương Vũ, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang cho biết, tổng kinh phí thực hiện chương trình là hơn 153 tỷ đồng từ nguồn vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm… trong, ngoài tỉnh và nhân dân hỗ trợ. Ngoài kinh phí hỗ trợ, Ban Chỉ đạo “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” tỉnh khuyến khích các hộ dân sử dụng nguồn lực tự có của gia đình, huy động đóng góp, giúp đỡ của anh em, cộng đồng… để xây dựng nhà ở khang trang, bền chắc.
Theo đó, tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình làm Trưởng ban, xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần tương thân, tương trợ, đồng tâm, hiệp lực thực hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, với tinh thần “Kiên Giang chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” nhằm giúp người nghèo ổn định đời sống, thoát nghèo bền vững, vươn lên trong cuộc sống.
Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, không để xảy ra thất thoát, tiêu cực, đảm bảo hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở đảm bảo chất lượng, sử dụng lâu dài. Đồng thời, tổ chức giới thiệu rộng rãi mẫu nhà ở cho nhân dân địa phương nghiên cứu, tham khảo, lựa chọn xây dựng phù hợp.
Tỉnh giao 3 thành phố Phú Quốc, Hà Tiên, Rạch Giá và huyện Kiên Hải chủ động vận động nguồn lực, hỗ trợ thực hiện xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo và tiến tới hộ gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn.
Tỉnh đề nghị, Sở Xây dựng Kiên Giang tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh bản vẽ thiết kế mẫu nhà chung để thực hiện chung trong toàn tỉnh; hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật để các huyện, thành phố và các hộ xây dựng nhà phù hợp nhu cầu sử dụng, nguồn vốn được hỗ trợ, nguồn vốn tự có của gia đình, đạt chất lượng nhà ở theo quy định.
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định, hưởng ứng phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên phạm vi cả nước đến năm 2025 do Trung ương phát động, tỉnh quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong thời gian sớm nhất, với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Qua đó, tạo điều kiện để các hộ nghèo, cận nghèo có mái ấm kiên cố, an toàn và tiến tới sẽ hỗ trợ những hộ có hoàn cảnh khó khăn. Cấp ủy các cấp xem công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát tại địa phương là nhiệm vụ ưu tiên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả phong trào “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” của tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh đa dạng hóa hình thức hỗ trợ, trên tinh thần “Ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều”, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.
Việc “xây mới, sửa chữa nhà đảm bảo tiêu chí 3 cứng: Nền cứng, tường cứng và mái cứng, phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán, hoàn cảnh cụ thể của từng hộ gia đình. Đồng thời huy động nguồn lực xã hội hóa, kết hợp với nguồn lực của Nhà nước và sự cố gắng từ chính các hộ gia đình… để chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh.
Tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố thực hiện xong hỗ trợ đối tượng hộ nghèo, cận nghèo chủ động huy động nguồn lực tiến tới xây mới, sữa chữa nhà ở cho các gia đình khó khăn khác, hiện còn khoảng 4.250 căn trong toàn tỉnh. Đồng thời, các địa phương tuyên truyền, vận động người dân nỗ lực vươn lên, cố gắng đối ứng thêm nguồn kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở khang trang, bền chắc, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.