Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, cơ chế chính sách để khuyến khích đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm của Thủ đô.
Bệnh viện Nhi Hà Nội. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Gần đây, nhiều công trình, dự án trọng điểm đang được thành phố Hà Nội chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt, thành phố đã tổ chức khởi công và khánh thành các dự án gắn biển "Công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô."
Có 12 công trình tiêu biểu tổ chức gắn biển trong đợt cao điểm như: đầu tư xây dựng nút giao khác mức giữa đường Vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long, huyện Hoài Đức; Tòa tháp Tài chính 108 tầng (Dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội); xây dựng Bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2 (công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025); xây dựng tuyến đường 40m nối từ đường Nguyễn Văn Cừ đến hết khu tái định cư phường Ngọc Thụy; đầu tư xây dựng tuyến đường Lê Quang Đạo kéo dài (đoạn từ Đại lộ Thăng Long, quận Nam Từ Liêm đến vị trí ranh giới khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông).
Cùng đó là Dự án xây dựng “Đoạn tuyến đường sắt trên cao tuyến đường sắt đô thị trên cao, đoạn Nhổn-Voi Phục (ga S8)” thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-ga Hà Nội; Dự án xây dựng cầu vượt nút giao An Dương-đường Thanh Niên; Khu liên cơ quan Vân Hồ; Xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội giai đoạn 1; xây dựng trụ sở làm việc Quận ủy, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân quận Cầu Giấy; xây dựng Cung Thiếu nhi Hà Nội (đã tổ chức khánh thành); Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá thành phố Hà Nội (Công trình: Nhà máy xử lý gói 1)
Trong số các dự án trọng điểm đang được thành phố rốt ráo chỉ đạo có Dự án xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội, thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia. Tuyến đường đi qua 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh), kết nối cao tốc Hà Nội-Lào Cai và Nội Bài-Hạ Long có tổng chiều dài 112,8km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85.800 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã giải ngân 11,3% kế hoạch vốn.
Thi công dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục (giai đoạn 1) có chiều dài 2,3km, mặt cắt ngang 50m và hợp phần 2 cầu vượt tại nút giao Láng Hạ-Nguyễn Chí Thanh.
Điểm đầu tuyến đường giao với đường Cát Linh-La Thành-Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa) và điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình).
Mức đầu tư giai đoạn 1 dự án hơn 7.200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố; trong đó chi phí xây dựng 627 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5.800 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã giải ngân 39,6% kế hoạch vốn.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La-Xuân Mai, cải tạo 21,7km, đoạn nút giao Ba La quận Hà Đông đến thị trấn Xuân Mai huyện Chương Mỹ.
Dự án nâng cấp thành 4-6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, chiều rộng nền đường được mở 50-60m góp phần hoàn chỉnh trục đường hướng tâm kết nối Quốc lộ 21A đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô.
Tổng vốn đầu tư 8.100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố; trong đó, trên 5.100 tỷ đồng giải phóng mặt bằng và 2.900 tỷ đồng chi phí xây dựng, mua sắm thiết bị. Đến nay, dự án đã giải ngân 9,4% kế hoạch vốn.
Dự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội-Hòa Bình có chiều dài 6,7km, điểm đầu kết nối giữa cao tốc Đại lộ Thăng Long với Quốc lộ 21, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, điểm cuối kết nối với đường Hòa Lạc-Hòa Bình; mặt cắt ngang từ 120-180m. Tổng mức đầu tư toàn dự án 5.200 tỷ đồng, đến nay dự án đã giải ngân 9,1% kế hoạch vốn.
Dự án xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư gần 785 tỷ đồng, dự án được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 67.900m2 tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông. Quy mô dự án gồm 1 khối nhà cao 6 tầng có 2 đơn nguyên với năng lực thiết kế 200 giường bệnh nội trú.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức lễ khánh thành và gắn biển công trình Bệnh viện Nhi - một trong những công trình trọng điểm chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Dự án mở rộng đường Âu Cơ-Nghi Tàm là trục huyết mạch kết nối trung tâm Hà Nội với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Được khởi công từ tháng 6/2020, công trình có chiều dài 3,7km, mặt cắt ngang từ 26,5 đến 31m; trong đó mặt đường chính rộng từ 16,5-21m có thể đáp ứng 4 đến 6 làn xe di chuyển cùng lúc với tổng đầu tư 544 tỷ đồng và cũng được thông xe sau nhiều ngày chậm tiến độ.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, cơ chế chính sách để khuyến khích đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm của Thủ đô.
Đồng thời, thành phố Hà Nội chỉ đạo các cấp, ngành vào cuộc thực hiện nghiêm túc, không để các công trình ngưng trệ, làm chậm tiến độ, kéo theo nhiều hệ lụy trong đó có đội vốn đầu tư lên cao.
Bên cạnh đó, thành phố tăng cường kỷ cương, kỷ luật đánh giá cán bộ bằng những việc làm, hành động cụ thể cũng như phê bình, khiển trách và quy trách nhiệm rõ ràng cho người đứng đầu đơn vị trên tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”./.